1 người mang 2 tư cách tố tụng, được không?

06/28/2017 16:14:16 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

8:28 SA - 31/08/2016

 (PL)- Theo các chuyên gia, việc một người vừa làm đại diện theo ủy quyền vừa là luật sư bảo vệ cho người khác khi tham gia tố tụng là không hợp lý, gây khó cho chính người đó và cho việc giải quyết án của tòa...

TIN LIÊN QUAN

Ngày 30-8, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hoãn phiên xử phúc thẩm vụ nguyên đơn JEC (quốc tịch Úc) tranh chấp tài sản với hai bị đơn là bà NPTA và ông NTC để xác định lại tư cách tham gia tố tụng của luật sư NHP (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Vừa làm đại diện, vừa là luật sư bảo vệ

Trước đó, tại phiên tòa đã phát sinh một tình huống pháp lý đáng chú ý: Luật sư P. vừa làm người đại diện theo ủy quyền cho hai bị đơn và một tổ chức có liên quan trong vụ án, vừa là luật sư bảo vệ cho họ, tức luật sư P. tham gia tố tụng với hai tư cách.

Ban đầu, khi biết chuyện, HĐXX khá băn khoăn vì BLTTDS và các văn bản hướng dẫn đều chưa quy định về chuyện này nên không biết khi một người đồng thời mang hai tư cách tố tụng thì sẽ tham gia phiên tòa như thế nào.

Đại diện phía bị đơn và luật sư (đều là luật sư P.) thì cho rằng BLTTDS không cấm chuyện này, mặt khác việc ông mang hai tư cách tố tụng không mâu thuẫn về quyền lợi giữa các thân chủ nên ông đề nghị HĐXX chấp nhận. Tuy nhiên, đại diện VKS đã không đồng ý và đề nghị HĐXX hoãn xử.

HĐXX sau đó đã phải hội ý và quyết định hoãn xử như đại diện VKS đề nghị. Theo HĐXX, về mặt nội dung, việc một người tham gia tố tụng với “hai vai” như luật sư P. sẽ không dễ dàng, không đảm bảo được quyền lợi của cả đương sự lẫn luật sư. Về mặt hình thức, lúc giữ vai đại diện thì luật sư P. phải đứng ở ghế đương sự, lúc giữ vai luật sư thì luật sư P. phải đến bàn luật sư để trình bày. Như vậy, chỉ có mỗi việc là vị trí đứng ngồi của luật sư P. cũng đã lộn xộn và lúc luật sư P. trình bày thì việc xác định ông đang ở “vai” nào cũng rối. Từ đó, HĐXX quyết định hoãn xử để các đương sự thực hiện việc ủy quyền lại hay mời luật sư khác thế vào cho phù hợp.

“Hai vai” là bất hợp lý?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư P. cho biết trước đây, khi vụ án ở cấp sơ thẩm, ông chỉ làm đại diện theo ủy quyền. Sau đó ông thấy ở vai trò này, tại phiên tòa ông chỉ được hỏi đáp theo câu hỏi của HĐXX, nếu thêm vai trò luật sư thì ông sẽ có dịp trình bày đầy đủ các luận cứ, nêu thêm các vấn đề, góc nhìn pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Trong vụ này, phía bị đơn là người trong nhà, giá trị tranh chấp số tiền cũng đặc biệt lớn, ông là luật sư am hiểu pháp luật nên mong muốn được hỗ trợ hết sức mình…

Luật sư P. cũng khẳng định pháp luật tố tụng dân sự không cấm ông giữ cùng lúc hai tư cách tố tụng là vừa làm đại diện theo ủy quyền vừa là luật sư bảo vệ. Luật Luật sư cũng không hạn chế điều này.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại không đồng tình với quan điểm trên.

Các luật sư Nguyễn Sa Linh, Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều có chung quan điểm là một người đã tham gia với tư cách đại diện theo ủy quyền cho đương sự thì không thể tham gia với tư cách luật sư của đương sự đó được nữa. Theo hai luật sư này, pháp luật quy định đương sự có quyền “tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình”. Luật sư P. đã đại diện cho đương sự mà lại làm luật sư bảo vệ cho chính đương sự là nghịch lý, không khác nào “mình đi nhờ mình bảo vệ mình”. Cho nên dù luật không cấm cũng không ai làm vậy. Hơn nữa, theo BLTTDS, đại diện theo ủy quyền vẫn có quyền trình bày luận cứ, đưa ra chứng cứ để bảo vệ quan điểm của đương sự. Do đó việc luật sư P. cùng lúc đóng “hai vai” là không cần thiết.

Đồng tình, TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng nhận định một người mang “hai vai” trong một vụ án thì sẽ không khách quan, độc lập và trung thực. Người đại diện nói lên tâm tư, nguyện vọng của đương sự. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong trường hợp này lại nêu quan điểm cho chính lời mình đã nói ra, vậy sao có thể phân biệt rạch ròi vai trò bảo vệ? Trong khi pháp luật đâu có hạn chế đương sự có một hay nhiều đại diện cũng như có quyền mời nhiều luật sư bảo vệ cho mình.

Mặt khác, tòa sẽ gặp khó khăn khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho một người mang hai tư cách khi mà ở “vai” này thì họ có quyền này nhưng ở “vai” kia lại bị hạn chế. Đặc biệt, với các chủ thể tham gia tố tụng, không phải pháp luật không cấm thì được làm mà chỉ được làm những gì pháp luật đã quy định.

Làm luật sư được nghiên cứu hồ sơ

Theo một số thẩm phán chuyên xử án dân sự, đã có những vụ trong quá trình giải quyết án, đương sự mời luật sư nhưng tới khi ra phiên tòa, luật sư đó sẽ từ bỏ vai trò luật sư mà trở thành người đại diện theo ủy quyền của đương sự. Bởi lẽ BLTTDS quy định đương sự “được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do tòa án thu thập”, còn luật sư bảo vệ cho đương sự được “nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Như vậy, trong giai đoạn trước khi tòa mở phiên xử, làm luật sư có lợi hơn vì luật sư có quyền được nghiên cứu hồ sơ, phạm vi sẽ rộng hơn người đại diện và có thể hiểu rằng luật sư sẽ được xem toàn bộ hồ sơ.  Còn đã ra phiên tòa thì ở “vai” nào - người đại diện hay luật sư bảo vệ - cũng đều nêu được quan điểm pháp lý bảo vệ cho đương sự.

Theo HOÀNG YẾN - Plo.vn

 
Các tin khác:
Làm đúng nhưng thua kiện vì hợp đồng không rõ
Công khai xin lỗi người bị công an xã còng tay, bắn đạn cao su
Cãi nhau về hậu quả đại án 9.000 tỉ đồng
Mang giùm hành lý có ma túy: Dính án chung thân
Công nhận kết quả đấu giá sai, bị kháng nghị giám đốc thẩm

hotline 0848009668