10/11/2024 09:52:12 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế và Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm đã trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống về thực trạng trên và đề xuất giải pháp tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn.
Ảnh minh họa.
Vì sao doanh nghiệp hấp thụ vốn còn hạn chế?
Thời gian qua, Chính phủ triển khai nhiều gói hỗ trợ, lãi suất vay ngành ngân hàng ở mức thấp. Song, thực tế hiện nay, khả năng hấp thụ và tiếp cận vốn của một số doanh nghiệp (DN) còn hạn chế. Theo chuyên gia đâu là nguyên nhân?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tăng trưởng tín dụng trong các tháng đầu năm thấp, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp bị hạn chế, tôi cho rằng, nguyên nhân từ 2 phía. Phía ngân hàng đưa ra các điều kiện, trong khi đó khách hàng không đáp ứng được các điều kiện đó. Do đó, phía ngân hàng cần có các điều kiện để người vay đáp ứng được, còn về phía doanh nghiệp cũng phải có điều kiện đủ về tài chính để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Hiện tăng trưởng tín dụng tương đối còn thấp so với mục tiêu 15% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho cả năm.
Thời điểm này, nền kinh tế của ta vẫn đang ở trong tình trạng chưa bứt phá mạnh mẽ. Sau bão Yagi ở miền Bắc vừa qua, nhiều cơ sở kinh doanh bị tàn phá, gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các điều kiện của phía ngân hàng như tiếp tục yêu cầu tài sản thế chấp. Khách hàng không đáp ứng được các điều kiện thì ngân hàng không thể cho vay. Từ đó tôi cho rằng, dù tăng trưởng tín dụng chậm, trong khi nhiều doanh nghiệp rất cần vốn nhưng không thể vay được có nguyên nhân từ cả hai phía như trên. Ở thời điểm hiện tại, nguyên nhân từ phía khách hàng nhiều hơn bởi họ không đáp ứng được các điều kiện nên khó tiếp cận vốn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Doanh nghiệp, ngoài khó khăn về tiếp cận vốn còn đang đối mặt với những khó khăn gì thưa luật sư Trương Anh Tú?
Luật sư Trương Anh Tú: Thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước tiên, ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu, làm tăng chi phí đầu vào như nguyên liệu, năng lượng và logistics. Điều này gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn có tiềm lực tài chính hạn chế. Thêm vào đó, sức mua trong nước đang giảm sút khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), mới đây, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp nhằm tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp vào đổi mới và phát triển đất nước; đồng thời lắng nghe chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp
Các chính sách tài khóa như giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) xuống 8%, gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước… Các biện pháp tài khóa này giúp DN thế nào?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Các biện pháp, chính sách tài khóa như giảm thuế GTGT xuống 8% trước tiên không làm giảm ngân sách quốc gia mà hỗ trợ cho người tiêu dùng. Từ đó, người tiêu dùng mua hàng hóa nhiều hơn, hỗ trợ gián tiếp cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mức giảm từ 10% xuống 8% là không đủ, cần giảm xuống mức 5% thì mới có tác động mạnh mẽ, khuyến khích người tiêu dùng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp một cách gián tiếp hiệu quả hơn. Những chính sách tài khóa khác như gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước… đều có tác động tốt cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngân sách quốc gia rất hạn chế, nên Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ cho các DN giảm thuế ở một mức mà ngân sách có thể chấp nhận được.
Luật sư Trương Anh Tú
Thưa luật sư Trương Anh Tú, vừa qua Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, ông nhìn nhận các giải pháp này thế nào?
Luật sư Trương Anh Tú: Các giải pháp của Thủ tướng rất kịp thời và mang tính chiến lược. Trước hết, Thủ tướng đã nhấn mạnh việc tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng và bình đẳng cho doanh nghiệp. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì các doanh nghiệp cần một sân chơi công bằng để có thể cạnh tranh lành mạnh.
Ngoài ra, việc phát triển hạ tầng chiến lược như giao thông, năng lượng và viễn thông sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Thủ tướng cũng đưa ra các giải pháp khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sức mạnh nội sinh của DN. Điều này sẽ giúp DN nắm bắt được các cơ hội mới và tăng cường khả năng thích ứng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động.
Trong số các giải pháp, tôi đánh giá rất cao chính sách bảo vệ quyền lợi của DN, đặc biệt là việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm hơn khi thực hiện các giao dịch và hợp tác kinh doanh cũng như tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch và công bằng, giúp hạn chế các tranh chấp không cần thiết.
Tôi cho rằng, để tận dụng những cơ hội này, trước tiên DN cần nâng cao năng lực quản trị và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yếu tố sống còn. Các DN cần nắm bắt các công nghệ mới để tối ưu hóa quy trình sản xuất và kinh doanh, từ đó tăng cường năng suất và khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, DN cũng cần linh hoạt trong chiến lược phát triển, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Việc đầu tư vào nhân lực chất lượng cao cũng là một yếu tố quan trọng, vì trong thời đại công nghệ 4.0, con người là yếu tố then chốt để doanh nghiệp thành công.
Các chuyên gia có đề xuất thêm các giải pháp hoặc kiến nghị cụ thể gì để các chính sách tài khóa có hiệu quả, giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các khó khăn?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Một trong những nội dung tôi đề nghị là Chính phủ phải tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho các ngân hàng, cho cả các DN không đủ điều kiện vay để vay ngân hàng. Trong trường hợp các DN không thể trả cho các ngân hàng, quỹ bảo lãnh sẽ đứng ra trả nợ thay cho các DN. Tức là đây là một loại bảo hiểm. Theo Nghị định 34 ban hành năm 2018, Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương hiện rất èo uột, vốn điều lệ chỉ có 200 tỷ, không đủ bảo lãnh cho DN ở trong địa phương. Do đó, cần phải tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng và thành lập một Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, có vốn điều lệ lớn để có thể bảo lãnh cho tất cả các DN trên toàn quốc. Chúng ta không thể chỉ dựa vào quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương bởi quá nhỏ bé.
Luật sư Trương Anh Tú: Ở một khía cạnh khác, tôi cho rằng, bên cạnh những giải pháp hiện tại, Chính phủ nên tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn vay và công nghệ. Đồng thời, cần có những chương trình hỗ trợ tài chính, nhất là cho các DN nhỏ và vừa, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Việc tăng cường hợp tác giữa DN và các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất quan trọng, nhằm giải quyết nhanh chóng các vướng mắc pháp lý, tạo ra sự liên kết chặt chẽ hơn giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nhân. Với sự quyết tâm từ cả hai phía, tôi tin rằng DN Việt Nam sẽ vượt qua những thử thách hiện tại và phát triển bền vững.
Xin cảm ơn các chuyên gia!
Ngày Doanh Nhân Việt Nam (13/10) được thành lập theo Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ, đề cao vinh những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Đây là cột mốc ghi nhận vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong cuộc xây dựng và phát triển đất nước, khẳng định rằng, doanh nhân không chỉ là những người làm kinh doanh mà còn là lực lượng tiên phong, góp phần xây dựng sự thịnh vượng của đất nước.
Theo Tri thức & Cuộc sống
(- PV Hải Ninh)
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50