Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội trong tháng 7

06/15/2021 10:09:21 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/7 tới đây sẽ dành 5 ngày làm công tác nhân sự. Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ khóa mới.

Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội trong tháng 7 - 1

Việc chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa mới được trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội.

Chiều 14/6, báo cáo tại phiên họp 57 của UB Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/7. Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp này là công tác nhân sự. Quốc hội sẽ bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, thuộc các khối cơ quan: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao.

Cụ thể, kỳ họp thứ nhất dự kiến kéo dài 11,5 ngày làm việc, trong đó, công tác nhân sự 5 ngày. Quốc hội cũng dành 4,5 ngày xem xét các báo cáo và một số nội dung khác. Kỳ họp dự kiến bế mạc vào sáng ngày 3/8.

Theo Tổng thư ký Bùi Văn Cường, điểm mới của công tác nhân sự tại kỳ họp này là không tiến hành liền mạch từ đầu đến cuối mà bố trí xen kẽ với các nội dung khác để vừa thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục, vừa tiết kiệm thời gian. Bộ máy nhân sự các cơ quan sẽ được bầu, phê chuẩn theo tiến trình để đảm bảo việc tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng các dự thảo nghị quyết.

Tổng thư ký Quốc hội đề xuất, buổi sáng phiên khai mạc, Quốc hội cho ý kiến về nhân sự của Quốc hội, buổi chiều tiến hành bầu. Sau khi bầu xong, Chủ tịch Quốc hội khóa mới tuyên thệ nhậm chức ngay trong buổi chiều.

Thời điểm cụ thể xem xét, tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. 

Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội trong tháng 7 - 2

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên thảo luận.

Ngoài ra, ông Cường thông tin, đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ nên Thủ tướng Chính phủ trình sẽ bày báo cáo kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc.

Tuy nhiên, vào thời điểm khai mạc, Chủ nhiệm UB Kinh tế khóa XV chưa được bầu để trình bày báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội, nên phân công Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội khóa XIV Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Kỳ họp sẽ được bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp: khai mạc, bế mạc; thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Tổng thư ký Quốc hội thông tin thêm, với đặc thù về nội dung kỳ họp, Quốc hội cần họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho kỳ họp, nhất là có phương án, kế hoạch cụ thể cho phòng, chống dịch theo tình hình thực tế.

Vì vậy, tất cả các đại biểu Quốc hội, cán bộ nhân viên tham gia phục vụ kỳ họp đều được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Cùng ngày, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.

Có 6 chuyên đề được Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét. Các thành viên UB Thường vụ Quốc hội đã bỏ phiếu chọn chuyên đề giám sát.

Kết quả, chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí (trọng tâm về tài chính, tài sản công, mua sắm công, dịch vụ sự nghiệp công…) nhận được 16/16 phiếu tán thành. Chuyên đề 1: Việc thực hiện pháp luật về công tác lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030 được 15/16 phiếu tán thành. Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2012 đến ngày 1/7/2021 được 10/16 phiếu tán thành. Chuyên đề 3: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 được 9/16 phiếu tán thành.

Theo đó, UB Thường vụ Quốc hội chọn 4 chuyên đề này để trình Quốc hội xem xét, quyết định 2 chuyên đề cho chương trình giám sát tối cao năm sau. 

Báo Dân trí (- PV Thái Anh)