"Bỗng dưng" sở hữu 32 số điện thoại của ITEL: Chủ thuê bao chịu trách nhiệm nếu SIM được dùng vào mục đích xấu

03/03/2022 10:41:10 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Theo luật sư, nếu chiếc sim bị sử dụng vào mục đích xấu, chủ thuê bao có thông tin trên hệ thống có thể phải chịu trách nhiệm về vi phạm đó.

Liên quan đến sự việc ông Hoàng Thế T. (SN 1987, trú tại Tây Mỗ, Hà Nội) sau khi đăng kí sử dụng sim Itel nhưng đã bất đắc dĩ phải sở hữu tới 32 sim số khác mà không hề biết, phóng viên Pháp luật Plus đã trao đổi với Luật sư Đặng Xuân Cường (thuộc Công ty TAT Law firm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về vấn đề này.

Luật sư Cường cho biết, theo quy định tại Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi sử dụng thông tin người khác đăng ký thuê bao điện thoại có thể sẽ bị phạt từ 10 tới 30 triệu đồng.

Luật sư Đặng Xuân Cường (thuộc Công ty TAT Law firm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Đặng Xuân Cường (thuộc Công ty TAT Law firm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Tại Nghị định 49/2017 có quy định các mức xử phạt nặng cho các hành vi vi phạm với từng chủ thể (doanh nghiệp viễn thông di động, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông di động, chủ thuê bao viễn thông di động). Trong đó, có hành vi cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân có thông tin thuê bao không đúng quy định.

“Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông phải chịu trách nhiệm chính trong việc người dân bị lấy thông tin cá nhân đăng ký cho hàng loạt số thuê bao. Bởi, theo quy định pháp luật, đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông. Việc các doanh nghiệp viễn thông, nhà mạng vi phạm cần có chế tài xử lý thật nghiêm khắc để ngăn chặn triệt để việc tự ý sử dụng thông tin cá nhân của người khác như thế này”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Trụ sở của mạng di động Itel tại Tháo The Manor, đường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trụ sở của mạng di động Itel tại Tháo The Manor, đường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Nói về vấn đề quản lý thuê bao của nhà mạng, trường hợp này khách hàng đăng kí sim qua đại lí bên ngoài như trong trường hợp của nhà mạng động iTel trên thì theo yêu cầu của Nghị định 49/2017/NĐ-CP: Việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, bao gồm: (Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định do doanh nghiệp viễn thông thiết lập; Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động do doanh nghiệp viễn thông thiết lập; Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định do doanh nghiệp khác thiết lập, được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền để thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông (gọi tắt là Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền).

“Cũng theo quy định này các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông phải Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông; quy trình giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng ủy quyền được doanh nghiệp viễn thông cấp cho doanh nghiệp thiết lập (đối với điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền).

Và chỉ được cung cấp dịch vụ viễn thông di động cho thuê bao sau khi đã hoàn thành việc rà soát, kiểm tra, bảo đảm thông tin thuê bao của các cá nhân, tổ chức trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình đã được đối chiếu, nhập, lưu giữ, quản lý đúng quy định”, luật Cường nói.

Nếu không đảm bảo được những quy định nói trên, thì việc có nhiều trường khách hàng bị sử dụng thông tin cá nhân vào mục đích xấu.

“Trong trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ tìm đến chủ thuê bao theo thông tin được đăng ký và xác minh làm rõ. Tuy vậy, nếu không thể xác minh được mình không phải là chủ của chiếc sim đã bị sử dụng vào mục đích xấu, vi phạm pháp luật, chủ thuê bao có thông tin trên hệ thống của các nhà mạng viễn thống có thể phải liên đới hoặc thậm chí chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm đó”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Cùng với đó, luật sư Đăng Xuân Cường cũng cho biết thêm, việc ông Hoàng Thế T. bị lấy thông tin các nhân để đăng kí chính chủ cho 32 thuê bao khác, đây là lỗi chính thuộc về nhà mạng, nhà mạng cần có động thái tích cực để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Như Pháp luật Plus đã thông tin, ông Hoàng Thế T. (SN 1988, trú tại Tây Mỗ, Hà Nội) đã phản ánh, có đến mua sim của mạng di động Itel tại cửa hàng “Điện thoại Hằng Hải”, có địa chỉ tại số 136 Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Cửa hàng Điện thoại Hằng Hải có địa chỉ tại 136 Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, nơi anh Hoàng Thế T. mua và đăng kí sử dụng thuê bao của Itel.

Cửa hàng Điện thoại Hằng Hải có địa chỉ tại 136 Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, nơi anh Hoàng Thế T. mua và đăng kí sử dụng thuê bao của Itel.

Tại đây, anh T. yêu cầu đăng kí thông tin cá nhân để sử dụng cho 3 số thuê bao là 087789298x; 087789300x; 087789298x cho số CMND 082017XXX mang tên Hoàng Thế T. Sau đó, đại lí này khẳng định đã hoàn thành đăng ký chính chủ cho 3 số thuê bao trên và anh T. yên tâm ra về.

Tuy nhiên, sau khi sử dụng được khoảng 3 tháng, do không đáp ứng yêu cầu về cam kết gói cước đã sử dụng, nên một trong những số trên đã bị nhà mạng khóa lại. Lúc này anh T. gọi điện lên tổng đài kiểm tra thì được trả lời anh không phải là chủ nhân của 3 số thuê bao trên.

“Khi tôi có nhu cầu đăng ký chính chủ cho 3 thuê bao đang sở hữu thì nhân viên tổng đài trả lời rằng tôi đã sở hữu tới 32 số thuê bao khác, nên CMND này không thể đăng kí thêm. Nếu muốn đăng kí thêm, thì phải gỡ thông tin cá nhân trên 3 số thuê bao khác đang sở hữu thì mới đăng kí thay thế vào được,” anh T. cho biết.

Theo anh T, thì 32 số thuê bao đã được đăng ký chính chủ với CMND của anh gồm 0877892987; 087893004; 087893430; 0878907313; 08789314; 08789317; 08789320... nhưng không có số nào anh đang sử dụng trước đó.

Biên bản làm việc giữa khách hàng Hoàng Thế T. với đại diện Itel.

Biên bản làm việc giữa khách hàng Hoàng Thế T. với đại diện Itel.

Tại buổi làm việc giữa khách hàng với đại diện Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Đông Dương Telecom (đơn vị sở hữu mạng Itel) ngày 20/1/2022, hai bên đã khẳng định:

“Ngoài 3 số thuê bao ông Hoàng Thế T. thực tế sử dụng như trên, các số khác được lấy thông tin của ông Hoàng Thế T. để đăng kí đến ngày 20/1/2022 không được sự đồng ý của ông Hoàng Thế T..

Ngoài ra, các vấn đề phát sinh của các số không được ông T. đăng kí trên thực tế sẽ không liên quan đến trách nhiệm của ông Hoàng Thế T.”

Theo nhiều chuyên gia pháp lí, trong trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng quyền hạn đăng ký khống số thuê bao di động phục vụ mục đích phạm tội và đã cấu thành hành vi tội phạm thì tổ chức, cá nhân đăng ký khống đó có thể bị xử lý theo quy định tại Bộ luật Hình sự. Trường hợp chưa cấu thành hành vi phạm tội thì tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật An ninh mạng 2018.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Được biết, mạng di động Itel thuộc Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Đông Dương Telecom. Theo giới thiệu trên website của công ty thì Mạng di động iTel (đầu số 087) - Thương hiệu của Indochina Telecom là nhà mạng tiên phong triển khai mô hình mạng di động ảo - MVNO (Mobile Virtual Network Operator ) tại Việt Nam thông qua thỏa thuận hợp tác sử dụng sóng mạng di động VinaPhone để cung cấp các dịch vụ viễn thông tối ưu về chi phí và trải nghiệm khách hàng vượt trội.

Phapluatplus

(- PV Xuân Thái - Duy Khương)

https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/bong-dung-so-huu-32-so-dien-thoai-cua-itel-chu-thue-bao-chiu-trach-nhiem-neu-sim-duoc-dung-vao-muc-dich-xau-d177439.html?fbclid=IwAR0wokckLbf1F0vE2mKbuzqyhs3p8-D-RWf3WyfiMXCE8Ir7ytbn1Qs44s8

 

 

 

 

Gửi bình luận: