Ngăn chặn hàng giả: Doanh nghiệp chân chính chờ lá chắn pháp lý

07/10/2025 14:57:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

(PLO)- Các chuyên gia cảnh báo thủ đoạn "đăng ký trước" để kiện ngược doanh nghiệp thật và ma trận thực phẩm giả gây bệnh.

Tại tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp” do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 10-7, một thực trạng nhức nhối đã được các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp chỉ rõ.

Hàng giả, hàng nhái hiện nay không chỉ tinh vi hơn mà còn được "hợp pháp hóa" bằng những thủ đoạn lách luật. Hậu quả của nó không chỉ gây điêu đứng cho các thương hiệu được xây dựng hàng chục năm mà còn là gánh nặng bệnh tật khủng khiếp đang đè lên xã hội.

"Bẫy pháp lý" và đòn tấn công truyền thông bẩn

Mở đầu tọa đàm, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, đại diện pháp lý cho Công ty CP Nhựa Bình Minh, đã đưa ra một lời cảnh báo đanh thép về một hình thức tấn công mới, nơi "cái giả đánh bại cái thật" một cách hợp pháp.

Theo ông Tú, thủ đoạn nguy hiểm này là việc một cá nhân hoặc tổ chức cố tình đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một thương hiệu đã có uy tín trên thị trường. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, họ quay ngược lại khởi kiện chính doanh nghiệp thật vì hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà họ nắm giữ trên giấy tờ.

"Trong một vụ việc chúng tôi bảo vệ, doanh nghiệp không chỉ bị đe dọa phải rút sản phẩm khỏi thị trường mà còn đối diện nguy cơ đứt gãy chuỗi phân phối và thiệt hại danh tiếng không thể đo đếm" - ông Tú dẫn chứng.

ngăn chặn hàng giả

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, đại diện pháp lý cho Công ty CP Nhựa Bình Minh. Ảnh: THUẬN VĂN

Gốc rễ của vấn đề, theo ông Tú nằm ở khoảng trống của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam khi vận hành theo nguyên tắc "nộp đơn trước được quyền trước" (first-to-file). Nguyên tắc này tỏ ra bất cập khi một thương hiệu đã được sử dụng ổn định và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi nhưng lại chậm chân trong việc đăng ký.

"Việc chỉ dựa vào thời điểm nộp đơn mà bỏ qua yếu tố sử dụng thực tế đang vô tình gây bất lợi cho doanh nghiệp thay vì bảo vệ sự sáng tạo và uy tín của thương hiệu" - ông Tú nhấn mạnh.

Ông cũng so sánh với hệ thống pháp luật của Mỹ, nơi ghi nhận nguyên tắc "sử dụng trước có quyền trước" (first-to-use) để chống lại tình trạng chiếm chỗ hợp pháp một cách phi đạo đức.

846e568aa3ad15f34cbc.jpgĐại biểu tham dự tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp” do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 10-7. Ảnh: THUẬN VĂN

Song song với đòn tấn công pháp lý là vũ khí truyền thông bẩn. Nhiều doanh nghiệp trở thành nạn nhân của các chiến dịch tung tin giả như tạo tài khoản mạng xã hội giả mạo, đăng clip cắt ghép sai sự thật. Hậu quả vô cùng nặng nề, đơn cử như một thương hiệu thực phẩm chức năng đã sụt giảm đến 40% doanh thu chỉ trong 2 tuần vì một thông tin thất thiệt trên TikTok.

Gánh nặng bệnh tật từ thực phẩm, thuốc giả

Nếu như cuộc chiến pháp lý đe dọa sự sống còn của doanh nghiệp thì ở một mặt trận khác, hàng giả, hàng nhái lại đang âm thầm tàn phá sức khỏe người dân.

Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM, đưa ra những con số báo động: Các bệnh không lây nhiễm hiện chiếm tới 74% tổng gánh nặng bệnh tật và là nguyên nhân của 80% số ca tử vong; tỉ lệ người bị tăng huyết áp chiếm tới 26,2%, đái tháo đường là 7,1%, và mỗi năm có thêm khoảng 185.000 ca ung thư mới.

Theo bác sĩ Diệp, một trong những nguyên nhân của thực trạng này chính là vấn nạn thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

Tác hại của thực phẩm, thuốc giả là vô cùng nghiêm trọng, có thể gây ngộ độc cấp tính, mạn tính hoặc âm thầm tích lũy độc tố gây ra các bệnh lý ác tính.

Bà dẫn chứng về độc tính của Borax (hàn the) có thể gây tổn thương gan, não, thận và nhắc lại vụ bê bối sữa chứa melamine từng khiến hàng trăm ngàn trẻ em mắc bệnh.

Bịt kẽ hở pháp lý, nâng cao nhận thức

Trước những thực trạng trên, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến nghị và giải pháp đồng bộ.

Về sở hữu trí tuệ, Luật sư Trương Anh Tú đề xuất luật pháp cần được sửa đổi theo hướng ghi nhận quyền ưu tiên dựa trên việc sử dụng thực tế, công khai và liên tục của nhãn hiệu, tương tự nguyên tắc "first-to-use" của Mỹ. Ngoài ra phải tăng cường giám sát động cơ của các chủ thể đăng ký hàng loạt nhãn hiệu ăn theo để ngăn chặn hành vi đầu cơ, chiếm đoạt.

Đưa ra góc nhìn, Luật sư Phạm Công Hùng, Nguyên Thẩm phán TAND Tối Cao, chỉ ra sự thiếu vắng quy định cụ thể về xử lý hàng nhái, để lại một "vùng xám" pháp lý tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là về sức khỏe cho người tiêu dùng.

Dù pháp luật hình sự đã có những chế tài rất nghiêm khắc để xử lý các loại hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm, phân bón... nhưng "hàng nhái" lại là một câu chuyện khác.

Hiện nay, các quy định của pháp luật hiện hành không có định nghĩa cụ thể hay chế tài xử lý vi phạm dành riêng cho hàng nhái. Trên thực tế, loại hàng này được hiểu là sản phẩm làm giống hoặc tương tự hàng chính hãng, nhưng không có nhãn hiệu hoặc dùng nhãn hiệu trái phép, và đặc biệt là thường có chất lượng thấp hơn hẳn so với hàng chính hãng.

Dù các cơ quan chức năng đang vận dụng quy định về hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì tại Nghị định 98 và Điều 192 của Bộ luật Hình sự để xử lý, luật sư Hùng cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được tận gốc vấn đề.

Từ thực trạng đó, Luật sư Phạm Công Hùng đề nghị các nhà làm luật cần sớm nghiên cứu để có cơ chế và chế tài xử lý riêng, phù hợp cho hành vi làm hàng nhái.

Một đề xuất đáng chú ý và mang tính xây dựng cao của luật sư Hùng là giải pháp sau xử lý. Theo đó, thay vì chỉ trừng phạt, pháp luật nên có hướng dẫn để những người từng sản xuất hàng nhái có cơ hội đăng ký chất lượng hàng hóa do mình làm ra theo đúng quy định của pháp luật.

ngan-chan-hang-gia 5.jpg

Toàn cảnh tọa đàm sáng 10-7. Ảnh: THUẬN VĂN

Việc sớm hoàn thiện khung pháp lý xử lý hàng nhái là yêu cầu cấp thiết, không chỉ để thị trường minh bạch hơn mà quan trọng nhất là để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trước những sản phẩm kém chất lượng, mở ra một hướng đi mới, hợp pháp cho các nhà sản xuất.

Về vai trò của quảng cáo, các doanh nghiệp Tọa đàm cũng đặt ra vấn đề thảo luận về sự cần thiết của việc hình sự hóa hành vi “tiếp tay quảng cáo sản phẩm giả” để tăng tính răn đe.

Thông qua tọa đàm, các ý kiến, kiến nghị sẽ được tổng hợp thành báo cáo gửi các cơ quan có thẩm quyền, nhằm hỗ trợ quá trình hoàn thiện chính sách, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch và bền vững.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, đại diện pháp lý cho Công ty CP Nhựa Bình Minh (theo Báo Pháp Luật TP. HCM)

Gửi bình luận:

hotline 0848009668