KỲ 13: CHIẾC DÙI ĐỤC TƯỞNG TƯỢNG

07/08/2025 10:43:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

(Bắc Bộ – Một phiên tòa năm ấy) 

Chúng tôi gặp anh vào một buổi chiều nắng xám, khi thành phố đã chuyển mùa nhưng vẫn còn vương lại cái hanh hao của tháng cuối hè. Anh không phải là một ông lão gầy gò bạc trắng như hình dung ban đầu, mà là một người đàn ông trạc năm mươi, dáng đậm da sạm nắng, bàn tay dày và thô như mặt gỗ xẻ. Một người thợ mộc và là bác ruột của bị cáo. 

Anh đặt chiếc ba lô cũ xuống ghế, rút ra xấp giấy nhàu, rồi ngẩng lên. Giọng nói chậm rãi, ít lời: 

“Cháu tôi không làm chuyện đó. Tôi chắc, tôi nuôi nó từ bé. Nó không phải kẻ như thế.” 

Tôi ngồi lặng nhìn gương mặt rám nắng ấy, như nhìn vào một phiến gỗ lâu năm, thớ dày, vết dao đục hằn sâu. Và tôi hiểu, đây không chỉ là lời bảo vệ vì tình ruột thịt, mà là tiếng nói của một người cả đời sống giữa đường cưa ngay và vết đục thẳng, không quen với giả dối. 

Vụ án đã hoàn tất điều tra, cáo trạng đã ban hành. Một thanh niên bị buộc tội dùng dùi đục tấn công người hàng xóm sau một cuộc cãi vã. Nạn nhân bị thương sau gáy, một vết sâu, gọn và tròn. Không ai thấy tận mắt, không ai giữ được hung khí. Nhưng trong hồ sơ, “dùi đục” hiện ra như một thứ không thể chối cãi.

Ảnh minh họa 

Tôi và Luật sư Đặng Xuân Cường nhận lời. Không phải vì tình cảm, mà bởi trực giác nghề nghiệp mách bảo: có điều gì đó không ổn. 

Tôi vào trại giam. Cậu thanh niên ngồi đó, gầy, xanh, nhưng ánh mắt không hề né tránh. Cậu không nài nỉ, không biện hộ. Cậu chỉ nói: 

“Cháu không làm điều đó.” 

Nghe thì bình thường, nhưng cái cách cậu nhìn thẳng – kiên định và yên lặng – khiến tôi phải dừng lại. Trong nghề luật, có những ánh mắt khiến ta hoài nghi tất cả và cũng có những ánh mắt khiến ta tin, dù chưa có bằng chứng nào trong tay. 

Chúng tôi bắt đầu lật lại hồ sơ. Từng ảnh giám định, từng lời khai, từng chi tiết nhỏ bị lãng quên trong các biên bản điều tra. Vết thương tròn đều, chính giữa sau gáy, sâu và dứt khoát. Một chiếc dùi đục, loại thường thấy trong xưởng mộc, cán vừa tay cầm nhưng đầu lớn. Vết thương như bị đóng bằng vật tròn, cứng, từ trên xuống, hoàn toàn không khớp với cấu tạo lưỡi dùi đục gỗ lớn.

Và lạ lùng nhất: không có chiếc dùi đục nào trong toàn bộ hồ sơ vật chứng. Không thu giữ, không giám định, không có hiện vật. Chỉ một lời kể, từ người có mâu thuẫn với bị cáo,  rồi được lặp đi, lặp lại, nhấn mạnh, ghi chép… cho đến khi nó trở thành “sự thật”. 

Sự thật tưởng tượng. Tôi nhớ mãi cảm giác ấy – khi mọi thứ trong hồ sơ tố tụng đều xoay quanh một giả định chưa từng được kiểm chứng. Và đáng tiếc, suốt quá trình tố tụng, giả định ấy không được kiểm chứng một cách độc lập, mà dần dần trở thành điểm tựa cho toàn bộ diễn biến pháp lý phía sau. Mọi dữ kiện “không khớp” bị làm ngơ. Mọi câu hỏi “khó lý giải” bị lướt qua và chiếc dùi đục tưởng tượng ấy, qua nhiều trang giấy, đã trở thành hung khí định tội. 

Trước ngày xét xử, chúng tôi lại vào trại. Không phải để an ủi, cũng không hẳn để động viên. Mà là để ra đòn thăm dò cuối cùng. Trong nghề, đó là lúc ta thử gõ nhẹ vào vết nứt của hồ sơ, để biết liệu có thể đặt toàn bộ niềm tin vào phương án bào chữa vô tội hay không. 

Tôi nhìn cậu, rồi chậm rãi nói: 

“Nếu cháu nhận, tôi có thể xin án treo. Về sớm. Gia đình đỡ khổ, cháu đỡ khổ.” 

Không phải là khuyên, mà là thử. Thử xem nơi tận cùng của lo sợ và mỏi mệt, con người ta có gục xuống không. 

Cậu im lặng. Một khoảng lặng dài. Rồi khẽ lắc đầu, mắt nhìn thẳng: 

“Cháu không làm. Cháu thà ngồi tù thêm 30 tháng, chứ không nhận điều mình không làm.” 

Câu trả lời ấy ngắn gọn, cương nghị, chính là lời biện hộ mạnh mẽ nhất. Một câu nói đủ sức nâng đỡ toàn bộ lập luận pháp lý phía sau, đủ để tôi bước vào phiên tòa ngày hôm sau mà không còn băn khoăn về lựa chọn chiến lược. 

Là luật sư, đôi khi ta phải tìm cách giảm nhẹ hậu quả. Nhưng cũng có lúc, ta phải tin vào sự thật – không chỉ bằng lý lẽ, mà bằng trực giác và niềm tin vào nhân cách con người. Và lần này, tôi chọn đứng về phía cậu. Không thỏa hiệp. 

Tại phiên tòa, chúng tôi tranh tụng không cảm xúc. Không đao to búa lớn, chỉ là những câu hỏi rất nhỏ: 

– Hung khí đâu? 

– Vết thương có tương thích với chiếc dùi đục không? 

– Ai nhìn thấy dùi đục? 

– Có thực nghiệm hiện trường không?

– Một thanh niên lực lưỡng, vụt dùi đục thẳng vào gáy một người phụ nữ nhỏ bé, liệu có tạo ra thương tích nhẹ nhàng như thế không? 

Không ai trả lời đầy đủ, chúng tôi không dựng kịch bản mới. Chỉ yêu cầu tòa nhìn lại sự thật: chiếc dùi đục chưa từng tồn tại. 

Tòa tuyên trả tự do tại chỗ. Bản án chưa kết thúc, nhưng bước ngoặt đã đến. Cậu thanh niên bước ra khỏi vành móng ngựa, mắt rưng rưng, không khóc. Người bác, người thợ mộc đứng dậy, cúi đầu, bàn tay gân guốc siết lại. Không một lời nào, nhưng tôi hiểu – đó là cái cúi đầu của người cả đời cưa gỗ thẳng, và hôm nay tìm lại được sự thẳng thắn của công lý. 

Câu chuyện ấy không lớn, không ầm ĩ. Nhưng với tôi, đó là một trong những dấu chân rõ nét nhất in giữa lằn ranh thật và giả, giữa niềm tin và suy đoán. 

Ngày nay, những “chiếc dùi đục tưởng tượng” vẫn đang hiện diện quanh ta, đôi khi không mang hình hài vật chất, nhưng đủ sức khoét sâu vào nền tảng pháp lý, đạo đức và danh dự của con người. Đó có thể là một hợp đồng condotel thiếu căn cứ pháp lý nhưng được tung ra hàng loạt, khiến bao người mua rơi vào vòng xoáy tranh chấp. Là một quyết định chuyển nhượng vốn trị giá hàng nghìn tỷ đồng nhưng thiếu minh bạch, dẫn đến rối ren pháp lý và đổ vỡ niềm tin. Là bản đánh giá bảo hiểm rủi ro mập mờ, không kiểm chứng, khiến doanh nghiệp chao đảo khi biến cố xảy ra. Hay chỉ đơn giản là một đoạn clip bị cắt ghép, phát tán trên mạng xã hội, đủ để chôn vùi danh dự một con người chỉ trong vài tiếng đồng hồ. 

Nếu chúng ta, những người làm nghề luật, không cẩn trọng, không hoài nghi, không dám hỏi lại điều tưởng chừng đã rõ, thì công lý cũng có thể bị đẽo gọt bởi chính những điều chưa từng tồn tại. 

Làm luật không chỉ là thuộc điều khoản, không chỉ là giành thắng, mà là giữ cho xã hội một chút tỉnh táo, một chút nhân hậu, một chút phản biện. Để không ai phải đánh đổi tương lai vì những điều chưa đủ vững vàng để trở thành sự thật. 

Vụ án ấy đã khép lại. Người bác trở về làng, tiếp tục công việc đục gỗ, vá gỗ, dựng mái. Nhưng tôi tin, từ ngày đó, anh không chỉ sửa chữa những khuyết gỗ, mà còn giữ trong lòng một niềm tin giản dị: công lý, nếu có chỗ cho sự thật, sẽ không bị đẽo gọt bởi những lời khai. 

Còn chúng tôi – người luật sư trong phiên tòa hôm ấy, chỉ mong mình đủ kiên nhẫn, đủ lặng thầm, để đi tiếp con đường này: con đường không ồn ào, nhưng không bao giờ rời mắt khỏi sự thật. 

Hà Nội 2014 

Bút ký của Luật sư Trương Anh Tú

 

Kính mời Quý bạn đọc xem lại các bài bút ký đã ra mắt của Luật sư Trương Anh Tú:

KỲ 12: HỒ SƠ BẰNG VÀNG

KỲ 11: MƯỜI NĂM GÕ CỬA CÔNG LÝ - HÀNH TRÌNH ĐỊNH DANH CONDOTEL

KỲ 10: KHI GÃ KHỔNG LỒ CÚI ĐẦU

Gửi bình luận:

hotline 0848009668