Bài 3: Tài xế vi phạm trên cao tốc sẽ bị xử lý thế nào?

03/04/2024 16:53:57 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

(PetroTimes) - Những vụ tai nạn trên đường cao tốc thường gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản do các phương tiện đều di chuyển ở tốc độ cao. Một số vụ tai nạn do người dân đi xe máy ngược chiều trên cao tốc, lùi xe ô tô trên cao tốc… cũng có vụ tai nạn do các lái xe không làm chủ được tốc độ, lấn làn, vượt ẩu…

Vậy theo quy định của pháp luật, những hành vi vi phạm trên bị xử lý như thế nào? Phóng viên PetroTimes có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự - Công ty luật TNHH Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về vấn đề này.

Bài 3: Tài xế vi phạm trên cao tốc sẽ bị xử lý thế nào?

Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự - Công ty luật TNHH Trương Anh Tú.

PV: Hiện nay, tình trạng một số người dân vẫn đi xe máy vào cao tốc dành riêng cho ô tô thậm chí đi ngược chiều (trên thực tế đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra khi ô tô va chạm với xe máy). Vậy theo ông, với hành vi này người đi xe máy bị xử phạt như thế nào?

Luật sư Đặng Xuân Cường: Theo quy định của pháp luật, người tham gia giao thông phải đi đúng phần đường, làn đường quy định, chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống biển báo hiệu đường bộ. Đây là quy tắc giao thông cơ bản được quy định tại Luật Giao thông đường bộ. Việc người điều khiển xe máy, xe mô tô vào làn cao tốc dành cho ô tô là đi không đúng phần đường, làn đường quy định. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể tại điểm b, Khoản 6, Điều 6 quy định về quy định phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy (trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) điều khiển xe đi vào đường cao tốc.

PV: Người điều khiển xe ô tô có được phép lùi xe trên đường cao tốc hay không? Đối với hành vi lùi xe trên đường cao tốc thì sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào, thưa ông?

Luật sư Đặng Xuân Cường: Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển các phương tiện giao thông (xe ô tô) không được phép lùi xe trên đường cao tốc. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 8, điểm đ khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, theo đó hành vi Điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc sẽ bị phạt tiền 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng.

PVThế còn những trường hợp như: Đi không đúng tốc độ quy định, đi chậm dưới tốc độ tối thiểu, lấn làn, vượt ẩu trên cao tốc thì bị xử phạt như thế nào thưa ông?

Luật sư Đặng Xuân Cường: Những hành vi như đi không đúng tốc độ quy đinh, đi quá tốc độ, đi chậm dưới tốc độ tối thiểu, lấn làn, vượt ẩu đều là những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Cụ thể, khoản 11 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ liệt kê những hành vi bị nghiêm cấm gồm điều khiển phương tiên giao thông chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu. Nếu cố tình vi phạm quy định thì tùy từng lỗi vi phạm mà tài xế sẽ bị phạt với các mức khác nhau…

Lỗi đi quá tốc độ quy định

Mức phạt đối với xe ô tô: Phạt tiền từ 800.000 đồng tới 12.000.000 đồng đối với hành vi vượt quá tốc độ tùy theo từng trường hợp đối với tốc độ vượt quá từ 05 km/h tới trên 35 km/h. Ngoài ra người vi phạm còn có thể bị xem xét tước giấy phép lái xe tùy thuộc vào mức độ vi phạm.

Lỗi đi chậm, dưới tốc độ tối thiểu

Mức phạt đối với xe ô tô, các loại xe tương tự ô tô: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với trường hợp điều khiển tốc độ thấp hơn phương tiện đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy (trừ trường hợp các phương tiện khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định).

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu người lái ô tô dưới tốc độ tối thiểu tại những đoạn đường có quy định tốc độ tối thiểu cho phép theo điểm s khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Lỗi lấn làn (đi sai làn đường, lấn tuyến, xe không đi đúng làn đường hoặc phần đường được quy định)

- Đối với ô tô: Người có hành vi vi phạm điều khiển ô tô đi sai làn đường hoặc phần đường được quy định mà không gây tai nạn thì bị xử phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Đồng thời, người lái xe bị tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.Trường hợp người tham gia giao thông vi phạm lỗi sai làn đường ô tô và gây tai nạn thì mức phạt sẽ từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Lỗi vượt xe không đúng quy định

- Đối với xe ô tô: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu chưa gây tai nạn. Trường hợp gây tai nạn giao thông thì mức phạt sẽ từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe ô tô có hành vi vượt xe không đúng quy định còn bị tước giấy phép lái xe.

Bài 3: Tài xế vi phạm trên cao tốc sẽ bị xử lý thế nào?

Hiện trường vụ va chạm ngày 18/2 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Ngọc Thạnh

PV: Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn trên cao tốc xảy ra đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người, có những vụ tai nạn do xe máy đi vào đường cao tốc, đi ngược chiều, lấn làn, vượt phải… Tuy nhiên, khi xem xét trách nhiệm của từng cá nhân để xử lý vi phạm, bồi thường thiệt hại thì ai phải chịu trách nhiệm, và xử lý thế nào, thưa ông?

Luật sư Đặng Xuân Cường: Vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ là hành vi trái pháp luật, có lỗi (cố ý hoặc vô ý) do người có năng lực pháp luật thực hiện. Khi hậu quả của hành vi có mức độ nghiêm trọng không đáng kể thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xem xét xử phạt hành chính với các hình thức như: cảnh cáo, phạt tiền, tước giấy phép, chứng chỉ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm…

Đối với những trường hợp vi phạm quy định giao thông đường bộ nhưng có tính chất nghiêm trọng, gây tai nạn, có dấu hiệu của tội phạm sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Ngoài trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự của người vi phạm đối với Nhà nước thì người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại về tài sản, về tính mạng và sức khỏe cho người bị thiệt hại (Nhà nước, tổ chức, cá nhân) theo quy định của pháp luật dân sự. Việc bồi thường dân sự được tuân theo nguyên tắc đó là thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.

PV: Quy định của pháp luật là vậy, song trên thực tế vẫn còn nhiều người không chấp hành, thậm chí vi phạm nhiều lần. Liệu, có phải do chế tài (xử phạt) chưa đủ mạnh? Theo ông để hạn chế các tai nạn xảy ra trên cao tốc chúng ta phải làm gì?

Luật sư Đặng Xuân Cường: Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn cho xã hội trong lĩnh vực giao thông hiện nay thì bản thân tôi thấy rằng là đã tương đối đầy đủ, toàn diện. Các chế tài xử phạt với từng hành vi vi phạm đã đảm bảo đủ sức giáo dục, răn đe. Vì vậy, thực tế vẫn còn nhiều người không chấp hành pháp luật thì tôi cho rằng vấn đề đầu tiên ở đây nằm ở ý thức của người tham gia giao thông đó. Những người này vi phạm, thậm chí vi phạm nhiều lần thì có thể đánh giá họ coi thường pháp luật, coi thường sự an toàn của chính bản thân mình và những người khác. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khác khiến tình trạng vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông đó là do chúng ta chưa có đầy đủ phương tiện kỹ thuật và con người để kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm.

Trong hoạt động đào tạo lái xe trước đây, chúng ta cũng có những thiếu sót, bất cập, người tham gia giao thông chưa tuyệt đối tuân thủ “đạo đức của người lái xe”…

Để hạn chế các tai nạn xảy ra trên cao tốc, thì theo tôi cần phải hoàn thiện ở nhiều mặt:

- Trong đào tạo lái xe tại các cơ sở đào tạo cần phải khắc phục một cách tuyệt đối những thiếu sót, bất cập trong công tác đào tạo, cấp bằng trước đây.

- Các trung tâm đăng kiểm cần chấp hành nghiêm quy định pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo các phương tiện mà pháp luật quy định kiểm định định kỳ phải đủ điều kiện để tham gia giao thông.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông đặc biệt là khi tham gia giao thông trên đường cao tốc. Với những tình huống, vụ việc tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra được truyền thông rộng khắp, người tham gia giao thông sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

- Nâng cao năng lực phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đặc biệt là các vi phạm trên đường cao tốc.

- Ở góc độ quản lý Nhà nước, khi thiết kế các cung đường, cần phải tuyệt đối tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật để một cung đường được xác định là đường cao tốc.

Xin cảm ơn ông!

Theo Petrotimes

(- PV Mạnh Tưởng)

https://petrotimes.vn/bai-3-tai-xe-vi-pham-tren-cao-toc-se-bi-xu-ly-the-nao-706202.html?fbclid=IwAR3GCSwrGgw6plailiF7IEPHLsJltkzrADae-NWHetbgbR-v3Wev4udJp3g

 

Gửi bình luận: