04/02/2021 10:36:16 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Biện pháp đối phó của một số địa phương cũng chỉ dừng ở mức cắm biển cảnh báo. Ảnh: Thiện Minh
Ôm đất chờ giá lên cao hơn
Từ trung tuần tháng 3/2021, khi thông tin Sở Nội vụ trình dự thảo phương án chuyển 5 huyện ngoại thành TP.HCM gồm Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ và Củ Chi thành quận trong 5-10 năm tới chính thức được công bố, nhiều ý kiến lo ngại tình trạng sốt đất tại các địa phương này sẽ quay trở lại, bởi trên thực tế, thông tin này đã xuất hiện từ năm 2017 và được giới đầu cơ lợi dụng đẩy giá nhà đất nơi đây lên cao ngất ngưởng.
Cuối tuần qua, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã có chuyến đi thực tế ghi nhận thị trường nhà đất tại Cần Giờ trước thông tin nhà đầu tư đổ về huyện đảo này gom đất. 10 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại bến phà thuộc xã Bình Khánh. Đây là khu vực đông dân cư sinh sống, cửa hàng, quán xá sầm uất, đồng thời cũng là địa bàn có văn phòng môi giới nhà đất mọc lên như nấm từ các đợt sốt đất từng xảy ra tại Cần Giờ trước đây.
Sau khi đảo một vòng quan sát, điều dễ nhận thấy là khác với sự tấp nập nơi quán xá, các điểm giao dịch nhà đất lại vắng bóng người, nhiều điểm còn cửa đóng then cài. Ghé vào một quán cà phê ven đường tránh cái nắng oi bức gần 40 độC, chúng tôi tình cờ nghe được đoạn hội thoại giữa 2 vị khách trung niên vô tình gặp nhau khi đến làm việc với môi giới.
“Anh đến gửi bán hay mua đất ạ?”, người môi giới ở bàn bên cạnh hỏi. “Tôi muốn mua đất”, người đàn ông ăn mặc lịch sự, tầm 55 tuổi đáp lời. Ngay lúc đó, vị khách còn lại vừa cười vừa nói: “Hóa ra toàn người mua với nhau, không thấy ai bán cả”.
Đoạn hội thoại tuy ngắn nhưng cũng đủ để hình dung phần nào bức tranh của thị trường bất động sản Cần Giờ hiện nay: Nhu cầu mua đất tăng, người bán vẫn “ôm hàng” chờ giá lên cao hơn.
Trao đổi với ông Nguyễn Phước Vĩnh, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Kinh doanh bất động sản Seareal xung quanh vấn đề này thì được biết, giá đất Cần Giờ đã tăng từ 3-4 năm trước, mỗi năm tăng trung bình 20%. Đáng chú ý, khu vực gần những dự án lớn, gần biển hay những nơi có thông tin về phát triển giao thông, khu du lịch… thì giá đất còn tăng nhanh hơn.
Đất nền Cần Giờ đã tăng cao từ 3-4 năm nay
“Thông tin các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn... lên quận thực tế không còn tác động nhiều tới giới đầu tư một phần vì không còn là thông tin mới, phần khác do hiện mới là dự thảo, thời gian tới khi chính thức được phê duyệt còn dài và giá đất ở các địa phương này cũng không còn rẻ. Nếu lúc này đầu tư một số tiền lớn rồi đợi chờ một thời gian dài mới bán ra thì rất rủi ro”, ông Vĩnh nêu quan điểm.
Không chỉ Cần Giờ, giá đất tại các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn... cũng đã tăng cao từ mấy năm qua theo đà đô thị hóa. Cho dù là đất nông nghiệp thì cũng tính đến đơn vị mét vuông và giá đất được bán theo mục đích sử dụng trong tương lai, tức là bán theo giá đất ở. Do đó, thông tin các huyện đang được quy hoạch thành quận không quá thu hút các nhà đầu tư vì độ chênh lệch giá đất dự kiến không lớn.
Lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn cho biết, để chuẩn bị cho việc thành quận, huyện đã rà soát quy hoạch và tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư vào 23 khu đất trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường quản lý các khu đất trống để không phát sinh những dự án “ma”, treo bảng cảnh báo để tránh hình thành những dự án bất động sản chưa có pháp lý…
Xử lý “làm giá” bất động sản: Chưa có chế tài đủ mạnh
Việc giá bất động sản tăng “ảo” luôn để lại những hệ lụy và điều này đã được minh chứng qua các đợt sốt đất tại những khu vực lân cận như Long An, Nhơn Trạch (Đồng Nai)… thời gian gần đây, nổi cộm là nguy cơ bóng bóng, tồn kho bất động sản và nợ xấu ngân hàng tăng cao...
Liên quan tới việc “lên đời” cho 5 huyện ngoại thành TP.HCM, trong một cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nêu rõ, đề án chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021-2030 vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện, chưa được phê duyệt chính thức và khi được duyệt cũng cần phải có lộ trình, quy hoạch chuyển đổi cụ thể.
“Nếu thực hiện không khéo, nhiều người sẽ lợi dụng thông tin này để đẩy giá đất lên cao, gây khó khăn cho sự phát triển của thị trường bất động sản”, ông Phong nhấn mạnh.
Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Xây dựng Thành phố tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến của thị trường bất động sản, thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng…
Là người nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực đất đai, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law Firm nhìn nhận, tình trạng đầu cơ “thổi giá” bất động sản đã xuất hiện từ lâu và diễn ra ở nhiều nơi, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để, cho dù đã được luật hóa.
Chẳng hạn, Nghị định số 139/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ đã quy định rõ việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản… kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chế tài này vẫn chưa đủ mạnh để xử lý triệt để tình trạng “làm giá” bất động sản.
“Tất cả những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới lợi ích công cộng đều là những hành vi có thể đưa vào chế tài hình sự để xử lý. Trong đó, hành vi ‘thổi’ giá bất động sản lên cao để thu lợi bất chính rõ ràng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường bất động sản, xâm phạm tới lợi ích của người dân, nên cần phải được hình sự hóa. Việc chỉ ra, nhận biết được hành vi nguy hiểm cho xã hội thì cần phải đưa vào Bộ luật Hình sự ngay để đảm bảo kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ bất bình thường trong xã hội”, ông Tú nêu quan điểm.
Theo báo Đầu tư BĐS
(- PV Trọng Tín)
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50