11/25/2024 09:36:05 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
(PetroTimes) - Theo Luật sư Trương Anh Tú, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) là một bước ngoặt lớn về chính sách. Tuy nhiên, sửa đổi luật cần phải phân định rõ vai trò quản lý Nhà nước và tăng cường tự chủ cho doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nhằm giúp họ cạnh tranh và phát triển hiệu quả hơn trong bối cảnh kinh tế hiện đại.
Dự thảo Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang được hoàn thiện để giải quyết các bất cập của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) năm 2014. Vậy, sửa Luật số 69 như thế nào để tạo điều kiện cho khối DNNN được chủ động trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động hiệu quả hơn? Để làm rõ những vấn đề này, PetroTimes có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm.
PV: Thưa Luật sư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) ban hành năm 2014 đã có những tác động nào đến hoạt động của DNNN?
Luật sư Trương Anh Tú: Luật số 69 năm 2014 thực sự đã đặt nền tảng pháp lý vững chắc, giúp quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trở nên minh bạch hơn. Việc quy định trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn đã giúp giảm thiểu tình trạng thất thoát và sử dụng vốn không hiệu quả. Điều này đồng thời tạo ra một hệ thống giám sát chặt chẽ, yêu cầu các đại diện phải báo cáo và chịu trách nhiệm về quá trình sử dụng vốn.
Tuy nhiên, chính các quy định này cũng vô tình tạo ra những hạn chế cho DNNN trong việc tự chủ hoạt động kinh doanh. Bởi lẽ, DNNN phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ của Nhà nước, khiến cho quá trình ra quyết định đầu tư và kinh doanh bị chậm lại. Điều này càng khó khăn hơn trong môi trường cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, đòi hỏi sự nhanh nhạy và linh hoạt trong quản lý.
PV: Sau gần 10 năm triển khai, ông nhận thấy Luật này còn những bất cập nào và ảnh hưởng đến DNNN ra sao?
Luật sư Trương Anh Tú: Một trong những vấn đề nổi bật là sự thiếu rõ ràng giữa vai trò của Nhà nước với vai trò của chủ sở hữu vốn trong DNNN. Hiện nay, nhiều cơ quan đại diện vẫn xem vốn Nhà nước tại doanh nghiệp như tài sản công, dẫn đến việc can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh. Điều này khiến DNNN mất đi tính tự chủ cần thiết trong hoạt động, giảm khả năng sáng tạo và linh hoạt.
Ngoài ra, việc quản trị doanh nghiệp còn gặp nhiều bất cập khi quyền hạn và trách nhiệm của các thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty chưa được quy định rõ ràng. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ ra quyết định kinh doanh, dẫn đến việc hoạt động doanh nghiệp bị chậm trễ.
Luật cũng chưa có các cơ chế linh hoạt để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh tế và công nghệ, khiến cho DNNN gặp khó khăn trong việc điều chỉnh theo yêu cầu mới của thị trường.
PV: Vậy theo ông, Dự thảo Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần thay đổi những gì để phù hợp hơn với thực tiễn?
Luật sư Trương Anh Tú: Thứ nhất, cần tăng cường cơ chế tự chủ cho DNNN thông qua việc phân quyền mạnh mẽ hơn trong các quyết định đầu tư. Điều này giúp doanh nghiệp linh hoạt trong việc ứng phó với thay đổi của thị trường, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các cấp quản lý Nhà nước.
Thứ hai, cần đảm bảo tính minh bạch trong quản lý vốn Nhà nước. Cơ chế giám sát phải chặt chẽ nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh. Đồng thời, quản trị doanh nghiệp cần tuân theo các chuẩn mực quốc tế, giúp nâng cao trách nhiệm giải trình và hiệu quả sử dụng vốn. Ngoài ra, việc áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp quốc tế sẽ giúp DNNN không chỉ thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thứ ba, cần có những quy định cụ thể hơn về đánh giá hiệu quả sử dụng vốn. Thay vì chỉ nhìn vào lợi nhuận, chúng ta cần có những tiêu chí đánh giá đa dạng hơn, bao gồm cả tác động xã hội và môi trường của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động bền vững hơn trong dài hạn. Bởi ngoài việc đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả, khối DNNN còn phải thực hiện an sinh xã hội, cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu...
Cuối cùng, cần khuyến khích đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách hỗ trợ đầu tư vào công nghệ hiện đại. Điều này sẽ giúp DNNN nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.
PV: Trong dự thảo Luật mới, việc “cởi trói” cho DNNN thông qua trao quyền tự chủ có tác động gì đến sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế?
Luật sư Trương Anh Tú: Việc trao quyền tự chủ cho DNNN là bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển không chỉ của doanh nghiệp mà còn của nền kinh tế nói chung. Khi doanh nghiệp được tự quyết định các chiến lược kinh doanh và đầu tư, họ sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội thị trường, sáng tạo ra các sản phẩm mới, từ đó nâng cao tính cạnh tranh, mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế.
Việc “cởi trói” cũng giúp DNNN giảm bớt sự phụ thuộc vào sự phê duyệt từ các cấp quản lý Nhà nước, tăng cường tính linh hoạt trong việc ứng phó với những thay đổi của thị trường. Việc này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của công nghệ.
PV: Tuy nhiên, vấn đề về phạm vi đầu tư và thẩm quyền quyết định đầu tư vốn Nhà nước còn gây nhiều tranh cãi. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Luật sư Trương Anh Tú: Thẩm quyền đầu tư vốn Nhà nước cần phải được làm rõ hơn. Quy định hiện tại về phạm vi đầu tư vốn Nhà nước chưa đủ linh hoạt để theo kịp các thay đổi của thị trường và những ngành nghề mới nổi, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và các dự án mang tính chiến lược quốc gia.
Để thúc đẩy quá trình này, cần có sự đơn giản hóa quy trình phân quyền ra quyết định đầu tư. Nếu doanh nghiệp có thể tự quyết định nhanh chóng trong các dự án quan trọng mà vẫn đảm bảo được tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, điều này sẽ tạo ra sức bật cho sự phát triển của DNNN.
PV: Theo ông, liệu có cần chính sách đặc thù cho nhóm doanh nghiệp trọng yếu như năng lượng, viễn thông hay an ninh quốc phòng?
Luật sư Trương Anh Tú: Đúng vậy, các DNNN trọng yếu như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hay các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel cần được hưởng các cơ chế đặc thù để thực hiện nhiệm vụ không chỉ kinh doanh mà còn đáp ứng các yêu cầu về an ninh năng lượng, chính trị và xã hội. Các chính sách này có thể bao gồm việc ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn đầu tư và các cơ chế hỗ trợ đặc biệt khác.
Những doanh nghiệp này có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định kinh tế và an ninh quốc gia, do đó, họ cần có định hướng chiến lược rõ ràng từ Nhà nước và không bị quá gò bó bởi các nhiệm vụ chính trị.
Xin cảm ơn ông!
Theo Petrotimes
(- PV Mạnh Tưởng)
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50