ĐIỀU KIỆN THAM GIA BHXH TỰ NGUYỆN

06/16/2017 22:45:23 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Chị Nguyễn Thị Bích Liên ở tập thể 8/3 Phường Quỳnh Mai, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội có hỏi:

Tôi làm nghề kinh doanh tự do, có ý định tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp, để bù đắp về sau khi bị ốm đau và không còn khả năng lao động. Nhưng tôi chưa rõ chế độ hưởng lương hưu cũng như số tiền phải đóng như thế nào, nhờ Luật sư tư vấn.

Tôi xin trả lời câu hỏi của chị như sau:

Tại Điều 2 khoản 5 Luật Bảo Hiểm Xã Hội ngày 29/6/2006 và Điều 2 Nghị Định 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 Hướng dẫn một số điều của Luật Bảo Hiểm Xã Hội tự nguyện quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Nghị Định này là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc diện áp dụng của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng.

2. Cán bộ không chuyên trách cấp xã.

3. Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kể cả xã viên không hưởng tiền lương, tiền công trong các hợp tác xã, liên hợp hợp tác xã.

4. Người lao động tự tạo việc làm.

5. Người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã nhận bảo hiểm xã hội một lần.

6. Người tham gia khác.

Tại Điều 2 khoản 3 Luật bảo hiểm xã hội quy định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp như sau:

Người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng với người sử dụng lao động quy định tại khoản 4 Điều này.

Căn cứ vào quy định trên, thì chị chỉ được tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, chứ không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Về chế độ của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Điều 4 khoản 2 Luật bảo hiểm xã hội và Điều 3 Nghị Định 190/2007/NĐ-CP gồm:     

a) Hưu trí;   

b) Tử tuất;
Điều kiện hưởng lương hưu tại Điều 70 luật bảo hiểm xã hội quy định.
1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây;

a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;

b) Đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

2) Trong trường hợp nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá năm năm so với thời gian quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì được đóng tiếp cho đến khi đủ hai mươi năm.
Lương hưu sẽ được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt từng thời kỳ, theo công bố của Nhà nước. Khi hưởng lương hưu, chị cũng được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của BHXH.

Điều 100 Luật bảo hiểm xã hội quy định mức đóng và phương thức đóng của người lao động
1. Mức đóng hằng tháng bằng 16% mức thu nhập người lao động lựa chọn đóng bảo hiểm xã hội; từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 2% cho đến khi đạt mức là 22%.

Mức thu nhập làm cơ sở để tính đóng bảo hiểm xã hội được thay đổi tùy theo khả năng của người lao động ở từng thời kỳ, nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng hai mươi tháng lương tối thiểu chung.

2. Người lao động được chọn một trong các phương thức sau đây:

a) Hằng tháng;

b) Hằng quý;

c) Sáu tháng một lần.

Chị cần liên hệ với bộ phận tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm xã hội tự nguyện của phòng BHXH quận (hoặc huyện) nơi chị thường trú để được hướng dẫn cụ thể.