Tuy nhiên, để nhận định đề án nêu trên có khả thi hay không thì phải “điểm mặt” các nguyên nhân khiến giao thông khu vực nội đô bị ùn tắc.

Đặc biệt cần phải đặt ra câu hỏi rằng liệu ô tô lưu thông trong nội đô có phải là nguyên nhân cơ bản khiến giao thông nội đô ùn tắc hay không. Thực tế thì các nguyên nhân gây ùn tắc giao thông nôi đô có thể kể đến gồm:

Một là, hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân khi giao thông công cộng vừa thiếu lại vừa yếu.

Hai là, ý thức người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế

Ba là, trong nội thành Hà Nội quy hoạch chưa đồng bộ và gây xung đột cho các vấn đề khác, nhất là giao thông.

Nhiều tuyến đường dày đặc khu chung cư, nhà cao tầng khiến giao thông quá tải nghiêm trọng. Dễ thấy nhất là trên các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi và khu đô thị Linh Đàm… ngày nào tắc đường cũng diễn ra.

"Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác dẫn tới vấn đề ùn tắc giao thông nội đô. Và việc giảm ùn tắc chỉ có thể hiệu quả khi nhà quản lý xác định rõ và giải quyết đồng bộ các nguyên nhân đó”, luật sư Đặng Xuân Cương cho biết.

“Tựu chung lại, với số lượng ô tô chỉ là 15% trên tổng số phương tiện cá nhân tham gia giao thông nội đô thì nếu cho rằng ô tô là nguyên nhân gây ra ùn tắc sẽ là không thỏa đáng.

Trong khi phí vào nội đô lại thu của phương tiện là ô tô thì rõ ràng xác định đối tượng chịu phí như vậy là chưa chính xác và từ đó sẽ khó tạo ra được sự đồng thuận từ phía người dân. Và khi không tạo được sự đồng thuận từ phía người dân thì đề án sẽ có tính khả thi không cao”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Còn theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty vận tải Đất Cảng chia sẻ, nếu việc thu phí ô tô vào nội đô mà giảm được tình trạng ùn tắc giao thông thì bản thân tôi, cũng như Doanh nghiệp của tôi luôn ủng hộ.

Tuy nhiên, trước tiên muốn làm được điều đó, thì cơ quan ban ngành phải đảm bảo quyền lợi của người dân, căn bản trước hết là hệ thống giao thông công cộng phải tốt để phục vụ đi lại thuận lợi cho người dân trước nhất, vì muốn làm điều gì thì căn bản phải lấy lợi ích của người dân lên hàng đầu.

“Còn việc thu phí vào nội đô thì không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp của tôi. Nếu giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội, tôi luôn ủng hộ việc đó”, ông Khúc Hữu Thanh Hải nói.

Thật quá sớm để nói rằng, liệu có thêm một "thí điểm thất bại" nào nữa hay không, việc đấy hãy để thời gian trả lời.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra nếu như đề án thu phí không khả thi thì ai chịu trách nhiệm? Vì tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính là khoảng 2.600 tỷ đồng.