06/09/2021 10:50:03 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đưa tin trước đó, Hiệp hội Năng lượng vừa có văn bản kêu cứu gửi Thủ tướng về việc nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện bị Tổng cục Thuế dừng hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thậm chí, doanh nghiệp còn đối diện với nguy cơ bị truy thu và phạt chậm nộp hàng ngàn tỷ đồng.
Đáng nói, việc ngành thuế bất ngờ dừng hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào cho dự án điện đang đầu tư là câu chuyện nằm ngoài dự đoán và kịch bản kinh doanh của tất cả doanh nghiệp.
Hệ quả là, nhiều doanh nghiệp ngành điện lo sốt vó vì dòng tiền đầu tư bị thay đổi đột ngột.
Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, việc dừng hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào cho các dự án điện là sai tinh thần của Luật Doanh nghiệp.
Các dự án điện, năng lượng được đầu tư có quy mô lên tới cả tỉ USD, nhưng những bất cập trong chính sách liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong đầu tư, huy động vốn triển khai dự án.
Ông Hiếu nhấn mạnh, về tính pháp lý, trước khi có Luật Doanh nghiệp 2014, vẫn tồn tại tư duy tham gia ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải có giấy phép rồi mới được thành lập doanh nghiệp và chuẩn bị các điều kiện để kinh doanh, hay muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải xin phép trước. Nhưng đó là tư duy cũ và bất hợp lý vì "gà không thể có trước trứng".
“Tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2014 là giấy phép kinh doanh chỉ có ý nghĩa quy định thời điểm doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ kinh doanh có điều kiện”, ông Hiếu nói.
Người chắp bút viết Luật Doanh nghiệp nhấn mạnh, không có giấy phép thì doanh nghiệp vẫn được quyền chủ động chuẩn bị các điều kiện cho việc kinh doanh. Chẳng hạn, họ phải xây dựng nhà máy, thuê lao động, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho việc kinh doanh. Nếu yêu cầu mọi hoạt động của doanh nghiệp đều phải có giấy phép, từ khi họ chuẩn bị đến khi họ chính thức kinh doanh, cung cấp sản phẩm, dịch vụ là trái với tinh thần của Luật Doanh nghiệp. Nếu tư duy sau khi có giấy phép hoạt động, giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp mới được phép hoạt động, kinh doanh là sai.
Thuế giá trị gia tăng là thuế đánh vào các giao dịch trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải được chuẩn bị cơ sở vật chất, phải được hoàn thuế theo quy định.
Luật số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng cũng không đề cập những hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện.
Như vậy là không có tính pháp lý của việc yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy phép hoạt động điện lực mới được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Về tính hợp lý của vấn đề, ông Hiếu cho rằng nếu không thể đồng nhất giấy phép kinh doanh và quá trình chuẩn bị kinh doanh của doanh nghiệp. Các giao dịch hoạt động mua sắm, đầu tư không liên quan đến giấy phép đăng ký kinh doanh hay giấy phép hoạt động, cung cấp sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Trong quá trình chuẩn bị, doanh nghiệp buộc phải tiến hành các hoạt động đầu tư, mua bán nguyên vật liệu chứ.
Tư duy có giấy phép hoạt động điện lực mới được hoàn thuế thì có nghĩa không cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy, vậy lấy đâu ra cơ sở để đáp ứng ngành nghề có điều kiện, không có điều kiện thì doanh nghiệp lấy đâu ra giấy phép hoạt động. Nói điều này để thấy quy định như thế là hoàn toàn vô lý, trái với tinh thần của Luật Doanh nghiệp.
Nhấn mạnh lại tinh thần của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, ông Hiếu khẳng định điều kiện để doanh nghiệp tiến hành kinh doanh không có nghĩa là doanh nghiệp không được chuẩn bị cho quá trình kinh doanh, không được có các giao dịch kinh tế trong quá trình chuẩn bị để có giấy phép hoạt động kinh doanh có điều kiện.
“Trước năm 2013, các ngành nghề có điều kiện như kinh doanh bất động sản yêu cầu doanh nghiệp phải có 20 tỷ đồng mới được có giấy phép hoạt động, nhưng sau đó đã được bãi bỏ. Nhà đầu tư có quyền thành lập doanh nghiệp, rồi sau đó kêu gọi, huy động vốn, khi có đủ 20 tỷ đồng thì chính thức được cung cấp dịch vụ. Không cho nhà đầu tư mua trứng thì sao ấp được gà?”, ông Hiếu nói.
Ông Bùi Văn Thịnh - Tổng giám đốc Công ty CP Phong điện Thuận Bình bên dự án điện gió của mình tại Bình Thuận đang bị cơ quan thuế đòi truy thu thuế.
Trao đổi với DĐDN ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận, Tổng giám đốc Công ty CP Phong điện Thuận Bình nhấn mạnh, cách hiểu giữa các Bộ Tài chính và Bộ Công Thương khác nhau có thể đẩy nhiều nhà đầu tư điện tái tạo vào chỗ phá sản.
“Không riêng gì doanh nghiệp tôi mà nhiều doanh nghiệp đầu tư điện tái tạo sẽ phải phá sản hoặc thua lỗ nặng nề. Bởi các chi phí đầu tư, kế hoạch thu hồi vốn... đã được doanh nghiệp tính toán trước khi đầu tư dự án và có tính đến phương án hoàn thuế GTGT.
Trong đầu tư điện tái tạo, thiết bị luôn chiếm phần vốn chính. Việc truy thu thuế GTGT 10% cùng với tiền phạt thuế có thể đẩy nhiều doanh nghiệp đến chỗ chết. Đơn cử như, Công ty CP Phong điện Thuận Bình hiện đang đầu tư thực hiện 02 dự án điện gió, vốn đầu tư thiết bị 2.000 tỷ đồng. Nếu truy thu thuế GTGT 200 tỷ đồng doanh nghiệp sạt nghiệp”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp (- PV Đỗ Huyền)
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50