06/14/2021 10:20:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất với nội dung đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc miễn đóng bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng tiền lương.
Đề xuất duy trì thẻ BHYT đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH tham gia ý kiến đối với kiến nghị bổ sung đối tượng hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, cơ quan này thống nhất với đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về một số đề xuất Chính phủ trong chính sách hỗ trợ người lao động được miễn đóng vào quỹ BHYT và duy trì thẻ BHYT cho người lao động bị mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất với nội dung đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chính sách hỗ trợ người lao động phải ngừng việc do thuộc đối tượng phải cách y tế từ 14 ngày trở lên tại nơi cách ly tập trung (F1) hoặc tại nhà (F2) hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị khi ban hành chính sách có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, chủ sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động... khi thiết lập danh sách người thuộc diện được hỗ trợ để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng và kịp thời.
Đối với chính sách đề xuất miễn đóng BHYT với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng tiền lương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất với nội dung kiến nghị.
Tuy nhiên, nội dung kiến nghị thay đổi trách nhiệm đóng BHYT (người lao động bằng 0%) là vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế, Chính phủ chỉ quy định mức đóng và mức hỗ trợ, trách nhiệm đóng BHYT được quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế (mức đóng nhóm người lao động và người sử dụng lao động tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó, người sử dụng lao động đóng bằng 2/3 và người lao động đóng bằng 1/3).
Về đề xuất duy trì thẻ BHYT đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cơ bản thống nhất với nội dung của đề xuất này.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, về thẩm quyền quyết định: Theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật BHYT, để thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng, người tham gia bảo hiểm y tế phải đóng BHYT đầy đủ theo trách nhiệm.
Do vậy, việc quyết định hưởng chính sách đối với người lao động trong thời gian không tham gia đóng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Báo An ninh Thủ đô (- PV Phạm Phương)
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50