07/06/2021 10:14:31 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Bếp nhà chị Uyên, một công nhân môi trường, bị tốc mái từ nhiều tháng nay vẫn chưa được thay mới - Ảnh: QUANG THẾ
Bị cụt một chân trong lúc lao động từ hơn 20 năm trước nhưng ông Đoàn Văn Đăng (58 tuổi, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) hàng ngày vẫn vắt kiệt sức thu gom, vận chuyển rác ở hầm các tòa nhà chung cư.
Để tiết kiệm, sau mỗi giờ lao động ông ngủ tạm qua đêm ở lều ngay cạnh nơi tập kết rác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.
Làm không thiếu một công nhưng vẫn phải ngủ ngoài đường
"Thu nhập của tôi chỉ 5 triệu đồng, chưa tính tiền xe buýt, tiền ăn nếu phải thuê nhà chi phí khoảng 1 triệu nữa thì coi như còn được vài đồng. Ngủ ở ngoài tiết kiệm thêm được chút ít để gia đình lấy cái trang trải cuộc sống" - ông Đăng tâm sự.
Cũng như ông Đăng, chị Đỗ Thị Hằng sau mỗi ngày làm việc quay trở lại lều ven đường tá túc. Thu nhập hàng tháng chỉ đủ tiền ăn, tiền thuốc giảm đau cho đôi chân bị phù nề.
Chị Hằng cho biết Công ty Minh Quân nợ lương hàng trăm công nhân đến cả nửa năm, không có người thân thiết để vay mượn, chị đành phải nhặt ve chai kiếm cái ăn. "Có hôm mưa không nhặt được cái gì thì đành nhịn qua đêm…" - chị Hằng nghẹn giọng.
Chị Hằng ngậm ngùi: "Chân không có thuốc nên ngày nó một nặng hơn, phù nề không đi được. Có hôm trời đổ mưa lật tung cả mái lều, tôi không biết chạy đi đâu được đành để ướt sũng người".
May mắn hơn nhiều công nhân khác là có nhà để tá túc qua đêm nhưng phải lo cho mẹ già bị bệnh, con nhỏ khiến chị Nguyễn Thị Minh Uyên (P. Phú Đô, Q. Nam Từ Liêm) đen nhẻm. Mỗi khi nhắc đến gia cảnh chị Uyên lại giàn giụa nước mắt không nói nên lời.
Mấy tháng trước trận mưa kèm gió to quá làm bay cả mái tôn ở bếp, đến nay vẫn chưa thay lại được…" - chị Uyên kể.
Ông Đăng lắp chân giả chuẩn bị một ngày làm việc - Ảnh: QUANG THẾ
Chị Hằng ngậm ngùi nhớ lại những ngày ngủ trong mưa lạnh - Ảnh: QUANG THẾ
Căn nhà chị Uyên lọt thỏm, xơ xác dưới đường đê - Ảnh: QUANG THẾ
Công việc nặng nhọc, độc hại, rủi ro nhưng lương rất thấp
Phó giám đốc Công ty Luật TAT Law firm Mai Thảo (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ: "Với quy định pháp luật hiện hành người lao động tại các công ty môi trường đô thị mức lương của công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5-7% so với mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Ngoài tiền lương, những người lao động này được hưởng thêm phụ cấp, mức phụ cấp xấp xỉ 600.000 đồng/tháng".
Theo tìm hiểu hiện nay các công ty môi trường đang trả lương theo bình quân mức lương tối thiếu vùng. TP Hà Nội là vùng 1 thì mức lương tối thiểu 4.420.000 đồng/tháng, thêm phần trăm phụ cấp mỗi tháng thì lương người lao động sẽ được nhận khoảng 5 triệu đồng.
Dù mức lương nhận được không đủ trang trải cuộc sống gia đình nhưng chị Uyên vẫn luôn là công nhân vệ sinh môi trường hoàn thành tốt nhiệm vụ địa bàn được giao - Ảnh: QUANG THẾ
Vợ chồng ông Đoàn (quê Nam Định) làm việc tại một hầm rác - Ảnh: QUANG THẾ
Ông Lê Đình Hùng - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội - cho rằng: "Nhân viên môi trường mức thu nhập trên, dưới 5 triệu đồng là rất khó khăn, rõ ràng không chỉ bản thân họ, mà còn có vợ hoặc chồng và con cái, gia đình nữa. Đây là công việc nặng nhọc, vất vả, độc hại, rất nhiều rủi ro cho lao động nhưng thu nhập lại rất thấp".
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội chia sẻ dù người lao động ở môi trường nào thì chủ doanh nghiệp phải biết trân quý người lao động, như vậy họ mới gắn bó lâu dài.
"Có những doanh nghiệp lương không cao lắm nhưng có phụ cấp, chế độ phúc lợi tốt, người lao động cảm thấy được tôn trọng hơn thì sẽ cống hiến lâu dài. Chủ doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến người lao động để phát triển bền vững vì họ chính là chủ thể đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp…", ông Hùng chia sẻ.
Công nhân môi trường tất bật thu dọn rác trong đêm - Ảnh: QUANG THẾ
Chiều 2-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Quang Tuấn - giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội - cho biết: "Chúng tôi đã tính toán trả nốt số tiền nợ còn lại trước ngày 10-7 tới".
Trước đó như đã phản ánh, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân nợ lương hàng trăm công nhân môi trường gây bức xúc dư luận xã hội, công ty này mới được đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội.
Chỉ thị 16: Nâng cao mức sống cho công nhân lao động trong tình hình mới
Thủ tướng mới ban hành chỉ thị 16/CT-TTg 2021 về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, theo đó những năm qua, Đảng, nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đã cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của người lao động.
Tuy nhiên một bộ phận không nhỏ công nhân lao động vẫn chưa có việc làm ổn định, phù hợp, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động đến đời sống, việc làm của nhiều công nhân lao động.
Thủ tướng yêu cầu các bộ và cơ quan ngang bộ, tỉnh, TP trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống công nhân lao động trong tình hình mới.
Tuoitre.vn/ -PV Quang Thế
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50