ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

06/16/2017 22:42:44 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, ở Đống Đa - Hà Nội có hỏi: 

Ngày 07/06/2010 công ty TNHH Đại Dương do tôi là Giám đốc có ký Hợp đồng lao động với chị Đỗ Thị Thơm, thời hạn 01 năm. Cho đến nay chị Thơm làm việc được gần 06 tháng nhưng chị hay đi muộn về sớm, thường xuyên không hoàn thành báo cáo công việc hàng tháng, làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh hoạt động của cả công ty. Nay anh muốn cho chị Thơm nghỉ việc luôn có được không? 

Vấn đề của anh Tuấn, chúng tôi xin được trả lời như sau: “…Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động quy định:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng…”

Theo hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 12, Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 09/05/2003 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về Hợp đồng lao động thì: “Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động là không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng, mà sau đó vẫn không khắc phục. Mức độ không hoàn thành công việc được ghi trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động của đơn vị”.

Như vậy, trong trường hợp Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc, thì Người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với người đó. Tuy nhiên, việc xác định Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng phải đúng pháp luật. Cụ thể là phải đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:

-    Người lao động không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao;

-    Người lao động có lỗi;

-    Người lao động bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng, mà sau đó vẫn không khắc phục.

Chỉ khi nào Người lao động đáp ứng đủ 03 điều kiện trên, Người sử dụng lao động mới có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với Người lao động. Và Người sử dụng lao động phải đảm bảo thời hạn báo trước với Người lao động quy định tại khoản 3, Điều 38 BLLĐ.

Áp dụng đối với trường hợp của anh Tuấn: Anh Tuấn có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ với chị Thơm với lý do “Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng”.  Tuy nhiên, trước đó anh phải lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng với chị Thơm và chứng minh được việc chị vẫn không khắc phục.

Ngoài ra, anh Tuấn còn phải đảm bảo thời gian báo trước cho chị Thơm. Hợp đồng của công ty  với chị Thơm cơ thời hạn 01 năm, nên áp dụng điểm b, khoản 3, Điều 38 BLLĐ  thì anh Tuấn phải báo trước cho chị Thơm ít nhất 30 ngày.

Luật sư Trương Anh Tú