Đi đòi nợ trái luật: Mỗi nơi xử một kiểu

12/02/2023 11:51:35 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

(LSVN) - Hành vi bắt giữ người để đòi nợ diễn ra nhiều trên cả nước trong những năm qua, nhưng mỗi địa phương lại xử một kiểu, nơi chỉ xử lý tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”, nơi xử tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tội “Cưỡng đoạt tài sản”, nơi lại chỉ xử tội “Cưỡng đoạt tài sản” hoặc “Cướp tài sản”.

Ảnh minh họa.

Về mặt hành vi của bị cáo trong những vụ án này khá tương đồng. Theo đó, giữa các bên có quan hệ vay mượn tài sản, tuy nhiên khi tới hạn trả nợ, bên vay không thực hiện nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận. Bên cho vay nhiều lần yêu cầu bên vay phải trả nhưng bên vay tiền có biểu hiện chây ì, trốn tránh… Sau nhiều lần đòi nợ bất thành, bên cho vay đã không còn đủ bình tĩnh để thực hiện quyền đòi nợ một cách hợp pháp. Do vậy, đã thực hiện một số hành vi để gây sức ép như huy động thêm lực lượng để bắt, giữ người vay đưa đến một địa điểm trong một thời gian nhất định. Tiếp đó, bên cho vay yêu cầu người vay ký giấy nhận nợ, yêu cầu người vay liên hệ với người thân phải trả tài sản, yêu cầu người vay phải bán tài sản để trả nợ... 

Tuy nhiên, khi xử lý đối với hành vi đòi nợ trong tình huống nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) vẫn chưa có sự thống nhất về quan điểm xử lý. Ví dụ như, ngày 18/01/2022, TAND thành phố P., tỉnh L. đã xét xử các bị cáo Bùi Thị Thanh T. và Bùi Thanh H. về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” đối với hành vi ôm, khống chế, bắt chị L. lên xe taxi đi đến nhà của T. để đòi nợ (Bản án số 05/2022/HS-ST ngày 18/01/2022 của TAND thành phố P.). Cũng tình huống tương tự vụ án trên, nhưng tại TAND thành phố V., tỉnh V. xét xử bị cáo Ôn Đức C. về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tội “Cưỡng đoạt tài sản” đối với hành vi bắt anh Trần Văn U. đi từ quán bia đến quán nước ở ngã tư thị trấn Q. (cách 02km) và giữ anh U. ở quán nước mục đích để đòi số tiền 30.000.000 đồng (Bản án 41/2022/HS-PT ngày 31/05/2022 của TAND tỉnh V.). Gần đây, TAND tỉnh Đ. xét xử bị cáo Nguyễn Tiến Đ., bị cáo Trần Trung H. về tội "Cướp tài sản"  đối với hành vi bắt Q. phải đưa các đối tượng về nhà, gặp người thân của anh Q. đòi nợ, liên hệ với chị Võ Thị Bích H. (vợ của anh Q.) để chị H. chuyển khoản số tiền 80.000.000 đồng cho Q. trả nợ (Bản án 145/2022/HS-PT ngày 29/04/2022 tỉnh Đ.). Mới đây nhất, theo thông tin trên Báo Tuổi trẻ Online, vào ngày 22/11/2023 CQCSĐT Công an TP. Tuy Hòa (Phú Yên) đã ra quyết định khởi tố hình sự năm bị can là người thân trong một gia đình sau khi họ bắt giữ con nợ để buộc trả tiền về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”. 

Như chúng ta đã biết, tội "Cướp tài sản” và tội "Cưỡng đoạt tài sản” là các tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm quyền sở hữu (Chương XVI Bộ luật Hình sự). Khách thể mà nhóm tội danh này là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và người dân. Để thể hiện quan điểm, thái độ của Nhà nước là tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân, trong phần giả định của hai điều luật (khoản 1 của các Điều 168, Điều 170 Bộ luật Hình sự), nhà làm luật đã đưa ra giả định rằng chỉ cần chủ thể tội phạm thực hiện các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, có hành vi khác, thủ đoạn khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà chưa cần cho kết quả chiếm đoạt được thì tội phạm đã hoàn thành, không phụ thuộc vào việc đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa. Giá trị tài sản thực tế đã chiếm đoạt chỉ là tình tiết định khung hình phạt, không phải tình tiết định tội.

Tuy vậy, khi áp dụng các điều luật vào trong thực tế, chúng ta cần phải hết sức cân nhắc và phân biệt rất rõ về bản chất của hành vi cưỡng đoạt, hành vi cướp. Chúng ta không thể áp dụng một cách máy móc rằng chỉ cần thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành các tội danh này thì mặc định áp dụng và quyết định mức hình phạt mà không xem xét đến bản chất, nguồn cơn của hành vi được mô tả tại phần giả định. Bởi lẽ, hiện nay có hai dạng cướp, cưỡng phổ biến, dạng thứ nhất là giữa đối tượng thực hiện hành vi và bị hại không tồn tại bất kỳ mối quan hệ về sở hữu nào như vay mượn, mua bán, tặng cho… nhưng các đối tượng đã thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa vũ lực hoặc thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản (tạm gọi là “cướp, cưỡng truyền thống”). Dạng thứ hai là giữa các bên đã tồn tại quan hệ vay mượn tài sản, do con nợ cố tình chây ì, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ dẫn đến các đối tượng thực hiện các hành vi cướp, cưỡng nhằm “lấy lại tài sản của mình” giống như các tình huống được viện dẫn trong các bản án nêu trên (tạm gọi là “đòi nợ trái luật”). Giữa hai dạng này, có một sự khác biệt rất lớn, nếu như cướp, cưỡng truyền thống, các đối tượng xâm phạm một cách “thô bạo” đến quan hệ sở hữu được pháp luật bảo vệ, thì “đòi nợ trái luật” về bản chất là biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu của các đối tượng, tuy nhiên việc thực hiện các biện pháp là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, không thể “cào bằng”, “đánh đồng” về cách thức xử lý, cũng như mức hình phạt áp dụng đối hai dạng cướp, cưỡng có khác biệt rất rõ nét về bản chất này. 

Vì vậy, trước tình huống pháp lý trên, nhằm đảm bảo pháp luật được nghiêm minh, nhưng cũng phải có sự phân hoá rõ nét, phản ánh đúng bản chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Trong lúc chưa có văn bản hướng dẫn từ TAND Tối cao, chúng tôi đề xuất, trong quá trình điều tra, truy tố, cũng như xét xử, các CQTHTT cần phải căn cứ vào yếu tố “các bên có tồn tại việc vay mượn hay không” và “người thực hiện hành vi đã nhận được tiền hay chưa”.

Cụ thể, (i) nếu các bên có tồn tại việc vay mượn tiền, tài sản và chủ nợ chưa lấy được tiền, tài sản của con nợ như con nợ đã trả tiền mặt, chuyển khoản, giao tài sản cho chủ nợ... thì chỉ có thể xử lý người đòi nợ về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” (khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự). (ii) Nếu các bên có tồn tại việc vay mượn tiền và đã lấy được tiền, tài sản, thì chỉ xử lý về tội “Cưỡng đoạt tài sản” (Điều 170 Bộ luật Hình sự) hoặc tội “Cướp tài sản” (Điều 168 Bộ luật Hình sự), trên nguyên tắc thu hút tội danh là khi người thực hiện một hành vi nhưng thỏa mãn yếu tố cấu thành của nhiều tội khác nhau, thì chỉ xử lý theo tội danh có mức hình phạt nặng nhất, mà không xử lý thêm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”, theo tinh thần của Văn bản hướng dẫn nghiệp vụ số 233/TAND Tối cao-PC ngày 01/10/2019 của TAND Tối cao. (iii) Nếu giữa các bên không tồn tại quan hệ vay mượn tài sản, thì người thực hiện hành vi, không phân biệt đã lấy được tài sản hay chưa thì vẫn có thể bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” hoặc tội “Cướp tài sản” nếu thoả mãn các dấu hiệu cấu thành của các tội này.

Đồng thời, về lâu về dài để thống nhất trong việc xét xử, chúng tôi cho rằng TAND Tối cao cần có văn bản hướng dẫn đối với trường hợp “đòi nợ trái luật” theo hướng, phải xem con nợ cũng có một phần lỗi khi cố tình trốn tránh nghĩa vụ trả nợ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật của chủ nợ, từ đó cân nhắc xem xét giảm nhẹ đặc biệt mức hình phạt khi lượng hình cho các bị cáo. Mức hình phạt dành cho chủ nợ trong trường hợp này nên quy định tối đa chỉ bằng 1/2 mức hình phạt so với trường hợp phạm tội cướp, cưỡng thông thường.

Luật sư ĐẶNG XUÂN CƯỜNG

TAT LAW FIRM

https://lsvn.vn/di-doi-no-trai-luat-moi-noi-xu-mot-kieu-1700973518.html?fbclid=IwAR0o1KutY8KZOUhMhbLzcWI_xOE9H_sRIjoajx6nV-EuR0n_3K1mt5hjBac

Gửi bình luận: