Ai chỉ đạo đàm phán với Tập đoàn ở Trung Quốc tại dự án Gang thép Thái Nguyên?

04/19/2021 11:58:12 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Trình bày quan điểm bào chữa ở phiên xử vụ Gang thép Thái Nguyên, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) không thể hiểu theo hướng khác liên quan đến việc đàm phán với Tập đoàn ở Trung Quốc sau một văn bản của Văn phòng Chính phủ.

Cựu Chủ tịch VNS không có điều kiện để chỉ đạo dừng dự án?

Tại phiên tòa xét xử vụ đại án Gang thép Thái Nguyên sáng nay (16/4), bị cáo Mai Văn Tinh - cựu Chủ tịch HĐQT VNS trình bày, ông thấy có một phần trách nhiệm trong vụ án xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Về mức án đối với mình, ông Tinh nói bị đề nghị mức án từ 6 đến 7 năm tù là hơi nặng, và trong vụ án này ông chỉ chịu trách nhiệm liên đới.

Bào chữa cho ông Mai Văn Tinh, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quy kết thân chủ của ông không chỉ đạo dừng hợp đồng EPC số 01# là khiên cưỡng.

Luật sư Trương Anh Tú lập luận, dự án mở rộng nhà máy Gang thép giai đoạn 2 là một dự án lớn, theo quy định pháp luật, dự án được xếp vào nhóm A, thẩm quyền phê duyệt là Thủ tướng Chính Phủ.

Ai chỉ đạo đàm phán với Tập đoàn ở Trung Quốc ở dự án Gang thép Thái Nguyên? - Ảnh 1.Người bào chữa cho cựu Chủ tịch HĐQT VNS Mai Văn Tinh trình bày trong phần bào chữa, rằng Viện Kiểm sát quy kết thân chủ không chỉ đạo dừng hợp đồng EPC số 01# là khiên cưỡng.

Do vậy, quá trình triển khai dự án phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt ngoài thẩm quyền thì lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước xin ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo cao hơn là một hoạt động thận trọng, phù hợp với điều lệ và quy định của pháp luật.

Đối với Dự án này, chủ thể tham gia giao kết hợp đồng EPC số 01# là TISCO và MCC (Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc), do vậy việc dừng hợp đồng (nếu diễn ra) sẽ thuộc trách nhiệm của TISCO, do TISCO tiến hành chứ không phải là VNS (công ty mẹ).

Do đó phương án dừng hợp đồng (nếu có) phải xuất phát từ TISCO chứ không thể một cấp nào khác.

Luật sư Trương Anh Tú cũng dẫn chứng, các công văn số 212 ngày 19/3/2009 của TISCO gửi Bộ Công Thương, VNS có đề nghị "quyết tâm thực hiện hoàn thành dự án". Ở công văn số 475 ngày 16/6/2009 của TISCO gửi Bộ Công Thương và VNS, TISCO một lần nữa nhắc đến quan điểm của TISCO là "quyết tâm thực hiện hoàn thành dự án".

Ai chỉ đạo đàm phán với Tập đoàn ở Trung Quốc ở dự án Gang thép Thái Nguyên? - Ảnh 2.Bị cáo Mai Văn Tinh tại phiên tòa sáng 16/4 cho rằng mình chỉ chịu trách nhiệm liên đới trong vụ án, mức án đề nghị từ 6 đến 7 năm với ông là hơi nặng.

"Với quan điểm của TISCO thể hiện tại hai văn bản đã phản ánh rõ ý chí của TISCO trước những vi phạm của MCC, đó là tìm giải pháp tháo gỡ, quyết tâm tiếp tục thực hiện hợp đồng và đề nghị cấp trên có ý kiến để làm cơ sở triển khai dự án.

Việc hủy hợp đồng EPC 01# chỉ được đặt ra là sự nối tiếp, khi đã thực hiện tất cả các giải pháp mà TISCO đề xuất mà tiến độ thi công dự án vẫn không được cải thiện. Như vậy, điều kiện cần để VNS cùng cá nhân ông Mai Văn Tinh nói riêng có thể chỉ đạo dừng hợp đồng EPC số 01# đã không xuất hiện" – luật sư Tú bào chữa.

Cũng theo luật sư này, trước những vi phạm của MCC trong việc triển khai hợp đồng EPC 01#, phía TISCO có thuê hãng luật ở Singapore để đưa ra ý kiến pháp lý nhằm làm cơ sở việc có dừng hợp đồng hay không.

Tuy nhiên, các văn bản này không được TISCO báo cáo với HĐQT VNS. Với việc TISCO không lên phương án dừng, không báo cáo xin ý kiến chỉ đạo dừng Hợp đồng của HĐQT VNS, chỉ báo cáo và xin ý kiến trực tiếp của Tổng Giám đốc VNS.

"Tổng giám đốc VNS cũng không báo cáo hay yêu cầu triệu tập cuộc họp để xem xét vấn đề dừng hợp đồng, phải khẳng định rằng HĐQT VNS nói chung cũng như ông Mai Văn Tinh nói riêng không có điều kiện để có thể chỉ đạo dừng dự án.

Do vậy việc quy kết ông Mai Văn Tinh không chỉ đạo dừng hợp đồng EPC 01#, hủy đấu thầu, thu hồi tiền tạm ứng là một quy kết khiên cưỡng" – luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Văn Tinh trình bày.

Ai chỉ đạo đàm phán với Tập đoàn ở Trung Quốc?

Trình bày quan điểm bào chữa của mình, luật sư Trương Anh Tú cho biết, đối với quy kết thân chủ "Chỉ đạo đàm phán với MCC", thực tế, một trong những ý kiến của Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo phản ánh tại văn bản 8845/VPCP-KTN đó là "Hội đồng quản trị VNS chỉ đạo thành lập đoàn đàm phán để xem xét một số phát sinh về giá vật liệu xây dựng".

"Với lối hành văn như trên của Văn phòng Chính phủ thì việc HĐQT VNS, cũng như ông Mai Văn Tinh nhận thức đây là sự chỉ đạo của Chính phủ là điều đương nhiên.

Có thể khẳng định rằng, đây là cách hiểu duy nhất, không thể hiểu theo một chiều hướng khác được" – luật sư Tú nói.

Ai chỉ đạo đàm phán với Tập đoàn ở Trung Quốc ở dự án Gang thép Thái Nguyên? - Ảnh 3.Luật sư bào chữa cho cựu Chủ tịch HĐQT VNS cho rằng, ông Mai Văn Tinh không thể hiểu theo hướng khác về việc đàm phán với MCC sau khi có văn bản từ Văn phòng Chính phủ.

Cũng theo luật sư này, việc HĐQT VNS ban hành quyết định để thành lập đoàn đàm phán, thực chất là tiếp thu ý kiến và thực hiện ý kiến chỉ đạo Chính phủ, không phải là một quyết định độc lập của HĐQT VNS hay cá nhân ông Mai Văn Tinh. 

"Do đó quy kết cá nhân ông Mai Văn Tinh chỉ đạo đàm phán với MCC là quy kết không đúng với thực tế khách quan" – vị luật sư nêu quan điểm.

Bào chữa cho thân chủ đối với quy kết ký chấp thuận chủ trương cho phép Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ, luật sư Trương Anh Tú phân tích, theo thỏa thuận tại hợp đồng EPC số 01#, việc lựa chọn nhà thầu phụ là nghĩa vụ của MCC.

"Tuy nhiên, trước những diễn biến khó khăn của dự án, MCC đã có đưa ra đề nghị phía TISCO giới thiệu cho MCC một nhà thầu phụ.

Trên cơ sở đề nghị này của MCC, TISCO đã có động thái tìm kiếm nhà thầu phụ Việt Nam và giới thiệu giúp cho MCC" – luật sư Tú trình bày.

Ngoài ra, xuất phát từ văn bản ngày 14/5/2009 của Bộ Công Thương, văn bản này có những nhận xét rất tốt về VINAINCON, rằng đơn vị này là doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, có năng lực và bề dày kinh nghiệm…

Theo nam luật sư, quy kết ký các văn bản chấp thuận chủ trương chọn VINAINCON làm nhà thầu phụ, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư mà ông Mai Văn Tinh thay mặt HĐQT VNS ký không thể xác định là sai phạm.

Luật sư Trương Anh Tú cũng viện dẫn, đối với việc Bộ Công Thương giới thiệu VINAINCON cho TISCO, sau này được Thanh tra Chính phủ xác định là một vi phạm, khuyết điểm.

Ai chỉ đạo đàm phán với Tập đoàn ở Trung Quốc ở dự án Gang thép Thái Nguyên? - Ảnh 4.Luật sư Trương Anh Tú viện dẫn tại tòa, Thanh tra Chính phủ đã xác định việc Bộ Công Thương giới thiệu VINAINCON cho TISCO là vi phạm, không đúng thẩm quyền.

Thanh tra Chính phủ đã xác định, "Bộ Công Thương có văn bản giới thiệu và đề nghị VNS, TISCO giao VINAINCON và có ý kiến theo đề nghị TISCO ký hợp đồng với các nhà thầu phụ khác theo hình thức hợp đồng đơn giá là không đúng thẩm quyền được giao, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư, Hợp đồng EPC 01#... Trách nhiệm thuộc về Lãnh đạo Bộ Công thương".

Luật sư Tú cũng trình bày quan điểm bào chữa liên quan đến quy kết điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án là sai phạm của Viện Kiểm sát.

Theo tờ trình 1287 ngày 6/10/2009 của Tổng Giám đốc VNS, "việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và Kế hoạch đấu thầu của dự án nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện gói thầu EPC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo cân đối nguồn vốn cho các hạng mục của dự án trên nguyên tắc không làm vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt".

Báo cáo đề xuất nêu trên của Tổng giám đốc VNS đã được HĐQT VNS chấp thuận tại văn bản 1343 ngày 23/10/2009.

Mặt khác, Bộ Xây dựng đã nhận văn bản số 5938 ngày 10/9/2008 của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh giá hợp đồng thuộc dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2, TISCO.

Bộ Xây dựng đã có ý kiến đối với gói thầu EPC số 01# Dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá của dự án. Đây là hợp đồng EPC do nhà thầu nước ngoài thực hiện, hình thức hợp đồng trọn gói, vì vậy việc điều chỉnh giá hợp đồng thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết giữa các bên.

Riêng đối với công tác gia công chế tạo thiết bị của loại thiết bị cần gia công chế tạo và công tác lắp đặt thiết bị do nhà thầu Việt Nam thực hiện để gia công chế tạo, lắp đặt trong nước thì cho phép điều chỉnh như điều chỉnh giá vật liệu xây dựng hướng dẫn tại Thông tư số 09/2008/TT-BXD, ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng.

"Với chấp thuận nêu trên của Chính phủ, ý kiến của Bộ Xây dựng thì rõ ràng giá của phần C được phép tăng giá do bị tăng chi phí lắp đặt" – luật sư Trương Anh Tú nêu quan điểm.

Vị luật sư bào chữa cho cựu Chủ tịch HĐQT VNS đã kiến nghị thay đổi tội danh quy kết đối với ông Mai Văn Tinh, từ "Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí", quy định tại khoản 3 Điều 219 BLHS sang "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 360 BLHS.

Luật sư Tú cũng kiến nghị gỡ bỏ kê biên tài sản là căn hộ chung cư tại địa chỉ Phòng 1402 Tòa B số 88 Láng Hạ, để trả lại tài sản hợp pháp của bà Mai Thùy Dương. Ngoài ra, vị luật sư cũng kiến nghị bổ sung thêm các tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ.

Báo Dân Việt (- PV Phạm Hiệp)

http://danviet.vn/ai-chi-dao-dam-phan-voi-tap-doan-o-trung-quoc-tai-du-an-gang-thep-thai-nguyen-20210416115606561.htm?fbclid=IwAR0tuKJQ5b9Uig5w3uMP3M7O7x44qCwN69mOADRGFVuMCgSwW8YT8MDMfMw

hotline 0848009668