Báo chí thời đại số: Cần “lá chắn” pháp lý vững vàng

06/23/2025 09:22:23 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

(NB&CL) Trong thời đại số, khi thông tin lan truyền chỉ trong tích tắc và nội dung báo chí ngày càng hiện diện mạnh mẽ trên mạng xã hội, việc đảm bảo một “lá chắn” pháp lý vững vàng cho báo chí là điều không thể chậm trễ. Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, đã đến lúc cần sửa đổi toàn diện Luật Báo chí, không chỉ để bắt kịp sự thay đổi của công nghệ, mà còn để bảo vệ nhà báo, bảo vệ nội dung và bảo vệ uy tín của báo chí chính thống trong môi trường số đầy rủi ro và thách thức.

Trách nhiệm nặng nề trong kỷ nguyên số

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, với tư cách là người quan sát và đồng hành cùng nhiều cơ quan báo chí, nhận định Luật Báo chí năm 2016 đã bộc lộ những hạn chế trong bối cảnh mạng xã hội và nền tảng số phát triển mạnh mẽ.

“Luật Báo chí hiện hành ra đời vào năm 2016 – thời điểm mạng xã hội và nền tảng số đã bắt đầu hiện diện mạnh, nhưng chưa tạo ra những cú chuyển dịch toàn diện như hiện nay. Trong vòng chưa đầy một thập kỷ, cách thức tiếp cận thông tin, phát hành nội dung và tương tác công chúng đã thay đổi nhanh đến mức khiến hành lang pháp lý hiện tại dần bộc lộ giới hạn”, vị luật sư nêu rõ.

Luật sư Trương Anh Tú chỉ ra bất cập lớn nhất là việc Luật hiện hành chưa xác lập đầy đủ tư cách pháp lý cho các kênh nội dung số của cơ quan báo chí, khiến nhiều fanpage, kênh YouTube, nền tảng số của báo chí chính thống tồn tại như “vùng xám”, không được bảo vệ rõ ràng về bản quyền, danh dự và phát ngôn. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các nền tảng trung gian như mạng xã hội trong việc chia sẻ, kiểm soát và gỡ bỏ nội dung báo chí bị bóp méo, mạo danh cũng chưa được quy định cụ thể.

“Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Báo chí là yêu cầu cấp thiết, không chỉ để điều chỉnh các hành vi truyền thông trong bối cảnh công nghệ mới, mà còn để tạo một hệ sinh thái pháp lý đồng hành cùng đổi mới, bảo vệ giá trị của báo chí chính danh trong thời đại số”, Luật sư Trương Anh Tú khẳng định.

Ảnh 1

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm.

Về trách nhiệm pháp lý của cơ quan báo chí và người làm báo trong môi trường số, luật sư Trương Anh Tú phân tích: Trong môi trường truyền thống, trách nhiệm của báo chí chủ yếu gắn với sản phẩm định danh như bài báo in, chương trình phát sóng, phóng sự có kiểm duyệt nội dung… Nhưng, trong môi trường số, sản phẩm báo chí lan truyền tức thời, đa nền tảng, dễ bị cắt ghép, chỉnh sửa và tái sử dụng mà không cần sự cho phép hoặc dẫn nguồn. Điều đó đòi hỏi báo chí chính thống không chỉ chịu trách nhiệm với nội dung gốc mà còn phải tăng cường cơ chế kiểm soát, phản hồi và xử lý khi nội dung bị xâm phạm hoặc lợi dụng.

Theo luật sư, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đang được xây dựng, lấy ý kiến đã bước đầu đề cập trách nhiệm của nền tảng số và cơ chế bảo vệ nội dung. Tuy nhiên, luật sư đề xuất dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cần đi xa hơn ở một số điểm như: Xác lập quyền phản hồi và yêu cầu gỡ bỏ nội dung sai lệch của cơ quan báo chí khi bị mạo danh, xuyên tạc trên nền tảng số – kèm theo thời hạn xử lý rõ ràng (ví dụ là 48 giờ); Bổ sung trách nhiệm pháp lý cụ thể của nhà báo khi phát ngôn hoặc chia sẻ nội dung cá nhân trên nền tảng số, để bảo đảm ranh giới giữa phát ngôn nghiệp vụ và phát ngôn cá nhân được quản trị minh bạch; Thiết lập nguyên tắc bảo vệ phát ngôn của nhà báo trong ngữ cảnh tác nghiệp chính danh, tránh việc bị cắt ghép, quy kết ngoài ý định ban đầu.

Luật không chỉ để xử phạt, mà còn để bảo vệ người làm báo

Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh sự song hành giữa quyền tự do báo chí và trách nhiệm xã hội. Nếu coi quyền là chiếc la bàn, thì trách nhiệm là phần neo giữ.

Ông Tú đề xuất sửa luật trong bối cảnh hiện nay cần đặc biệt chú trọng: Gọi đúng tên và bảo vệ các kênh báo chí số – vì đây chính là “nơi báo chí đang sống” trong thế giới số; Bảo vệ nhà báo trong môi trường tác nghiệp mới – không chỉ ngoài hiện trường, mà cả trên mạng xã hội, nơi họ dễ bị tấn công cá nhân, mạo danh, bóp méo phát ngôn; Thiết lập cơ chế phản ứng pháp lý nhanh – với các vụ việc liên quan đến danh dự, phát ngôn, bản quyền nội dung, giúp nhà báo không bị nhấn chìm trong làn sóng thông tin sai lệch chỉ vì sự chậm trễ của quy trình xử lý hiện nay; Xác lập trách nhiệm rõ ràng và có thể thực thi đối với nền tảng công nghệ – nơi phát tán phần lớn nội dung báo chí, nhưng đến nay vẫn chưa chịu ràng buộc pháp lý tương xứng.

“Tôi cũng cho rằng, cần mở ra không gian sáng tạo có kiểm soát – như sandbox cho báo chí – để báo chí chính thống được thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình thu phí nội dung, blockchain xác thực, mà vẫn nằm trong khuôn khổ pháp lý rõ ràng”, luật sư Trương Anh Tú đề xuất.

Ảnh 5

Trường quay của Báo Lao động được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Ảnh: Tô Thế.

Trong bối cảnh hoạt động báo chí ngày càng phức tạp, đặc biệt là trên môi trường số, việc nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật cho các cơ quan báo chí và người làm báo trở nên cấp thiết, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng: Trước hết, nhận thức pháp lý phải đến từ việc nhìn nhận đúng vai trò của luật trong nghề báo. Luật không chỉ để xử phạt, mà còn để bảo vệ. Khi người làm báo hiểu rằng pháp luật là lá chắn bảo vệ mình – cả trong tác nghiệp, phát ngôn và quyền nhân thân – thì ý thức tuân thủ sẽ tự nâng lên như một phản xạ nghề nghiệp.

Luật sư đề nghị, tăng cường tập huấn pháp lý định kỳ cho phóng viên, biên tập viên – đặc biệt là về quyền tác nghiệp, bản quyền nội dung số, trách nhiệm pháp lý trên nền tảng mạng xã hội. Phát triển hệ thống tư vấn pháp luật chuyên sâu trong các cơ quan báo chí, giúp nhà báo có nơi tham khảo kịp thời trước khi công bố nội dung nhạy cảm. Xây dựng quy tắc phát ngôn trên nền tảng số cho nhà báo, giúp phân định rõ vai trò nghiệp vụ – cá nhân, tránh rơi vào các vụ việc đáng tiếc vì phát ngôn cảm tính. Và cuối cùng, cần một sự đồng hành thực chất từ phía cơ quan chủ quản và hội nghề nghiệp, không chỉ khi có rắc rối, mà ngay từ khâu định hướng, hỗ trợ pháp lý sớm, giải thích chính sách rõ ràng.

Có thể thấy rằng, trong giai đoạn đất nước đứng trước những cơ hội lịch sử để bứt phá, báo chí Việt Nam cũng cần vươn mình thay đổi, đồng hành cùng sự phát triển của thời đại và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Hành trang 100 năm qua là nền tảng vững chắc, nhưng để nắm bắt cơ hội và gánh vác trách nhiệm trong kỷ nguyên mới, báo chí Việt Nam cần sự sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng và theo kịp những bước tiến vượt bậc của khoa học công nghệ.

Kỷ nguyên mới đặt ra những thách thức không nhỏ, nhưng cũng mở ra vô vàn cơ hội để báo chí Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng, tiếp tục là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

hotline 0848009668