07/11/2025 16:39:32 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
(LSVN) - Việc luật hóa ba quyền then chốt từ Nghị quyết 42 - thu giữ, kê biên, hoàn trả tài sản bảo đảm – không chỉ là hợp thức hóa một chính sách đã thử nghiệm. Đó là một bước thể chế kịp thời, đưa pháp luật vượt ra khỏi vùng xám để hành động quyết liệt, nhằm giải đông dòng vốn tín dụng đang bị kẹt lại, giúp ngân hàng xử lý nợ xấu, doanh nghiệp hồi phục và nền kinh tế khơi thông trở lại.
Một nền kinh tế không đổ vỡ vì thiếu tiền, mà vì tiền không lưu thông. Khi nợ xấu không được xử lý, ngân hàng trở thành “kho chứa tài sản chết”, doanh nghiệp mất khả năng tiếp cận vốn, còn nền kinh tế giống như cơ thể bị nghẽn mạch, không thể tăng trưởng. Đó chính là “cục máu đông tín dụng” mà Nghị quyết 42 năm 2017 đã ra đời để chữa trị. Tuy nhiên, trong suốt thời gian tồn tại, nghị quyết này chỉ mang tính thí điểm, không có giá trị bắt buộc thi hành, khiến nhiều quyền năng được thừa nhận lại trở thành quyền hình thức.
Ảnh minh hoạ, Nguồn: Internet.
Thực tiễn cho thấy, ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm nếu bên vay vi phạm nghĩa vụ, nhưng khi xuống hiện trường thì bị ngăn cản, không được hỗ trợ, không có cơ chế cưỡng chế. Công an thường từ chối hỗ trợ, chính quyền địa phương thì bối rối, còn người vay cố thủ hoặc tẩu tán tài sản. Việc không có quy định mang tính ràng buộc khiến nhiều vụ thu giữ chỉ dừng ở mức… tuyên bố. Tài sản xuống cấp, giá trị sụt giảm, dòng vốn đóng băng. Pháp luật thiếu sức mạnh thực thi, thị trường mất tính kỷ luật.
Do đó, việc Quốc hội chính thức luật hóa ba nội dung cốt lõi của Nghị quyết 42 trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ ngày 15/10/2025) là bước ngoặt thể chế rất đáng chú ý. Điều 198a trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm, nhưng đồng thời lần đầu tiên quy định rõ điều kiện thực hiện: Hợp đồng thế chấp phải được công chứng, vi phạm phải được xác lập rõ ràng, thông tin phải được công bố công khai, và có sự giám sát từ phía chính quyền địa phương. Điều 198b bổ sung cơ chế kê biên tài sản đang dùng làm bảo đảm nếu người phải thi hành án có dấu hiệu chây ì, nhằm ngăn chặn thủ đoạn “né” thi hành án để tẩu tán. Đặc biệt, Điều 198c quy định quyền hoàn trả tài sản bảo đảm nếu tài sản chỉ bị kê biên như vật chứng, không bị tuyên tịch thu, qua đó chấm dứt tình trạng tài sản của ngân hàng bị “treo” suốt nhiều năm vì vướng vào vụ án hành chính, hình sự.
Ba điều luật này đã tạo nên một hành lang pháp lý chính danh, giúp ngân hàng không còn phải “xin phép” hay “lách luật” để thực hiện quyền đã được xác lập hợp pháp. Đây là bước tiến lớn về tư duy pháp quyền: Không chỉ khẳng định quyền sở hữu và quyền bảo đảm trong giao dịch dân sự - thương mại, mà còn khẳng định vai trò kiến tạo của Nhà nước pháp quyền trong việc bảo vệ dòng chảy của thị trường vốn.
Trong một vụ việc điển hình do TAT Law Firm trực tiếp hỗ trợ, ngân hàng là thân chủ có khoản vay hơn 90 tỉ đồng, được bảo đảm bằng nhà xưởng và thiết bị sản xuất của một doanh nghiệp thực phẩm nổi tiếng ở Đông Nam Bộ. Hợp đồng thế chấp đã công chứng, điều khoản thu giữ được thỏa thuận rõ ràng. Khi bên vay mất khả năng chi trả, ngân hàng tiến hành thu giữ theo Nghị quyết 42, nhưng doanh nghiệp đóng cửa, không hợp tác. Lực lượng hỗ trợ từ chối can thiệp, viện dẫn “không có quy định cưỡng chế”. Cuối cùng, ngân hàng buộc phải khởi kiện ra tòa, mất gần 5 năm mới thu hồi được tài sản – khi đó giá trị đã giảm hơn một nửa. Đó là ví dụ cho thấy: nếu không có pháp luật cưỡng chế thi hành, quyền được ghi nhận cũng chỉ là… lời hứa.
Một quyền nếu không có cơ chế thực hiện thì chỉ là quyền hình thức. Sự ra đời của Luật sửa đổi không chỉ để giải quyết vài trường hợp cụ thể – mà để dọn đường cho một thị trường tín dụng vận hành minh bạch, có kỷ luật. Nếu quyền thu giữ được luật hóa nhưng các cơ quan thi hành án, chính quyền địa phương, công an không sẵn sàng phối hợp, thì quyền đó vẫn sẽ bị “treo”. Pháp luật có thể trao quyền, nhưng người thực thi phải dám dùng quyền, hiểu đúng quyền và chịu trách nhiệm với quyền ấy. Muốn vậy, cần tái đào tạo pháp chế trong nội bộ ngân hàng, chuẩn hóa quy trình liên ngành, và đặc biệt là tinh thần phối hợp hành động thay vì đùn đẩy.
Tuy ủng hộ mạnh mẽ việc luật hóa các quyền trên, tôi cho rằng cần kiểm soát kỹ cơ chế thực thi, đặc biệt là quyền thu giữ và kê biên tài sản. Trong quá trình thực hiện, dễ phát sinh lạm quyền nếu: Hợp đồng không rõ, hoặc bị ngân hàng soạn sẵn, bên vay yếu thế; Tài sản thu giữ vượt quá phạm vi bảo đảm; Việc “công bố công khai” không được giám sát đúng cách, ảnh hưởng đến danh dự và hoạt động của doanh nghiệp đang khó khăn.
Pháp luật không thể chỉ là công cụ bảo vệ chủ nợ, mà còn phải đảm bảo nguyên tắc cân bằng quyền lợitrong quan hệ dân sự. Việc thu giữ cần có sự chứng kiến của đại diện chính quyền, ghi nhận toàn bộ diễn biến bằng văn bản hoặc hình ảnh, tránh xung đột và phản ứng tiêu cực từ doanh nghiệp hoặc người dân.
Bài viết thuộc chuyên mục “Góc nhìn Luật sư” – Tạp chí Luật sư Việt Nam
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực pháp lý doanh nghiệp, tài chính ngân hàng và cải cách thể chế. Ông từng tư vấn cho nhiều ngân hàng lớn, doanh nghiệp FDI và tham gia góp ý xây dựng chính sách pháp luật quan trọng. Hiện là Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ
Chủ tịch TAT Law Firm
10/08/2024 11:30:00
07/11/2025 10:19:00
07/10/2025 14:57:00