10/03/2024 09:21:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
(LSVN) - Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, từ thời "đuổi Pháp đánh Nhật", lập nước cho đến thời kỳ đổi mới như hiện nay, tất cả các tầng lớp trong xã hội Việt Nam đều công nhận nghề luật sư là một nghề cao quý. Bởi, hoạt động nghề nghiệp của Luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh [1].
Nhờ lợi thế hiểu biết chuyên sâu pháp luật, Luật sư nắm giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự tại Tòa án, tạo ra thành quả to lớn trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Thông qua quá trình tố tụng giúp đỡ thân chủ, Luật sư góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo mọi người dân được đối xử công bằng trên cơ sở pháp luật, hỗ trợ cơ quan tư pháp xác định sự thật khách quan của vụ án, tránh làm oan người vô tội.
Vụ án điển hình thể hiện rõ vai trò Luật sư đó là kỳ án “Chiếc dùi đục… tưởng tượng?”[2] . Cụ thể, năm 2008, bà Đàm Thị Hòa vay một khoản tiền lớn từ bà Hoàng Thị Hoa với mục đích phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của xưởng gỗ. Thời gian đầu, bà Hòa trả nợ đầy đủ và đúng hẹn. Tuy nhiên thời gian sau đó, do việc kinh doanh khó khăn nên tới tận tháng 9/2013, bà Hòa vẫn chưa trả được hết số tiền nợ gốc cho bà Hoa.
Vào ngày 27/9/2013, một nhóm người lạ mặt xông vào nhà bà Hòa để đòi nợ. Bà Hòa từ chối trả tiền cho những người này nên họ đã gọi điện cho bà Hoa đến để nói chuyện. Người vay và chủ nợ lời qua tiếng lại rồi xảy ra xô xát. Đàm Thuận Thao (con bà Hòa) hoàn toàn không tham gia vào sự việc. Khoảng 10 phút sau, Công an xã Hương Mạc (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đến lập biên bản. Bất ngờ, bà Hoa trình bày rằng bị ông Thao dùng dùi đục vụt vào đầu gây thương tích. Công an đã kiểm tra nhưng không tìm thấy vật chứng này.
Sau sự việc, bà Hoàng Thị Hoa tố cáo ông Đàm Thuận Thao đã tấn công bà bằng một cái dùi đục, nhưng không có bằng chứng nào để chứng minh. Tòa án sơ thẩm sau đó vẫn tuyên Đàm Thuận Thao 30 tháng tù giam vì phạm tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết tăng nặng là dùng hung khí nguy hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Nhận thấy dấu hiệu oan sai, các Luật sư bào chữa cho Đàm Thuận Thao đã quyết tâm đưa sự thật ra ánh sáng. Qua quá trình đấu tranh, bằng những lập luận sắc bén chỉ rõ những điểm mâu thuẫn, bất hợp lý trong kết luận điều tra và cáo trạng, đại diện Viện Kiểm sát tỉnh Bắc Ninh buộc phải thay đổi quan điểm giải quyết vụ án ngay tại phiên tòa, đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Phần tuyên án, Hội đồng xét xử phúc thẩm đưa ra phán quyết hủy bản án hình sự sơ thẩm của TAND thị xã Từ Sơn, trả hồ sơ cho VKSND thị xã Từ Sơn để thực hiện điều tra lại từ đầu. Đồng thời, Hội đồng xét xử tuyên trả tự do cho ông Thao ngay lập tức.
Qua đó cho thấy, nhờ vào hoạt động tham gia tố tụng một cách tích cực của Luật sư đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp. Việc tham gia tố tụng của các Luật sư không những bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự trong vụ án dân sự, mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, làm rõ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, giảm thiểu các vụ án oan sai.
Hình ảnh phiên tòa vụ án “Chiếc đục tưởng tượng”.
Bên cạnh đó, Luật sư tại Việt Nam cũng còn một vai trò khác quan trọng không kém. Với lẽ thông thường, không một chủ thể nào trong mối quan hệ xã hội mong muốn xảy ra xung đột với các chủ thể khác. Tuy nhiên, các xung đột vẫn diễn ra hằng ngày. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ quả trên, nhưng chủ yếu đến từ lý do các bên chưa nắm rõ quyền, nghĩa vụ của mình được luật pháp ghi nhận đến đâu và bản thân phải ứng xử như thế nào cho phù hợp với quy định pháp luật. Tại điểm này, tổ chức hành nghề luật sư và các Luật sư “in-house” (pháp chế doanh nghiệp) nổi lên như vị cứu tinh nhờ khả năng tư vấn pháp lý chuyên nghiệp.
Thông qua hoạt động tư vấn, Luật sư có thể giúp đỡ thân chủ “thực hiện đúng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp” [3] của mình. Từ đó, khả năng xảy ra tranh chấp giữa các bên có thể được giảm thiểu tối đa. Nhờ vậy, Luật sư cũng đã gián tiếp góp phần xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, lành mạnh theo đúng pháp luật, góp phần phát triển kinh tế, phát triển đất nước.
Dựa vào thống kê về tổ chức, hoạt động Luật sư năm 2010, ban hành kèm theo Công văn số 306/BTP-KHTC ngày 16/10/2009 của Bộ Tư pháp [4] có thể thấy rõ từ năm 2007 đến năm 2010, trung bình mỗi năm Luật sư cả nước chỉ tham gia khoảng 35.820 [5] vụ việc tư vấn pháp lý. Nhưng đến giai đoạn gần đây, dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ II (2015-2020) của Liên đoàn Luật sư Việt Nam [6] lại biểu thị từ năm 2015 đến 2020, số lượng vụ việc tư vấn pháp lý Luật sư cả nước tiếp nhận giải quyết trung bình mỗi năm đã tăng đến khoảng 98.114 [7] vụ việc, tăng gần 3 lần so với một thập kỷ trước.
Qua đó có thể khẳng định, nhu cầu tư vấn pháp lý đang ngày càng tăng cao tại Việt Nam. Luật sư đã và đang dần khẳng định vị thế quan trọng trong vai trò tư vấn pháp lý, đóng góp một phần không nhỏ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam đang tồn tại nguyên tắc “ai cũng phải biết luật” (nemo censetur ignorare legem). Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản trong lĩnh vực pháp luật, có nguồn gốc từ thời La Mã cổ đại. Theo đó, pháp luật sẽ suy đoán khi người dân đạt đến một độ tuổi nhất định (độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, năng lực hành vi dân sự,…), họ mặc nhiên đủ năng lực nhận thức về pháp luật và hành vi pháp lý. Như vậy, không một ai vi phạm pháp luật có thể chối bỏ trách nhiệm với bất kỳ lý do nào. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân vẫn chưa cao, đặc biệt là bạn trẻ tuổi vị thành niên, cũng như những người dân sống ở sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Do đó, nhằm hạn chế tối đa hành vi vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết, đồng thời đảm bảo cá nhân, tổ chức tuân thủ tuyệt đối quy định pháp luật, Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012) đã trao cho Luật sư vai trò tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trên tinh thần đó, các Đoàn Luật sư trên cả nước nói chung và Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nói riêng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm 2021 đến với đông đảo học sinh trên địa bàn TP. Hà Nội như THPT Phan Đình Phùng, THPT Mê Linh, THPT Thượng Cát, THCS Nguyễn Trãi, THCS Nguyễn Trường Tộ,... Các nội dung tuyên truyền đến trường học là Luật An ninh mạng, kỹ năng sử dụng mạng an toàn, phòng chống thuốc lá điện tử, phòng chống bạo lực học đường,... Hội Phụ nữ Luật sư Hà Nội cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật hôn nhân gia đình, Luật Đất đai đến nhiều hội viên phụ nữ thuộc Hội liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tại nhiều quận, huyện như Thường Tín, Phú Xuyên, Ba Vì,… [8] Qua đó, Luật sư đã góp một phần không nhỏ trong công tác nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Ngoài ra, Luật sư còn có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong nhiệm kỳ II (2015- 2021), Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị pháp lý do các cơ quan Đảng, Nhà nước giao phó, trong đó có công tác tham gia góp ý, xây dựng pháp luật. Những đạo luật quan trọng của đất nước đều có sự tham gia của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Hầu như tất cả các dự thảo luật của Chính phủ, của TAND Tối cao, VKSND Tối cao trước khi trình Quốc hội hay nhiều văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì đều lấy ý kiến góp ý của Liên đoàn và đã được Liên đoàn Luật sư Việt Nam đóng góp ý kiến tích cực. Trong hơn 6 năm qua (2015-2021), Liên đoàn đã có ý kiến đóng góp với 139 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan.
Các Đoàn Luật sư cũng triển khai nhiều hoạt động trong công tác tham gia xây dựng các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương. Những nỗ lực đóng góp của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các thành viên của Liên đoàn trong công tác xây dựng pháp luật đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đánh giá cao; nhiều ý kiến, kiến nghị của Liên đoàn, Đoàn Luật sư về xây dựng và sửa đổi các văn bản pháp luật đã được ghi nhận, tiếp thu [9].
Như vậy, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Luật sư Việt Nam trong xã hội ngày nay. Những vai trò này của Luật sư đã được định vị vô cùng quan trọng trong pháp luật Luật sư. Với tầm quan trọng không thể chối cãi, Luật sư đang và sẽ tiếp tục đóng góp đặc biệt vào sự thịnh vượng và phát triển của Việt Nam, giúp ích cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
[1] Lời nói đầu, Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 về việc ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. [2] Đọc thêm “Kỳ án "chiếc dùi đục tưởng tượng": Chuyện bây giờ mới kể” tại: https://danviet.vn/ky-an-chiec-dui-duc-tuong-tuong-chuyen-bay-gio-moi-ke-7777626557.html. [3] Khoản 2 Điều 28 Văn bản hợp nhất Luật Luật sư số 03/VBHN-VPQH: “2. Khi thực hiện tư vấn pháp luật, luật sư phải giúp khách hàng thực hiện đúng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ”. [4] https://moj.gov.vn/Documents/Thongke/2010/5.6.%20PhulucIII_STP04A%20theo%20CV306.pdf. [5] 35.820 là trung bình cộng của các năm 2007 đến 2010, cụ thể: Năm 2007: 27.821 vụ việc; Năm 2008: 31.903 vụ việc; Năm 2009: 39.149 vụ việc; Năm 2010: 44.405 vụ việc. [6] Trích dẫn số lượng vụ việc tư vấn pháp lý được đăng tải tại: https://lsvn.vn/chuyen-doi-so-la-phuong-tien-dua-nghe-luat-su-ve-dich-nhanh-va-ben-vung-nhat1640020457.html. “Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Đoàn Luật sư, từ năm 2015 đến 31/12/2020, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã tham gia thực hiện khối lượng công việc rất lớn: tham gia vào 81.072 vụ án hình sự, trong đó có 37.503 vụ án hình sự chỉ định và 43.569 vụ án hình sự được khách hàng mời; 67.339 vụ việc dân sự, 52.885 vụ việc trong lĩnh vực kinh tế kinh doanh thương mại, 4.097 vụ án hành chính, 1.854 vụ án lao động; tư vấn pháp luật 490.570 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng 22.887 vụ việc; các dịch vụ pháp lý khác 22.880 vụ việc; trợ giúp pháp lý miễn phí 161.996 vụ việc [1]…” [7] Tổng cộng từ năm 2015-2020, Luật sư Việt Nam tham gia tư vấn pháp luật 490.570 vụ việc. Do đó, trung bình mỗi năm Luật sư Việt Nam tham gia 98.114 vụ việc. [8] Bài viết: “Luật sư trong công cuộc phổ biến, tuyên truyền và giáo dục pháp luật”: https://lsvn.vn/luat-su-trong-cong-cuoc-pho-bien-tuyen-truyen-va-giao-duc-phap-luat1623918603.html. [9] Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Tài liệu Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, trang 43-44: https://lsvn.vn/luat-su-voi-cong-tac-xay-dung-hoan-thien-phap-luat-hien-nay1664734177.html#:~:text=trong%20nhi%E1%BB%87m%20k%E1%BB%B3%20II,nh%E1%BA%ADn%2C%20ti%E1%BA%BFp%20thu%E2%80%9D%20(3) |
LÂM VŨ
TAT Law Firm
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50