HIỂU VỀ “ÁN CHỈ ĐẠO”

10/02/2024 10:02:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Trong những năm gần đây, khi Đảng, Nhà nước đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách mạnh mẽ, quyết liệt với hàng loạt các vụ đại án được đưa ra xét xử, thì người dân bắt đầu được tiếp cận và nghe nhiều hơn về thuật ngữ “Án chỉ đạo”.

Luật sư Trương Ngọc Liêu

Khái niệm “Án chỉ đạo”

Đối với những người tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ đại án, những vụ án có liên quan đến các cựu quan chức nhà nước và lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân gần đây như vụ án liên quan đến Công ty AIC, Công ty Việt Á, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát… thì thuật ngữ “Án chỉ đạo” không mới. Tuy nhiên, đối với phần đông dân chúng thì thuật ngữ “Án chỉ đạo” có thể còn khá xa lạ.

Trước tiên cần khẳng định rằng “Án chỉ đạo” không phải là một thuật ngữ pháp lý được quy định theo quy định của pháp luật về nội dung, cũng như pháp luật về tố tụng hình sự. Thuật ngữ này được sử dụng như một cách nói tắt, nói ngắn gọn của “Các vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương (địa phương) về phòng chống tham nhũng, tiêu cực”.

Vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo

Không phải tất cả các vụ án, vụ việc tham nhũng, ngoài tham nhũng đều thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xử lý, mà theo quy định tại Điều 3 Quy định 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 (Quy định 32) và Điều 3 Quy định 67-QĐ/TW ngày 02/6/2022 (Quy định 67) của Ban chấp hành Trung ương, thì:

Ban chỉ đạo Trung ương sẽ “Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ (gọi chung hai loại vụ án, vụ việc này là vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm)”.

Đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước sẽ do Ban chỉ đạo cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) trực tiếp chỉ đạo xử lý.

Như vậy, chỉ có các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm mới thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương/địa phương theo dõi, chỉ đạo.

Quyền hạn của Ban chỉ đạo đối với các vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo

Đối với Ban Chỉ đạo Trung ương: Yêu cầu các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thành lập các ban chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc để trực tiếp chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm (Khoản 3 Điều 6 Quy định 32).

Đối với Ban chỉ đạo cấp tỉnh: Yêu cầu các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của địa phương kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết quyết định thành lập các tổ công tác liên ngành để chỉ đạo thực hiện, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương (Khoản 3 Điều 6 Quy định 67).

Tổ chức bộ máy của Ban chỉ đạo

Tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Trung ương gồm có: (i) Trưởng ban, (ii) Phó Trưởng ban, (iii) Thường trực Ban Chỉ đạo (gồm Trưởng Ban và các Phó Trưởng Ban), (iv) Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo (Ban Nội chính Trung ương).

Tổ chức bộ máy Ban Chỉ đạo cấp tỉnh gồm:  (i) Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ), (ii) Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (Phó bí thư thường trực tỉnh uỷ, thành uỷ; Trưởng ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ; Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ, thành uỷ; Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ, thành uỷ; Giám đốc công an tỉnh, thành phố; Trưởng ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, (iii) Các Uỷ viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (Trưởng ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ; Chánh văn phòng tỉnh uỷ, thành uỷ; Chánh án toà án nhân dân tỉnh, thành phố; Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố; Chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh; Giám đốc sở tư pháp tỉnh, thành phố; Chánh thanh tra tỉnh, thành phố; Chủ tịch uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố; Phó trưởng ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ, (iv) Ngoài thành phần, cơ cấu nêu trên, trường hợp thật cần thiết phải điều chỉnh về cơ cấu thành viên của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thì ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ báo cáo, xin ý kiến của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương trước khi quyết định, (v) Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh gồm Trưởng ban và các Phó Trưởng ban, (vi) Ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Luật sư Trương Ngọc Liêu

TAT LAW FIRM

hotline 0848009668