KỲ 10: KHI GÃ KHỔNG LỒ CÚI ĐẦU

05/27/2025 09:01:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Một buổi sáng mùa đông xám xịt, tôi ngồi đối diện với anh Hùng - giám đốc một doanh nghiệp tư nhân có tiếng trong ngành gỗ, vừa trải qua cú sốc lớn nhất kể từ ngày lập nghiệp. “Cháy sạch. Gần hai trăm tỷ, giờ là tro bụi,” anh nói, đôi mắt đỏ ngầu vì mất ngủ triền miên. Nhà xưởng, kho bãi, máy móc, hàng hóa - tất cả bị thiêu rụi trong một đêm. Nhưng điều làm anh suy sụp không phải ngọn lửa, mà là thái độ từ phía công ty bảo hiểm: nơi mà anh đã kiên trì đóng phí suốt bốn năm trời, nay lại quay lưng khi biến cố xảy ra. Họ không từ chối thẳng thừng, nhưng cũng không xác nhận trách nhiệm. Họ im lặng, trì hoãn, viện dẫn những điều khoản mơ hồ, để rồi cuối cùng nói: “Chúng tôi rất tiếc, nhưng không có cơ sở bồi thường.” Đó là một cú đánh kép: mất tài sản – và mất niềm tin. Tôi nhận lời tham gia vụ việc này không phải vì thấy cơ hội dễ thắng, mà bởi tôi không muốn im lặng trước sự bất công mang danh “hợp đồng”. 

Ảnh minh họa 

Chúng tôi bắt đầu đào sâu hồ sơ: hợp đồng bảo hiểm tài sản mọi rủi ro, điều khoản loại trừ, biên bản giám định, kết luận phòng cháy, đánh giá tổn thất… Mỗi dòng chữ được phân tích như một bản giải phẫu pháp lý. Tôi phát hiện ra phía bảo hiểm không hẳn sai, nhưng cách họ xây dựng hợp đồng – từ ngôn ngữ đến thủ tục – là để khóa chặt mọi ngả bồi thường. Họ bảo vệ mình, không phải khách hàng. Có điều khoản họ viện dẫn là “thiệt hại gián tiếp không thuộc phạm vi bảo hiểm”, có điều khoản nói rằng “nếu chưa có kết luận nguyên nhân cháy cụ thể, chưa thể xác lập trách nhiệm bồi thường”. Họ không nói không, nhưng cũng không nói có. Một vùng xám – đủ để họ không chịu ràng buộc, nhưng vẫn giữ được lớp mặt nạ “hợp tác thiện chí”. Là luật sư, tôi hiểu rằng trong những vụ việc thế này, đôi khi luật không còn là vũ khí mạnh nhất. Hiểu tâm lý đối phương, chiến lược truyền thông và đòn bẩy đạo đức doanh nghiệp – mới là những quân cờ quyết định cục diện. 

Một cách cay đắng, tôi nhận ra cụm từ “Bảo hiểm mua dễ, khó đòi” không phải là lời than vãn cảm tính, mà là một thực tế lạnh lùng. Nhiều doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ - đóng phí bảo hiểm như một phần nghĩa vụ quản trị rủi ro, nhưng lại không mấy ai đủ điều kiện, thời gian và chuyên môn để soi từng dòng chữ nhỏ trong hợp đồng. Họ không ngờ rằng, đằng sau lớp vỏ “mọi rủi ro” là một ma trận loại trừ trách nhiệm bảo hiểm - được thiết kế bài bản để thu hẹp nghĩa vụ chi trả đến mức tối thiểu. Có những điều khoản được viết bằng ngôn ngữ nước đôi, có những thủ tục đòi hỏi gần như bất khả thi trong thời gian xảy ra tổn thất. Bản chất không nằm ở việc công ty bảo hiểm sai, mà là ở cách họ tạo ra “một hệ sinh thái phòng thủ” - nơi khách hàng luôn ở thế yếu. Là luật sư, tôi từng chứng kiến nhiều vụ kiện kéo dài hàng năm, kết thúc bằng những cái lắc đầu: “Không đủ điều kiện bồi thường.” Và đây không phải cá biệt. Đó là “thiết kế mặc định” của nhiều hợp đồng bảo hiểm hiện nay. 

Đối phương là một tập đoàn bảo hiểm lớn, có vốn điều lệ hằng nghìn tỷ, mạng lưới trải dài toàn quốc, danh sách khách hàng toàn doanh nghiệp FDI và cả các định chế tài chính. Họ mạnh về tài chính, giỏi về pháp chế, khéo về truyền thông. Nhưng tôi biết rõ: họ sợ mất uy tín hơn là sợ thua kiện. Tôi chọn không gửi công văn đe dọa, không vội vàng kiện tụng. Tôi soạn một lá thư tay, viết bằng ngôn từ nhẹ nhàng nhưng đầy hàm ý. Gửi thẳng đến Chủ tịch Hội đồng quản trị, tôi không nhắc đến các điều khoản bảo hiểm, mà nói về hậu quả xã hội khi một vụ việc như vậy lan ra. Tôi nhấn mạnh: khách hàng này là doanh nghiệp có lịch sử đóng phí đầy đủ, là công ty có hơn 300 công nhân đang bị đình trệ sản xuất, là một trong những khách hàng trung thành trong nhiều năm. “Quý vị có thể đúng về hợp đồng. Nhưng liệu quý vị có muốn tên tuổi mình gắn liền với một quyết định mà xã hội nhìn bằng ánh mắt nghi ngại? Niềm tin một khi mất đi - đôi khi còn tổn thất hơn cả trăm tỷ đồng.” Bức thư không lớn tiếng, nhưng sắc như dao mỏng. 

Cùng lúc đó, tôi triển khai một chiến lược truyền thông kín. Không giật gân, không báo chí rầm rộ. Chỉ là những câu hỏi xã hội học – được đưa ra một cách có chủ đích trên vài diễn đàn chuyên ngành: “Mua bảo hiểm để làm gì, nếu lúc cần nhất thì không ai đứng ra trả lời?”, “Một doanh nghiệp nhỏ mất xưởng - ai sẽ đứng về phía họ?”. Những bài viết, những dòng chia sẻ tưởng như ngẫu nhiên, bắt đầu lan truyền. Và rồi điện thoại của họ bắt đầu đổ chuông. Cổ đông hỏi. Đối tác e dè. Nội bộ dao động. Chưa đầy một tuần, họ gọi tôi vào đàm phán. 

Cuộc gặp diễn ra tại tầng 16, không camera, không truyền thông. Đại diện công ty bảo hiểm nói: “Anh cần gì để kết thúc vụ việc này?” Tôi đáp: “Chỉ cần đúng như hợp đồng đã ký - chi trả đầy đủ tổn thất. Không hơn. Nhưng nếu quý vị thực sự tin rằng ‘uy tín là tài sản lớn nhất’ thì đây chính là lúc chứng minh điều đó.” Không có đàm phán kéo dài. Không cò kè điều kiện. Họ đồng ý ký quyết định bồi thường toàn bộ giá trị hợp đồng - gần 200 tỷ đồng. Không ai vỗ tay. Không ai ăn mừng. Nhưng trong ánh mắt anh Hùng - người đàn ông từng gần như tuyệt vọng - tôi thấy một điều sáng lên. “Không chỉ vì số tiền,” anh nói, “mà vì có người đã không bỏ cuộc thay chúng tôi.” 

Tôi chỉ gật đầu. Không ai thắng. Không ai thua. Nhưng công lý đã tìm được chỗ đứng - đúng lúc, đúng chỗ và theo một cách không cần phải ra tòa. 

Tôi đã từng nghĩ đây là một trận đánh không có cơ hội chiến thắng. Đối phương mạnh, hợp đồng chặt, pháp lý bất lợi. Nhưng tôi học được điều quan trọng: không phải vụ nào cũng cần dùng gươm luật pháp. Có những lúc, phải dùng đến gương lương tri. Khi đặt danh tiếng, đạo đức và hình ảnh doanh nghiệp lên bàn cân - có những bên tưởng như vô cảm cũng sẽ phải suy nghĩ lại. Danh tiếng – một khi được xây dựng bằng truyền thông, thì cũng có thể lung lay bởi chính truyền thông. Và đó là nơi người luật sư có thể làm được nhiều hơn cả điều luật. 

Câu chuyện ấy, tôi tin, là một dấu chân đậm trên hành trình hành nghề của mình. Không phải ai có tiền cũng đúng. Không phải hợp đồng nào cũng bất khả xâm phạm. Và không phải lúc nào im lặng cũng là lựa chọn an toàn. Trên bàn làm việc hôm ấy, tách trà nguội lạnh. Nhưng tôi thấy lòng mình ấm lại. Có những vụ việc - chỉ cần thắng một lần - là đủ để tin thêm vào con đường mình chọn: Con đường của công lý. 

Hà Nội, mùa đông 2016

Bút ký của Luật sư Trương Anh Tú

 

Gửi bình luận:

hotline 0848009668