07/10/2025 17:18:26 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Ngày 10-7, Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp”, với sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhận định, cuộc chiến chống hàng giả, tin giả ngày càng phức tạp, gây tổn hại nghiêm trọng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Cũng theo ông Nguyễn Thái Bình, hàng giả đã len lỏi vào nhiều mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, sữa, thuốc, thực phẩm chức năng và thậm chí được bày bán công khai, cho thấy công cụ kiểm soát còn yếu. Bên cạnh đó, thông tin giả tràn lan trên không gian mạng cũng gây mất niềm tin xã hội và ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp.
Tại tọa đàm, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, cảnh báo, hàng giả, hàng nhái đang âm thầm gây hại sức khỏe, góp phần làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm vốn chiếm 74% gánh nặng bệnh tật và 80% số ca tử vong hiện nay và mỗi năm có thêm khoảng 185.000 ca ung thư mới.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, thực phẩm và thuốc giả có thể gây ngộ độc cấp, mạn tính và tích lũy độc tố, dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư.
Ở góc độ doanh nghiệp, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, đại diện pháp lý cho Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, cho biết, nhiều tổ chức cố tình đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc gần giống thương hiệu thật, sau đó kiện ngược doanh nghiệp chính chủ, lợi dụng kẽ hở pháp lý để chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ.
Luật sư Trương Anh Tú. Ảnh: Quang Huy
Cũng theo luật sư Trương Anh Tú, cùng với việc tấn công bằng pháp lý, nhiều doanh nghiệp còn bị tấn công bằng thông tin giả là một hình thức nguy hiểm không kém.
Điển hình, trong đợt cao điểm truyền thông chống hàng giả đầu năm nay, một thương hiệu trong ngành thực phẩm chức năng bị lan truyền thông tin “có liên quan đến thuốc giả” trên TikTok, dù kết luận giám định vẫn chưa được công bố. Hậu quả là doanh thu sụt 40% chỉ trong 2 tuần, hệ thống phân phối hoang mang, cổ đông bất an.
Từ đó, luật sư Trương Anh Tú đề xuất, luật pháp cần được sửa đổi theo hướng ghi nhận quyền ưu tiên dựa trên việc sử dụng thực tế, công khai và liên tục của nhãn hiệu, tương tự nguyên tắc "first-to-use" của Mỹ. Ngoài ra, phải tăng cường giám sát động cơ của các chủ thể đăng ký hàng loạt nhãn hiệu ăn theo để ngăn chặn hành vi đầu cơ, chiếm đoạt…
Về phía quản lý thị trường, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để phân phối hàng hóa không rõ nguồn gốc, tạo lập tài khoản ảo, giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng để trục lợi bất chính. Nhiều vụ việc doanh nghiệp bị tung tin thất thiệt, xuyên tạc, bôi nhọ thương hiệu nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc truy xuất nguồn phát tán và xử lý theo pháp luật.
Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Nam đề xuất, cần quy định trách nhiệm pháp lý rõ ràng cho các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát, ngăn chặn và gỡ bỏ nội dung vi phạm, sai lệch; rút ngắn quy trình giám định hàng vi phạm, thiết lập cơ chế “giám định nhanh” để kịp thời phục vụ điều tra, xử lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý thị trường, từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành, hệ thống truy xuất nguồn gốc, đến cảnh báo sớm vi phạm; tăng cường phối hợp quốc tế, đặc biệt với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, TikTok, Amazon… để xử lý các hành vi mang yếu tố nước ngoài.
Trong 6 tháng năm 2025, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 11.568 vụ; xử lý 9.919 vụ vi phạm; tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính 266 tỷ đồng; thu nộp ngân sách nhà nước 141 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ có dấu hiệu hình sự.
10/08/2024 11:30:00
07/10/2025 14:57:00
06/20/2025 14:08:00