Chuyên gia nói về đề xuất đóng BHXH 10 - 15 năm vẫn được hưởng lương hưu

05/21/2021 10:53:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới 10 năm. Tuy nhiên, các chuyên gia về an sinh xã hội cho rằng, cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ số năm đóng và số năm hưởng để đưa ra công thức tính lương hưu cho phù hợp.

Chuyên gia nói về đề xuất đóng BHXH 10 - 15 năm vẫn được hưởng lương hưu

Cần cân nhắc kỹ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu

(Ảnh minh họa)

Vừa qua, tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã đưa ra đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Nêu ý kiến về đề xuất này, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, đề xuất nêu trên đưa ra là nhân văn, bởi thực tế, nhiều người lao động tham gia đóng BHXH muộn, khi đến tuổi về hưu mà số năm đóng BHXH chưa đủ thì nên được giải quyết để về hưu vì có thể họ đã không còn đủ sức khỏe để lao động. Giảm số năm đóng BHXH về hưu còn tạo ra động lực, khuyến khích lao động tham gia BHXH nhiều hơn. 

“Tuy nhiên, nếu thời gian đóng BHXH ngắn thì mức lương hưu cũng sẽ rất thấp. Do đó, ban soạn thảo luật cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ số năm đóng và số năm hưởng để đưa ra công thức tính lương hưu cho phù hợp. Bên cạnh đó, mức hưởng bao nhiêu cũng phải tính toán, bởi Luật hiện hành quy định đóng tối thiểu 20 năm, hưởng thấp nhất 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH; nếu rút ngắn còn 10-15 năm, mức hưởng có thể chỉ còn trong khoảng 20-25%, dẫn đến lương hưu chỉ trên dưới 1 triệu đồng thì cũng khó đảm bảo cuộc sống cho người lao động” - ông Huân lưu ý.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc giảm thời gian đóng BHXH không phải mới được đề xuất lần đầu. Việc giảm số năm đóng BHXH có những tác dụng tốt; song cũng nên cân nhắc thận trọng vì hiện tuổi thọ của Việt Nam đang dần cao lên, tuổi nghỉ hưu tăng và thời gian làm việc kéo dài hơn.

“Một hệ thống BHXH linh hoạt hơn là cần thiết, còn thời gian đóng cần cẩn thận tính toán, vì khi đã hạ xuống thì muốn nâng lên rất khó, trong khi xu thế bây giờ là thời gian làm việc dài hơn” - bà Hương nhấn mạnh.

à Hương cho rằng, nếu rút ngắn số năm đóng BHXH - có thể nhìn thấy lợi ngay trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ không bảo đảm chính sách hưu trí. Bởi xu hướng là phải tăng lên, chứ không phải giảm đi, nếu không tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ thấp. 

“Một trong những điều quan trọng nhất của chính sách hưu trí là bảo đảm được mức sống tương đối cho người già khi không còn khả năng lao động. Nếu thời gian đóng BHXH thấp quá, sẽ kéo theo mức hưởng thấp thì mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của người về hưu sẽ không đạt được. Giảm số năm đóng ở đây chỉ có thể giải bài toán để người lao động đỡ sốt ruột về thời gian đóng mà thôi. Thay vào đó, có thể duy trì thời gian đóng BHXH như hiện hành, duy trì một mức đóng thấp và yêu cầu bắt buộc tham gia” - bà Hương đề xuất.

Thực tế hiện nay, thời gian đóng BHXH đủ 20 năm chỉ mới là điều kiện cần để được hưởng chế độ hưu trí, bởi người lao động còn phải thỏa mãn các điều kiện đủ khác như: Độ tuổi của nam/nữ; điều kiện, thời gian làm việc trong các môi trường độc hại, ngành nghề, sức khỏe… 

Do đó, việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, hướng tới 10 năm để hưởng chế độ hưu trí như một số nước (chỉ 10 năm) thì cần phải tính toán thận trọng, khoa học. Bởi với thời gian đóng 10 năm, sẽ rất khó để có mức lương hưu đảm bảo đủ sống; mà để có mức lương hợp lý lại cần phải có cơ chế đóng mức bao nhiêu, cách đóng như thế nào. Tính chất chia sẻ trong chính sách BHXH là chia sẻ các chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản, DS-PHSK); còn chính sách hưu trí luôn cần phải đảm bảo công bằng, bình đẳng trong đóng - hưởng.

Việt Nam chi trả lương hưu ở mức cao

Tỷ lệ hưởng lương hưu trên số năm đóng góp của Việt Nam hiện nay là khá cao, mức tối đa là 75% cho 35 năm đóng góp đối với nam và 30 năm đóng góp đối với nữ, tương ứng với tỷ lệ tích lũy là 2,14% cho mỗi năm đóng góp đối với nam và 2,5% cho mỗi năm đóng góp đối với nữ. Tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chính sách hưu trí của Việt Nam được các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá là thuộc loại hào phóng nhất thế giới.

Báo Pháp luật VN (- PV Tuệ An)

 

Gửi bình luận: