08/26/2024 10:29:38 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Những ngày qua liên tiếp xảy ra các vụ chặt biển số xe máy. Tình trạng này nổi lên như một vấn đề nghiêm trọng tại nhiều địa phương, không chỉ gây thiệt hại tài sản mà còn phản ánh sự ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, làm dấy lên lo ngại về hành vi của giới trẻ, đặc biệt khi năm học mới đang đến gần.
Một nhóm thanh thiếu niên có hành vi chặt biển số xe, bị công an tạm giữ
ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP
Điển hình, ngày 25.7, một nhóm khoảng 20 thanh thiếu niên ở tỉnh Thái Bình và Hà Nam, thông qua mạng xã hội đã rủ nhau tụ tập, cầm theo tuýp sắt, kiếm, vỏ chai bia… Nhóm này điều khiển xe trên đường, tìm những ai đi xe máy biển số 89 sẽ chặt biển số.
Đến ngày 5.8, một nhóm thanh thiếu niên từ 16 - 18 tuổi ở H.Lục Ngạn (Bắc Giang) đã chặn 2 chiếc xe máy và chặt phần đuôi xe có gắn biển kiểm soát.
Ngày 16.8, một nhóm thanh thiếu niên từ 15 - 17 tuổi tại TP.Phủ Lý (Hà Nam) sử dụng xe máy không gắn biển số, không đội mũ bảo hiểm, cầm theo kiếm truy đuổi, chặn xe người khác rồi dùng kiếm chém đứt phần nhựa đuôi xe có gắn biển số.
Tương tự, ngày 17.8, nhóm thanh thiếu niên độ tuổi từ 14 - 17 tại H.Thạch Thất (Hà Nội), cầm tuýp sắt gắn đầu sắc nhọn, gây ra hàng loạt vụ chặt biển số xe trên địa bàn…
Mục đích của các vụ việc chặt biển số xe là để đăng lên mạng xã hội khoe... "chiến tích". Nhóm trước làm, nhóm sau thấy vậy học theo. Các vụ việc chủ yếu diễn ra tại các khu vực nông thôn, vùng ngoại ô.
Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP.Hà Nội
ẢNH:
Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho rằng các vụ việc chặt biển số xe đang trở thành một xu hướng đáng lo ngại, phản ánh sự thiếu giám sát và giáo dục từ gia đình và nhà trường. Sự phát tán của các video và hình ảnh trên mạng xã hội đã thúc đẩy các hành vi này, khiến giới trẻ tìm cách gây sự chú ý bằng những hành động phá hoại.
Theo luật sư, đối tượng thực hiện những hành vi này chủ yếu là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14 - 18. Đây là giai đoạn quan trọng trong sự hình thành nhân cách và nhận thức xã hội của các em. Vai trò của gia đình và nhà trường trong việc hướng dẫn và giám sát hành vi của thanh thiếu niên là cực kỳ quan trọng.
Gia đình cần có trách nhiệm giáo dục con cái về đạo đức và pháp luật từ sớm. Việc quản lý thời gian sử dụng mạng xã hội, thiết lập các bộ lọc nội dung và khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khóa là các biện pháp cần thiết. Gia đình cũng nên tạo điều kiện cho con cái phát triển các kỹ năng xã hội tích cực và xây dựng lối sống lành mạnh.
Nhà trường đóng vai trò then chốt trong việc giáo dục pháp luật và đạo đức, cần tích hợp các bài học về quyền và nghĩa vụ, các quy định pháp luật vào chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, việc tổ chức các buổi học ngoại khóa, hội thảo và hoạt động tuyên truyền sẽ giúp học sinh nhận thức rõ hơn về hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật.
Xã hội cũng cần có trách nhiệm trong việc phối hợp với gia đình và nhà trường để tạo ra một môi trường an toàn và tích cực cho thanh thiếu niên. Các tổ chức cộng đồng nên tổ chức các hoạt động giáo dục và tuyên truyền về pháp luật, đồng thời tăng cường sự giám sát và can thiệp khi phát hiện các dấu hiệu của hành vi tiêu cực.
Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh, năm học mới đang đến gần, việc triển khai ngay các biện pháp giáo dục và tuyên truyền là vô cùng cần thiết. Sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ giúp tạo ra một môi trường học tập và sống an toàn hơn cho thanh thiếu niên. Việc phòng ngừa và giáo dục kịp thời sẽ góp phần ngăn chặn sự gia tăng của các hành vi phá hoại và giúp các em phát triển toàn diện hơn.
"Những giải pháp này không chỉ giúp bảo vệ tài sản và giữ gìn trật tự xã hội mà còn góp phần xây dựng một thế hệ trẻ có ý thức và trách nhiệm hơn", luật sư nói.
Luật sư Đặng Xuân Cường, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, nhận định trong bối cảnh gia tăng các vụ việc thanh thiếu niên chặt biển số xe máy, việc áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo quy định tại bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi chặt biển số xe máy có thể được xử lý theo tội danh hủy hoại tài sản.
Hành vi này dẫn đến thiệt hại cụ thể cho tài sản, chẳng hạn như làm hỏng phần nhựa của xe. Đây là căn cứ chính để xử lý. Mặc dù hành vi không có mục đích chiếm đoạt tài sản, nhưng việc gây thiệt hại cho tài sản vẫn có thể bị xử lý theo tội danh đã nêu.
Theo điều 12 bộ luật Hình sự, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ bị xử lý hình sự đối với các tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với các hành vi ít nghiêm trọng hơn, như hành vi hủy hoại tài sản, các đối tượng này có thể không bị xử lý hình sự mà sẽ được áp dụng các biện pháp giáo dục và cải tạo.
Luật sư Cường nêu quan điểm, việc xử lý các đối tượng chưa thành niên cần tuân theo nguyên tắc khoan hồng của pháp luật Việt Nam. Pháp luật không chỉ hướng đến việc trừng phạt mà còn chú trọng đến việc giáo dục, hỗ trợ tâm lý và tạo điều kiện cho sự tái hòa nhập xã hội của các em.
Việc giáo dục và cải tạo là rất quan trọng nhằm giúp các em nhận thức được sai lầm và có cơ hội sửa đổi hành vi, hướng tới sự phát triển lành mạnh và tích cực hơn trong tương lai.
Theo Thanh Niên
(- PV Tuyến Phan)
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50