Chơi pháo ngày Tết: Cách phân biệt pháo hoa 'được phép' và pháo hoa nổ

02/18/2021 11:37:06 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Cá nhân đốt pháo nổ, pháo hoa nổ trái phép sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng; tàng trữ pháo nổ, pháo hoa nổ trái phép dưới 6kg sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Thị trường, nhu cầu mua bán pháo hoa dịp tết đang nhộn nhịp trên mạng xã hội cũng như ngoài thực tế.

Đặc biệt, từ khi Nghị định 137/2020 về quản lý và sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11.1.2021, cho phép người dân, tổ chức sử dụng pháo hoa thì nhu cầu mua bán pháo càng tăng.

Tuy nhiên, nhiều người dân đang có những hiểu lầm về pháo hoa được sử dụng. Bởi, không phải loại pháo nào người dân cũng được đốt và để tránh hệ lụy về xử phạt hành chính cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự, người dân, tổ chức cần tham khảo những pháo được phép sử dụng.

Người dân chỉ được đốt pháo hoa không gây tiếng nổ

Theo Nghị định 137/2020, pháo bao gồm: pháo nổ, pháo hoa.

Đồng thời, Điều 17 Nghị định 137/2020 về sử dụng pháo hoa quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu, Nghị định 137/2020 cho phép người dân được sử dụng pháo trong dịp tết, lễ… nhưng người dân phải lưu ý loại pháo mình được sử dụng là pháo hoa.

“Nghị định 137/2020 cũng quy định pháo hoa là sản phẩm tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”, luật sư Thảo cho hay.

Và hiện nay chỉ có Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 (nhà máy Z121), thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng là đơn vị duy nhất được sản xuất, cung ứng pháo hoa, pháo hoa nổ.

Nghiêm cấm người dân dùng pháo nổ

Đó là khẳng định theo quy định pháp luật hiện hành.

Cụ thể, luật sư Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ là các hành vi bị nghiêm cấm, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trên.

Vì vậy, các hành vi mua bán pháp hoa nổ, pháo nổ diễn ra tràn lan trên mạng xã hội, các diễn đàn là những hành vi vi phạm pháp luật.

Thế nào là pháo nổ, luật sư Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, Nghị định 137/2020 đã định nghĩa rất rõ, pháo nổ là loại gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Đồng thời, pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.

“Theo Nghị định 137/2020, việc bắn pháo hoa nổ phải được cấp phép và chỉ được bắn pháo hoa nổ vào các dịp tết nguyên đán, giỗ tổ hùng vương, ngày quốc khách, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày chiến thắng 30.4; kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; sự kiện văn hóa du lịch thể thao mang tính quốc gia, quốc tế hoặc trường hợp khác do Thủ tướng chính phủ quyết định”, luật sư Hùng nêu.

Cá nhân bị phạt tối đa 2 triệu đồng; tổ chức bị phạt 4 triệu đồng

Luật sư Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cảnh báo người dân, hành vi đốt pháo nổ (vừa là pháo nổ, hoặc pháo hoa nổ - PV) trái phép sẽ bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với cá nhân và phạt gấp đôi số tiền với tổ chức vi phạm, theo Điều 10 Nghị định 167/2013 của Chính phủ.

Trường hợp cá nhân có hành vi mua bán, sản xuất, tàng trữ trái phép pháo nổ chưa đến mức bị xử lý hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Nếu tổ chức vi phạm, mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền so với cá nhân.

6 kg trở lên là truy cứu trách nhiệm hình sự

Ông Nguyễn Minh Cảnh (nguyên thẩm phán TAND TP.HCM) cho hay, người nào sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6 kg trở lên thì bị xử lý hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng cấm. Nếu cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 3 tỉ đồng, hoặc phạt tù từ 1 – 15 năm tù. Nếu pháp nhân thương mại vi phạm thì bị phạt tiền từ 1 – 9 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Trường hợp tàng trữ, vận chuyển pháo nổ, pháo hoa nổ từ 6 kg trở lên thì bị xử lý hình sự về tội Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Cá nhân phạm tội thì phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng – 10 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội thì phạt tiền từ 300 triệu đồng – 5 tỉ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.