06/21/2017 16:21:38 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Trong khi các ngân hàng khác đến từ châu Âu, Mỹ đang trong giai đoạn chững đầu tư vào Việt Nam thì giới ngân hàng Nhật lại lặng lẽ mua cổ phần ngân hàng Việt Nam.
Lặng lẽ đổ trăm triệu USD
Khi tân Chủ tịch Sacombank, ông Phạm Hữu Phú, công bố ngân hàng này có thể bán 15% cổ phần cho một đối tác (ngân hàng) Nhật, nhiều nhà đầu tư vẫn bán tín bán nghi và cho rằng đây chỉ là một chiêu PR trong bối cảnh chuyển giao quyền lực từ “người cũ” sang “người mới” khi tình hình còn nhiều rối ren.
Nhưng sau khi báo chí công bố ngân hàng Tokyo - Mitsubishi UFJ thuộc tập đoàn Tokyo-Mitsubishi UFJ group (MUFG) đang muốn hoàn tất kế hoạch mua cổ phần của Vietinbank, một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam, thì các nhà đầu tư đã thực sự hiểu rằng các ngân hàng Nhật đang sẵn sàng cho một cuộc chơi lớn tại Việt Nam.
Theo Nikkei, ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ muốn hoàn tất việc mua 20% cổ phần của Vietinbank, trị giá khoảng 726 triệu USD, trong nửa đầu năm 2013. Mitsubishi UFJ, hiện là nhà cho vay lớn nhất Nhật Bản, có thể mua cổ phiếu Vietinbank với giá khoảng 22,800 đồng/CP, hay cao hơn giá thị trường hiện nay là khoảng 20,000 đồng/CP.
Theo Nikkei, ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ muốn hoàn tất việc mua 20% cổ phần của Vietinbank
Nếu thương vụ thành công, ngân hàng Nhật có thể cử nhân sự ngồi vào hội đồng quản trị của Vietinbank.
Trước đó trong cuộc họp báo hôm 3/11, tân chủ tịch Sacombank Phạm Hữu Phú cũng công bố, ngân hàng này đang cân nhắc xem xét bán 15% cổ phần chiến lược cho một đối tác ngoại, có thể đến từ Nhật Bản, trong vòng 4 tháng tới, tức đầu năm 2013.
Gần đây hơn, năm 2011 tập đoàn tài chính Mizuho Financial group đã bỏ ra 567,3 triệu USD để mua 15% cổ phần phát hành thêm, tương đương 347,6 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Sau khi mua cổ phiếu Mizuho cũng sẽ là đối tác chiến lược duy nhất của Vietcombank và được cử một đại diện tham gia vào hội đồng quản trị.
Được biết giá mua cổ phiếu cũng cao hơn giá thị trường của Vietcombank trên sàn giao dịch Hồ Chí Minh. Mizuho cũng là một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất của Nhật cũng như thế giới.
Trước đó, hồi năm 2007, tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group đã mua 15% cổ phần của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với giá 225 triệu USD.
Như vậy, các tên tuổi lớn ngân hàng nội địa đều đã xuất hiện sự có mặt của nhà đầu tư chiến lược đến từ đất nước mặt trời mọc, và không loại trừ khả năng trong thời gian tới tại các ngân hàng khác như BIDV... cũng sẽ xuất hiện những cái tên nhà đầu tư Nhật Bản.
Trái với tình hình sôi động đến từ phía nhà đầu tư Nhật Bản, dường như các nhà đầu tư đến từ châu Âu hay Mỹ lại tỏ ra không mặn mà với cuộc chơi cổ phần trong ngân hàng nội.
Trước khi có thông tin về Tokyo-Mitsubishi UFJ, Vietinbank gần như đã đạt thỏa thuận bán cổ phần cho Ngân hàng Nova Scotia (Canada). Tuy nhiên, đến phút cuối, Nova Scotia lại làm mình làm mẩy khi yêu cầu được nhận toàn bộ cổ tức, thặng dư vốn năm 2011, điều không diễn ra khi đàm phán. Vietinbank cảm thấy bị ‘coi thường” và tất nhiên là không thể chấp nhận yêu cầu khó hiểu của Nova. Cuộc hôn nhân giữa Vietinbank và Nova Scotia đã không xảy ra khi Nova “bỏ chạy”.
Trước IPO, Vietcombank cũng đạt được thỏa thuận với một ngân hàng Mỹ về việc bán cổ phần chiến lược, tuy nhiên do bất đồng về giá, thương vụ này đã đổ bể.
Vì sao chọn Việt Nam?
Với việc MUFG bày tỏ mong muốn sở hữu cổ phần Vietinbank cho thấy sự gia tăng đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào các nước Đông Nam Á (và các ngân hàng Nhật sẽ tiếp bước nhảy vào để cấp vốn), đặc biệt Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, thậm chí cả nền kinh tế đang chuyển đổi Myanmar, nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều tại Trung Quốc.
Bằng cách mua lại cổ phần tại một ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ sẽ dễ dàng mở rộng dịch vụ tới các công ty Nhật đang có mặt tại đây.
Đối với các đại gia ngân hàng Nhật Bản, khi thị trường trong nước của họ đang ngày một thu hẹp do khủng hoảng kinh tế, việc vươn ra các quốc gia đang phát triển nhanh hơn ở châu Á là một bước đi chiến lược, nhằm có được “miếng bánh” lớn hơn tại đây.
Do kinh tế Nhật trì trệ, đã khiến các ngân hàng Nhật Bản “dư thừa” khoảng 2.000 tỷ USD tiền gửi của người dân không cho vay ra được. Việc xuất hiện tại Việt Nam sẽ giúp họ có được khách hàng lớn như Yamaha Motor hay Canon...vốn đang đầu tư tại Việt Nam.
Theo số liệu của Thomson Reuters, các doanh nghiệp Nhật đã chi mức kỷ lục 83,8 tỷ USD cho các thương vụ M&A trong năm 2012. Được biết, trong số các thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm 2012 từ các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Nhật đứng đầu.
Rõ ràng, với việc nắm giữ cổ phần chiến lược tại một trong số những ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam, MUFG, nhà cho vay lớn nhất Nhật Bản, hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu vốn đang gia tăng mạnh từ các công ty Nhật đang hoạt động tại Việt Nam cũng như các công ty trong nước.
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam hiện tại gặp một số khó khăn về nợ xấu nhưng các nhà phân tích tin rằng trong dài hạn kinh tế Việt Nam sẽ thực sự cất cánh. Chính phủ Việt Nam đã cam kết đưa mức nợ xấu ngân hàng về khoảng 3-4% theo chuẩn quốc tế vào cuối năm 2015, và điều này hoàn toàn khả thi khi trong thực tế, những năm 1997, Việt Nam cũng đã đối mặt với vấn đề nợ xấu cao và đã giải quyết được.
Một điều quan trọng khác, việc mua cổ phần ngân hàng Việt Nam hiện nay được coi là “khá rẻ”, điều vốn không hề xảy ra vài năm trước. Việc nhiều ngân hàng Việt Nam gặp khó khăn thanh khoản do nợ xấu, sự xuất hiện của các đối tác ngoại dư thừa tiền mặt...sẽ là yếu tố tốt đảm bảo uy tín cho ngân hàng nội tiếp tục phát triển.
Theo Nguyên Hưng - báo Vietnamnet.vn
( Bài đăng ngày 02/01/2013)
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50