Vi phạm điều cấm của luật: Hiểu thế nào cho đúng?

11/24/2020 17:33:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

24/11/2020 06:04

(LSVN) – Trong tranh chấp quan hệ hợp đồng, nếu hợp đồng có nội dung, mục đích và hình thức “vi phạm điều cấm của luật” (VPĐCCL), thì hợp đồng có thể bị tuyên vô hiệu. Một trong những trường hợp được xác định là VPĐCCL là hợp đồng có sự vi phạm điều luật “phải làm”, hay nói cách khác, nếu pháp luật quy định cá nhân, tổ chức “phải làm” một hành vi nào đó khi giao kết, thực hiện hợp đồng, mà cá nhân, tổ chức đó không tuân thủ điều luật “phải làm” thì hành vi không tuân thủ này có thể bị coi là “VPĐCCL”. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều trường hợp vi phạm điều luật “phải làm” không bị coi “VPĐCCL”, và cũng có trường hợp vi phạm điều luật “phải làm” bị coi là “VPĐCCL”.

https://lsvn.vn/wp-content/uploads/2020/11/hop-dong-vo-hieu-do-vi-pham-dieu-cam-cua-phap-luat-hoac-trai-dao-duc-xa-hoi_s800-1024x711.jpg

Ảnh minh họa.

 

Như vậy, nếu không xác định đúng trường hợp nào vi phạm điều luật “phải làm” bị coi là “VPĐCCL” và trường hợp nào không bị coi là “VPĐCCL”, thì sẽ dễ dàng dẫn đến sự nhầm lẫn trong việc xác định hợp đồng có vô hiệu do “VPĐCCL” hay không. Sự nhầm lẫn này sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng là hợp đồng có thể bị tuyên vô hiệu một cách tuỳ tiện, dẫn đến các tranh chấp hợp đồng càng rối rắm, phức tạp. Từ thực trạng trên, vấn đề cần phải được giải quyết là trường hợp nào sự vi phạm điều luật “phải làm” được hiểu là “VPĐCCL” và làm sao để áp dụng đúng quy định “VPĐCCL” cho các trường hợp cụ thể.

Một thực tế đang diễn ra là phần lớn các vụ việc tranh chấp hợp đồng vô hiệu do “VPĐCCL” thường tập trung chủ yếu vào các tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất (QSDĐ). Bởi lẽ, giao dịch chuyển nhượng QSDĐ thường liên quan đến nhiều quy định pháp luật phức tạp, chồng chéo nhau, cho nên, rất dễ xảy ra tình trạng các bên không tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật. Việc không tuân thủ các quy định pháp luật sẽ là một cái cớ cho bên không thiện chí sử dụng để yêu cầu toà án tuyên hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ vô hiệu. 

Pháp luật có nhiều quy định liên quan đến việc chuyển nhượng QSDĐ, và một trong những quy định đó là giao dịch chuyển nhượng QSCĐ phải đáp ứng điều kiện là phải có Giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ [1] và hợp đồng phải được công chứng, chứng thực [2].

[1] Luật Đất đai 2013. Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

[2] Luật Đất đai 2013. Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất.

3. Việc công chứng, chứng thực HĐ, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) HĐ chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

Tuy nhiên, thực tế thì không phải lúc nào các bên tham gia chuyển nhượng QSDĐ cũng đáp ứng được các quy định trên. Trong trường hợp các bên không đáp ứng điều kiện phải có GCN QSDĐ và hợp đồng phải được công chứng, chứng thực, thì việc không đáp ứng những điều kiện này có bị coi là “VPĐCCL” và dẫn đến việc hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ có thể bị tuyên vô hiệu hay không. Sau đây là những vụ việc có tình tiết tương tự nhưng mỗi toà án lại có quan điểm hoàn toàn khác nhau về vấn đề trên:

Vụ việc một: Pháp luật quy định các bên “phải làm” nhưng việc các bên không tuân thủ đầy đủ điều luật “phải làm” không bị coi là “VPĐCCL”.

Theo Nghị quyết Hội đồng thẩm phán 02/2004/NQ-HĐTP [3], trong nhiều trường hợp, mặc dù có vi phạm về điều kiện có GCN QSDĐ và hợp đồng phải được công chứng, chứng thực, nhưng những vi phạm này không bị coi là “VPĐCCL” và hợp đồng không bị coi là vô hiệu. Áp dụng nguyên tắc trên, theo Bản án Giám đốc thẩm số 857/2011/DS-GĐT ngày 16-11-2011 của Toà Dân sự TAND Tối cao [4], HĐXX nhận xét như sau: “Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Hạnh và ông Hà bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật là không đúng… Còn việc các bên chưa được cấp GCNQSDĐ và hợp đồng không có công chứng, chứng thực tuy có vi phạm về quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục chuyển nhượng QSDĐ, nhưng không phải là vi phạm điều cấm của Pháp luật, trái đạo đức xã hội”. 

[3] Nghị quyết Hội đồng thẩm phán 02/2004/NQ-HĐTP

2.3. Việc giải quyết tranh chấp HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập từ sau ngày 15/10/1993

a) Điều kiện để công nhận HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

a.4) Đất chuyển nhượng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003;

a.6) HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng đất được lập thành văn bản có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

b) Xác định HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có đầy đủ các điều kiện được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.3 mục 2 này.

b.1) Đối với HĐ được giao kết trước ngày 01/7/2004 vi phạm điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 tiểu mục 2.3 mục 2 này, nhưng đã có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, mà có phát sinh tranh chấp, nếu từ ngày 01/7/2004 mới có yêu cầu Toà án giải quyết, thì không coi là HĐ vô hiệu do vi phạm điều kiện này.

b.2) Đối với HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tại thời điểm giao kết vi phạm các điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 và điểm a.6 tiểu mục 2.3 mục 2 này, nhưng sau đó đã được UBND cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 mà có phát sinh tranh chấp và từ ngày 01/7/2004 mới có yêu cầu Toà án giải quyết, thì không coi là HĐ vô hiệu do vi phạm điều kiện này.

b.3) Đối với HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 và điểm a.6 tiểu mục 2.3 mục 2 này, nếu sau khi thực hiện HĐ chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã trồng cây lâu năm, đã làm nhà kiên cố… và bên chuyển nhượng không phản đối và cũng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo các quy định của Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thì Toà án công nhận HĐ. Nếu bên nhận chuyển nhượng chỉ làm nhà trên một phần đất, thì Toà án công nhận phần HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng phần đất có nhà ở và hủy phần HĐ đối với diện tích đất còn lại, buộc bên nhận chuyển nhượng giao trả phần đất đó cho bên chuyển nhượng, trừ trường hợp việc giao trả không bảo đảm mục đích sử dụng cho cả hai bên giao kết HĐ, đồng thời buộc các bên thanh toán cho nhau phần chênh lệch.

[4] Tham khảo Giáo sư Nguyễn Văn Đại (2013), “Chương hợp đồng vi phạm điều cấm, trái đạo đức xã hội”, Luật Hợp đồng Việt Nam, NXB Chính Trị Quốc gia – Sự thật, trang 524.

Vụ việc hai: Pháp luật quy định các bên “phải làm” nhưng việc các bên không tuân thủ đầy đủ điều luật “phải làm” bị coi là “VPĐCCL”.

Trong “Vụ án Đương sự nhảy lầu”, thì mặc dù có tình tiết tương tự như vụ việc một, nhưng trong Quyết định Giám đốc thẩm 171/2020/DS-GĐT ngày 24/7/2020 của TAND Cấp cao tại TP. HCM, HĐXX lại nhận định: “Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ được ký kết năm 2002, và năm 2009 đều vi phạm điều cấm của pháp luật, cụ thể là: người sử dụng đất chưa có QSDDĐ hợp pháp …thủ tục chuyển nhượng bằng giấy viết tay, không có công chứng, chứng thực. Theo quy định tài khoản 3 Điều 132 BLDS 2015 thì thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu trong trường hợp này không bị hạn chế“.

Tuy nhiên, nếu áp dụng theo Nghị Quyết Hội đồng Thẩm phán 02/2004/NQ-HĐTP và Quyết định Giám đốc thẩm số 857/2011/DS-GĐT ngày 16/11/2011 của Toà án nhân dân tối cao, thì việc vi phạm điều kiện chuyển nhượng QSDĐ là phải có GCN QSDĐ và hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ phải được công chứng, chứng thực chỉ là những hành vi chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục chuyển nhượng mà không bị coi là “VPĐCCL”.

Do đó, Toà án nhân dân cấp cao TP. HCM đã có nhận định không chính xác khi cho rằng: “Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ được ký kết năm 2002, và năm 2009 đều vi phạm điều cấm của pháp luật, cụ thể là: người sử dụng đất chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp; thủ tục chuyển nhượng bằng giấy viết tay, không có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo quy định tài khoản 3 Điều 132 BLDS 2015 thì thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu trong trường hợp này không bị hạn chế”.

Bên cạnh đó, một điều cần lưu ý rằng, TAND Cấp cao tại TP. HCM căn cứ theo khoản 3 Điều 132 BLDS 2015: “Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế”, để cho rằng thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu không bị hạn chế. Điều 123 BLDS 2015 quy định như sau: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”. Như vậy, TAND Cấp cao tại TP. HCM áp dụng Điều 123 BLDS 2015 để cho rằng hợp đồng “VPĐCCL”. Mặc dù lập luận hợp đồng có mục đích, nội dung “VPĐCCL” nhưng TAND Cấp cao tại TP. HCM vẫn xác định hợp đồng có hiệu lực: “Trong trường hợp không phát sinh thêm tài liệu, chứng cứ nào khác thì phải xem xét công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ theo yêu cầu phản tố của ông Dư“.

Lập luận như vậy là chưa chính xác và có phần mâu thuẫn, bởi lẽ, Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nếu hợp đồng có mục đích, nội dung “VPĐCCL” thì vô hiệu, và nếu hiểu ngược lại, nếu hợp đồng có hiệu lực thì mục đích và nội dung hợp đồng đó không “VPĐCCL”. Không có hợp đồng vừa “VPĐCCL” vừa có hiệu lực. Do đó, nhận định của TAND Cấp cao tại TP. HCM hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ vừa vi phạm điều cấm của pháp luật vừa có hiệu lực là chưa chính xác.

Tóm lại, qua hai vụ việc trên, thực tế cho thấy, rất dễ nhầm lẫn khi xác định một hợp đồng không tuân thủ đầy đủ điều luật “phải làm” thì bị coi là “VPĐCCL”. Sự vi phạm điều luật “phải làm” có khi chỉ bị coi là hành vi chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và không thể đương nhiên được hiểu là “VPĐCCL”.

Do đó, trước khi xem xét một sự vi phạm điều luật “phải làm” có phải là “VPĐCCL”, thì cần cân nhắc xem xét sự vi phạm đó là thuộc về nội dung, mục đích hay hình thức. Nếu chỉ là vi phạm về hình thức, thì tuỳ trường hợp mà Toà án có thể xác định hợp đồng có “VPĐCCL” hay không. Cụ thể là, mặc dù vi phạm quy định của pháp luật về hình thức nhưng khi các bên hoặc một bên đã thực hiện được ít nhất hai phần ba nghĩa vụ thì hợp đồng không bị coi là “VPĐCCL” và hợp đồng được công nhận có hiệu lực [5].

[5] BLDS 2015. Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức:
Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Trở lại vụ việc trên, cần xác định rằng sự vi phạm về điều kiện phải có GCN QSDĐ và hợp đồng phải được công chứng, chứng thực là những sự vi phạm về hình thức, và nếu các bên hoặc một bên đã đã thực hiện được ít nhất hai phần ba nghĩa vụ thì hợp đồng trên không bị coi là “VPĐCL” và hoàn toàn được pháp luật thừa nhận.

Ngoài ra, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và hợp đồng là phương thức giao dịch phổ quát của tất cả nền kinh tế trên thế giới, cho nên, hợp đồng nhất thiết phải được bảo đảm và tôn trọng theo Hiến pháp và Pháp luật và chỉ khi có những vi phạm pháp luật thật sự nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, đạo đức, an toàn xã hội [6] thì hợp đồng mới bị xác định là “VPĐCCL” và bị tuyên vô hiệu. Hợp đồng ra đời là để phục vụ lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, cho nên chỉ vì không tuân thủ một số quy định của pháp luật ở mức độ không quá nghiêm trọng mà hợp đồng bị tuyên vô hiệu thì thật sự không thuyết phục và công bằng cho cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng.

[6] BLDS 2015. Điều 2. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Không những vậy, cá nhân, tổ chức không thiện chí hoàn toàn có thể lợi dụng việc không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong hợp đồng để bội ước và trục lợi một cách không chính đáng, trái lẽ phải và đạo đức xã hội. Do đó, ngoài việc xem xét mức độ vi phạm các quy định pháp luật có quá nghiêm trọng đến mức phải tuyên hợp đồng vô hiệu hay không thì còn cần phải xét lẽ công bằng [7] cho các bên bị ảnh hưởng khi hợp đồng chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Có như vậy, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng liên quan đến việc không tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật không những đạt lý thấu tình mà còn hướng đến một hệ thống pháp luật vị nhân sinh.

[7] Điều 45. Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng
3. Việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng được thực hiện như sau:

Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản

1 Điều 6 của Bộ luật dân sự, khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.

Bên cạnh đó, Pháp luật Việt Nam có xu hướng xác định hợp đồng vô hiệu tuyệt đối khi có nội dụng, mục đích “VPĐCCL”. Theo đó, hợp đồng sẽ không được pháp luật công nhận, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, cũng như thời hiệu để tuyên bố hợp đồng “VPĐCCL” không bị hạn chế. Tuy nhiên, tham khảo các quốc gia theo hệ thống thông luật, nơi toà án theo xu hướng giải quyết hợp đồng vô hiệu tương đối, theo đó, thẩm phán có quyền dùng lập luận “cây bút chì xanh – blue pencil” để điều chỉnh, loại bỏ phần vi phạm pháp luật không quá nghiêm trọng miễn là sau khi điều chỉnh, loại bỏ, thì nội dung, mục đích giao kết hợp đồng phù hợp với các quy định của pháp luật. Nếu áp dụng lập luận này, sẽ có rất nhiều hợp đồng ở Việt Nam không chịu số phận bị tuyên vô hiệu mà còn tránh được sự phức tạp, hỗn loạn không đáng có trong việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng.

Trương Hồng

Công ty luật TAT Law Firm.

 

 

 

hotline 0848009668