07/19/2024 11:06:42 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Việc nhiều bị hại trong vụ án liên quan đến Công ty IG 6 năm qua chưa được thi hành án, nhận lại tài sản do việc thi hành án của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội chậm chạp, kéo dài chỉ là một trong những vụ việc điển hình cho thấy việc thi hành án còn nhiều bấp cập hiện nay.
Theo báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) 6 tháng đầu năm 2024 đối với 2 chỉ tiêu quan trọng là thi hành xong về việc và về tiền đều tăng, cùng với số cũ chuyển sang thì số vụ việc phải thi hành án lên đến gần 700 nghìn vụ. Thế nhưng kết quả số vụ việc được thi hành xong lại giảm và số lượng vụ việc còn tồn đọng rất lớn.
Tăng cả về việc, lẫn về tiền
Theo con số của Tổng cục Thi hành án dân sự về kết quả thi hành dân sự trong 6 tháng năm 2024, đối với 2 chỉ tiêu quan trọng là thi hành xong về việc, về tiền trong số có điều kiện thi hành, số thụ lý mới 519.616 việc, tăng 47.298 việc (tăng 10,01%) so với cùng kỳ năm 2023, cộng với số cũ chuyển sang, tổng số phải thi hành là 679.962 việc, tăng 54.320 (tăng 8,68%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, số vụ phải thi hành án về tiền thụ lý mới là gần 190 nghìn tỷ, tăng hơn 52,7 nghìn tỷ (tăng 38,54%) so với cùng kỳ năm 2023, cộng với số cũ chuyển sang, tổng số phải thi hành hơn 459,2 nghìn tỷ (tăng 22,59%) so với cùng kỳ năm 2023.
Thi hành án dân sự hiện có nhiều vướng mắc cần sớm có những giải pháp tháo gỡ.
Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục Thi hành án dân sự, việc thi hành án còn có những hạn chế như tỷ lệ thi hành xong về việc, về tiền chung đều giảm (giảm 1,29% về việc; giảm 4,86% về tiền). Kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng giảm sâu. Số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng. Cùng với đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đánh giá, vẫn có hiện tượng vi phạm trình tự, thủ tục trong thi hành án, trong đó có công chức vi phạm tới mức phải khởi tố hình sự. Việc ra quyết định thi hành án thiếu chính xác (có gần 321 quyết định thi hành án phải thu hồi, hủy). Số chuyển kỳ sau, đã trừ số chuyển sổ theo dõi riêng vẫn tăng mạnh cả về việc và về tiền so với cùng kỳ năm 2023 (việc tăng 13,27%, tiền tăng 26,91%).
Theo đánh giá của Tổng cục Thi hành án dân sự, nguyên nhân dẫn đến các hạn chế này là do có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Yếu tố chủ quan là ý thức trách nhiệm, năng lực, trình độ của một số công chức, chấp hành viên, kể cả lãnh đạo quản lý đơn vị, trong đó có thủ trưởng cơ quan thi hành án còn chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ.
Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng một số nơi vẫn chưa nghiêm, một số đơn vị, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt. Công tác kiểm tra, tự kiểm tra thực hiện còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả do việc xử lý trách nhiệm chưa nghiêm. Hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan có liên quan trong một số trường hợp chưa cao. Có lúc, có việc còn chậm, chưa tích cực, nhất là trong các khâu xác minh tài sản thi hành án, xác định hiện trạng ranh giới tài sản, đất đai, hiện trạng để xử lý quyền sử dụng đất, khấu trừ tiền trong tài khoản...
Cùng với đó là các nguyên nhân khách quan như một số quy định của pháp luật chưa hoàn thiện ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi hành án, dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản. Vướng mắc trong các quy định của pháp luật dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thi hành án. Hiệu quả công tác phối hợp của một số cơ quan hữu quan chưa cao, nhất là trong việc xác minh, đo vẽ, xác định ranh giới, hiện trạng để xử lý quyền sử dụng đất, khấu trừ tiền trong tài khoản... Số bản án hành chính phải theo dõi ngày càng nhiều, trong quá trình theo dõi cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng người phải thi hành án là cơ quan nhà nước chưa chấp hành nghiêm các bản án nên số lượng án tồn ngày càng tăng.
Giải pháp nào để xử lý án tồn?
Luật sư Trương Anh Tú, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, về mặt quy định thì sau khi bản án có hiệu lực cho phép người phải thi hành án có thời gian tự nguyện. Sau khi không tự nguyện thì cơ quan thi hành án phải ra quyết định cưỡng chế, bán đấu giá đất đai, tài sản… Quy định của Luật thi hành án dân sự như thế, nhưng thực tế việc thi hành án dân sự hiện nay rất phức tạp.
“Việc thi hành án dân sự hiện nay phức tạp bởi để thi hành án được một vụ việc còn liên quan đến nhiều đạo luật khác, chứ không chỉ riêng Luật Thi hành án dân sự. Thế rồi việc phối hợp cưỡng chế cũng có vướng mắc. Ở các địa phương có ban chỉ đạo thi hành án từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện do lãnh đạo chính quyền phụ trách. Để cưỡng chế được còn liên quan đến việc phối hợp liên ngành. Nhìn luật thì như vậy nhưng đi vào thực tiễn mỗi vụ lại có khó khăn riêng. Cùng với đó, nguyên nhân dẫn đến khó khăn, tồn đọng trong thi hành án còn có cả yếu tố chủ quan, ví dụ như lực lượng thi hành án có làm mạnh tay hay không, cơ quan thi hành án có thể hiện sự quyết tâm để thi hành án hay không…”, luật sư Trương Anh Tú nói.
Trong khi đó, luật sư Trần Quang Khải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, thi hành án dân sự là để bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành, trực tiếp góp phần giữ vững kỷ cương phép nước, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật. “Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực nhưng chưa được nghiêm chỉnh thi hành. Nguyên nhân có thể là do công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án dân sự chưa chủ động hay chấp hành viên chậm tổ chức thi hành án. Sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong một số vụ việc chưa hiệu quả. Rồi còn có cả những vướng mắc, chồng chéo trong luật dẫn đến khó khăn khi thi hành án”, luật sư Trần Quang Khải đánh giá.
Do đó, theo luật sư Trần Quang Khải, giải pháp để không còn có những vụ việc thi hành án kéo dài, chậm trễ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân đầu tiên là hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng chú trọng chất lượng, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án. Trong đó, các vướng mắc giữa các đạo luật liên quan khi thi hành án phải sớm được giải quyết triệt để.
“Cùng với đó, tôi cho rằng, cơ quan thi hành án cần xác định nguyên nhân cơ bản nhất làm gia tăng lượng án tồn đọng là gì. Tiếp theo là cần tiến hành ngay việc kiểm tra, rà soát, xác minh, phân loại án một cách chính xác hơn, cụ thể hơn. Đặc biệt, ở mỗi vụ việc tồn đọng, bên cạnh phân loại án có điều kiện thi hành hay chưa có điều kiện thi hành cần xác định rõ một số nội dung cơ bản để giải quyết vụ việc hiệu quả hơn như: khả năng giải quyết vụ việc như thế nào, thời gian bao lâu; những căn cứ pháp luật nào là cơ sở để có thể đưa vụ việc vào diện miễn, giảm, chưa có điều kiện, ủy thác, hoãn, đình chỉ… theo đúng quy định; đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp để giải quyết dứt điểm vụ việc cần những điều kiện gì như cần họp liên ngành, xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ của cấp trên hoặc xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự…”, luật sư Trần Quang Khải nêu ý kiến.
Theo Công an nhân dân
(- PV Phan Hoạt - Nguyễn Hương)
Link: https://cand.com.vn/phap-luat/an-ton-ngay-cang-tang-i737737/
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50