07/06/2021 09:23:36 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Nửa cuối tháng 7 mới là thời điểm các doanh nghiệp niêm yết công bố chính thức kết quả kinh doanh quý II nhưng nhiều ngân hàng đã hé lộ con số lãi khả quan.
Tăng trưởng trên 50%
VietinBank ước tính đạt lợi nhuận trước thuế 13.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, theo chia sẻ của ban lãnh đạo tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh ngày 30/6. So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận bán niên của ngân hàng quốc doanh này tăng khoảng 74%.
Quý đầu năm, ngân hàng báo lãi 8.061 tỷ đồng, tăng 171% so với quý I/2020. Như vậy, lợi nhuận quý II của nhà băng này ước đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng 10%. So với chỉ tiêu lợi nhuận 16.800 tỷ đồng của cả năm, ngân hàng hoàn thành hơn 3/4 kế hoạch dù mới đi qua 1/2 chặng đường.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh 6 tháng, một nguồn tin từ VietinBank cho biết ngân hàng chuyển đổi cơ cấu theo hướng tăng thu ngoài lãi, thu từ hoạt động dịch vụ mà vẫn đáp ứng được mục tiêu kép vừa tăng trưởng vừa hỗ trợ doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, nhiều loại phí dịch vụ được cắt giảm... Kết quả trên của ngân hàng không chỉ đến từ cho vay. Nếu như trước đây, thu ngoài lãi chỉ chiếm hơn 10% thì nay tỷ lệ này đã tăng lên 25-26%, thu từ hoạt động dịch vụ cũng chiếm đến 15-16%.
Một ngân hàng nằm trong nhóm dẫn đầu về lợi nhuận là Techcombank cũng được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý II. Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng lãi trước thuế quý II của ngân hàng này đạt 5.671 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu con số ước tính của VDSC chính xác, lợi nhuận trước thuế bán niên 2021 của Techcombank ước đạt 11.189 tỷ đồng, hoàn thành 57% kế hoạch năm. So với nửa đầu năm 2020, ngân hàng tư nhân này tăng trưởng lợi nhuận thêm 66%.
Một ngân hàng tư nhân nằm ở nhóm giữa về tổng tài sản, lợi nhuận là TPBank cũng vừa công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 3.007 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận riêng trong 3 tháng gần nhất là 1.585 tỷ đồng, tăng 55% so với quý II/2020.
Nếu tính theo kỳ kế toán bán niên, đây là mức lãi kỷ lục trong 6 tháng đầu năm của nhà băng này. Ngân hàng cũng đang đi đúng tiến độ khi hoàn thành 52% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2021 sau một nửa thời gian.
Biểu đồ: Việt Đức.
Tín dụng tăng cao khi chi phí huy động vốn thấp
Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng do Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) công bố cuối tháng 6 dự báo lợi nhuận của nhiều nhà băng trong quý II tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ biên lãi ròng (NIM) được cải thiện. NIM của nhiều ngân hàng tăng khi tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với cùng kỳ còn chi phí huy động vốn vẫn ở mức thấp do mặt bằng lãi suất thấp được duy trì.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sau 6 tháng đầu năm, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,1% trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,5%. Cùng kỳ năm 2020, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,5%.
Trong báo cáo phân tích gần đây, VDSC cho hay đã có 10 ngân hàng đề xuất Ngân hàng Nhà nước nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sau nửa đầu năm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đang cân nhắc đề xuất này nhằm đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng.
Trao đổi với Dân trí, ông Tánh Trần, chuyên gia phân tích của YSVN, cho biết việc tăng trưởng huy động thấp hơn nhiều so với mức tăng tín dụng, thanh khoản của nhiều ngân hàng có dấu hiệu thu hẹp lại, không còn quá dư thừa nhưng chưa đến mức căng thẳng.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng giảm nhẹ có thể đẩy lãi suất tăng nhưng YSVN dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ít nhất đến cuối năm 2021. Đây là điều kiện giúp các nhà băng tiếp tục giảm chi phí huy động vốn.
Ngoài ra, thu nhập từ phí, đặc biệt là doanh thu bán bảo hiểm (bancassurance) tăng hỗ trợ đà tăng lợi nhuận của các ngân hàng. Riêng một số ngân hàng ký kết hợp đồng bancassurance độc quyền từ năm 2020 như Vietcombank, ACB, MSB, VietinBank còn tiếp tục hạch toán một phần khoản phí trả trước từ các hãng bảo hiểm trong quý II.
"Việc lợi nhuận tăng mạnh còn một phần nguyên nhân do nền so sánh thấp của năm 2020. Lợi nhuận các quý đầu năm 2020 của nhiều ngân hàng thấp nên mức tăng trưởng so với cùng kỳ cao không quá ngạc nhiên. Nhưng đây vẫn là dấu hiệu tích cực với ngành ngân hàng", ông Tánh nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh nợ xấu ngân hàng vẫn giữ ở mức ổn định, chưa có dấu hiệu đột biến nhưng có thể gia tăng trong tương lai. Tác động tiêu cực của dịch bệnh sẽ xuất hiện với doanh nghiệp đầu tiên rồi mới đến ngân hàng. Ngoài ra, một yếu tố thuận lợi với các tổ chức tín dụng là Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước cho phép việc trích lập dự phòng các khoản nợ tái cơ cấu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian lên tới 3 năm.
"Trong giai đoạn bình thường, tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu (LLR) cao có thể không quá quan trọng nhưng ở những thời điểm nhạy cảm như hiện tại, những ngân hàng có tỷ lệ LLR cao sẽ an toàn hơn. Việc tăng dự phòng để hạn chế tác động khi nợ xấu gia tăng trong tương lai là chính sách thận trọng cần thiết", chuyên gia của YSVN kết luận.
Lãnh đạo một ngân hàng tại Hà Nội cho biết không phải tất cả ngân hàng đều có kết quả tốt. Nếu đánh giá toàn diện thì sẽ có những ngân hàng nổi trội về kết quả kinh doanh nhưng vẫn có những bên yếu kém cần phải xử lý nhiều vấn đề. Trong đại dịch, ngân hàng nơi ông làm việc phải cấu trúc, điều chỉnh lại, xoay chuyển theo mô hình tăng trưởng mạnh mẽ, cách làm thay đổi nhất định.
"Trong cái khó lại có những tích cực để tìm cách làm mới ngoài thu từ cho vay. Cơ cấu thay đổi nhiều theo hướng tăng thu ngoài tín dụng, tăng thu dịch vụ", vị này chia sẻ.
Dù thế, theo lãnh đạo này, so với đợt dịch của năm 2020, năm nay "rất đáng quan tâm" khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Theo góc nhìn của ông, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng doanh thu, quy mô cũng giảm. Ngay cả những doanh nghiệp có nguồn dự trữ đã bỏ ra đến lúc này cũng sẽ đối mặt khó khăn hơn. Đó là những vấn đề cần dự báo.
Báo Dân trí (- PV Việt Đức)
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50