06/21/2017 16:22:52 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Một trong những yếu tố quan trọng để “nâng chất” dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đó là phải thu hút được các tập đoàn đa quốc gia (TNC).
“Rất muốn!”. Đó là câu trả lời mà phóng viên Báo Đầu tư nhận được từ ông Phùng Danh Đài, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, khi đặt câu hỏi rằng, Quảng Ninh có muốn thu hút các TNCs vào đầu tư. “Chưa có TNCs nào vào đầu tư ở Quảng Ninh, nhưng mong muốn của chúng tôi là thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh vào địa phương”, ông Đài không hề giấu giếm tham vọng của mình khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Hội thảo Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng vốn FDI vào Việt Nam, tổ chức ngày hôm qua tại Hà Nội.
Nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi bên lề Hội thảo. Ảnh: Chí Cường
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư của các TNCs được đề cập. Song, tại Hội thảo nói trên, khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh không ngần ngại bày tỏ mong muốn rằng, một khi chính sách thay đổi, FDI trong thời gian tới sẽ mang đến cho Việt Nam công nghệ nguồn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, mang đến trình độ quản lý tốt, các sản phẩm có năng lực cạnh tranh, cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…. Và kéo theo họ, sẽ là rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh có thể giúp phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, nhiều diễn giả đã mường tượng những đồng vốn quý báu mà các TNCs sẽ mang vào Việt Nam.
“Khi thu hút FDI từ các TNCs, không chỉ công ty đó, mà cả các công ty khác của Việt Nam khi làm ăn với họ cũng được tham gia vào quá trình lao động quốc tế. Chính vì vậy, chúng ta sẽ có cơ hội lớn hơn tham gia mạng sản xuất toàn cầu, tham gia thị trường xuất khẩu thế giới và chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Bùi Tất Thắng, quyền Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã chia sẻ như vậy.
Trong khi đó, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại không chỉ hy vọng vào sự chuyển giao công nghệ trực tiếp, mà còn là gián tiếp. Lý do là vì, khi TNCs chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh.
Có lẽ, rất nhiều điều có thể nói về những lợi ích của việc các tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, về tài chính, công nghệ, về sức lan tỏa đến nền kinh tế. Những cái tên như Samsung, Intel, Unilever, Canon…có thể coi là những ví dụ điển hình.
Tất nhiên, thu hút đầu tư của các TNCs không phải là cách duy nhất để Việt Nam có được dòng vốn FDI có chất lượng, song trao đổi với Báo Đầu tư, GS -TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, trước đây, Việt Nam quan tâm nhiều hơn tới các nhà đầu tư nhỏ và vừa, thì nay, phải tập trung hơn tới các TNCs. “Chúng ta vẫn tiếp tục thu hút FDI của doanh nghiệp vừa và nhỏ vào công nghiệp phụ trợ, nhưng coi trọng FDI từ các quốc gia có nền công nghệ phát triển và TNCs hàng đầu thế giới của các nước OECD; đồng thời có phương thức thích hợp để thu hút vốn đầu tư từ các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, từ các nước vùng Vịnh có nguồn ‘Petro đô la’ dồi dào”, GS - TSKH Nguyễn Mại nói về định hướng thu hút đầu tư thời gian tới.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, làm sao để kéo được các đại gia đó tới Việt Nam? Câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ GS Nguyễn Mại, đó là phải xem xét lại các cơ chế ưu đãi đầu tư, cũng như hệ thống chính sách về đầu tư.
“Khi Việt Nam hướng đến thu hút FDI của các TNCs, cần coi trọng ưu đãi tài chính với quy định công khai, minh bạch và ổn định mới đủ sức hấp dẫn các TNCs đối với ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại”, GS - TSKH Nguyễn Mại nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Trung (Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam), điều quan trọng là phải tạo được cô chế chính sách rõ ràng, có khả năng tiên đoán được. “Cần thực hiện nghiêm túc quyền sở hửu trí tuệ, phát triển hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Cũng nên có ưu đãi đặc biệt cho các đối tác đầu tư chiến lược, cũng như cần tiếp tục có chiến lược xúc tiến tầm quốc gia đối với những TNCs này”, ông Trung đề xuất.
Trong lĩnh vực cảng, cần xây dựng đô thị ở đó trước, rồi mới đến hệ thống hạ tầng đồng bộ”
Bà Nguyễn Thu Trang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Baria Serece, Việt Nam
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các công ty đa quốc gia tỏ ra rất thận trọng, không hào phóng như năm trước. Họ vẫn quan tâm và nhiệt tình tới Việt Nam, nhưng họ cần chúng ta chứng minh cho họ thấy: đầu tư vào đây thực sự an toàn.
Trung Quốc và Thái Lan cũng có chính sách trải thảm đỏ, có sự phân biệt, ưu đãi rõ ràng đối với nhà đầu tư tầm cỡ, có uy tín. Những nhà đầu tư như vậy cần được trân trọng, thể hiện thiện chí từ khâu ưu đãi thuế, nhân công đến thủ tục hải quan… Riêng lĩnh vực cảng, theo tôi, cần xây dựng đô thị ở đó trước, rồi đến hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Việt Nam cần sớm hoàn thiện các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ”
Ông Andreas Stoffers, Thành viên điều hành Hiệp hội Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam
Các công ty đa quốc gia của Đức đang nhìn nhận Việt Nam là một thị trường mới nổi lên ở khu vực ASEAN, là nền kinh tế phát triển nhanh, có nguồn nhân lực dồi dào, nên rất cần môi trường đầu tư minh bạch, pháp luật thông thoáng. Đặc biệt, Việt Nam cần thiết phải hoàn thiện các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ, bởi phần lớn đầu tư của những tập đoàn lớn vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử... sẽ mang đến những công nghệ nguồn. Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố để các nhà đầu tư gắn bó lâu dài với Việt Nam. Các tập đoàn của Đức, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ uy tín đã đầu tư mạnh vào Việt Nam và hoạt động hiệu quả. Các nhà đầu tư khác sẽ nhìn vào đó để có động thái, nhưng Việt Nam cũng cần phải có định hướng cụ thể, lựa chọn để hướng các nhà đầu tư vào những khu vực mà Việt Nam đang cần phát triển.
Chúng ta nên xác định mục tiêu mình nằm ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu”
Ông Phùng Xuân Nhạ, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
Các tập đoàn đa quốc gia đều hướng đến mục tiêu duy nhất là lợi nhuận cao, rủi ro ít và bền vững cho nước chủ nhà và cho chính họ. Song muốn thu hút, dẫn dắt và giữ chân họ tại Việt Nam, chúng ta phải có nguồn nhân lực mang tính cạnh tranh toàn cầu, chứ không phải giá rẻ nữa. Việt Nam cần đầu tư hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có gắn với vị trí, yêu cầu công việc mà nhà đầu tư nước ngoài hướng tới.
Đặc biệt, Việt Nam cần xác định mục tiêu mình sẽ nằm ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu các công ty đa quốc gia biết được rõ vị trí đó, họ sẽ rất yên tâm bỏ vốn, đem vào những dây chuyên công nghệ cốt lõi.
Rào cản lớn nhất hiện vẫn là thủ tục hành chính”
Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phụ trách Marketing Công ty TNHH VSIP Hải Phòng:
Chúng ta đang chứng kiến một sự dịch chuyển lớn về địa điểm và quyền kiểm soát các chức năng kinh doanh chủ chốt ra khỏi tổng hành dinh sang các nước đang phát triển. Việt Nam có thể trở thành điểm đến của họ sau Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ.
Muốn thu hút được họ, trước mắt, chúng tôi đang hợp tác với nhiều nhà đầu tư Nhật Bản về lĩnh vực đô thị và hạ tầng khu công nghiệp để có được cơ sở hạ tầng đồng bộ nhất. Nhưng theo tôi, rào cản lớn nhất vẫn là thủ tục hành chính, làm mất thời gian cho nhà đầu tư.
(Hà Nguyễn - Báo đầu tư)
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50