08/15/2021 10:02:01 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Bước sang tháng 7 âm lịch - Tháng cô hồn, theo thông lệ đây là tháng diễn ra nhiều hoạt động tâm linh trong tập quán của người Việt. Tuy nhiên, tại thời điểm giãn cách như hiện nay việc sắm lễ cho những hoạt động này là không hề dễ dàng.
Phố Hàng Mã (Hà Nội) trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16 - Ảnh Đăng Khoa
Mùa lễ Vu Lan năm nay, phố Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội chứng kiến cảnh “trầm lắng” chưa từng thấy khi gần như toàn bộ các cửa hàng kinh doanh đều đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội. Từ xưa đến nay, phố Hàng Mã luôn được coi là trung tâm buôn bán vàng mã phục vụ cho mục đích tâm linh của người dân vào các dịp lễ lớn trong năm.
Dạo một vòng quanh phố Hàng Mã, hầu hết các cửa hàng kinh doanh vàng mã đều đã đóng cửa. Chỉ có lác đác vài cửa hàng mở hé cửa để dọn dẹp.
Một cửa hàng kinh doanh đang dọn hàng.
Một số cửa hàng đóng cửa dán thông báo “Ai lấy hàng gọi điện thoại 0984.xxx.xxx”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, dù liên hệ theo số điện thoại để đặt mua vàng mã cũng không hề dễ. Theo chia sẻ của một số hộ kinh doanh vàng mã tại Hà Nội, hiện nay thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc ra đường không cần thiết sẽ đồng nghĩa với vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Mặt hàng vàng mã trong vài năm nay được hoàn thiện rất tốt và hợp thời.
Trao đổi với Thời Đại, chị Nguyễn Thị T. Chủ cửa hàng Hương cổ truyền Phú Cường (Tây Hồ, Hà Nội) một người có nhiều năm sản xuất và kinh doanh vàng mã cho biết: "Hiện tại của hàng vẫn sản xuất nếu có khách đặt hàng, do giãn cách nên cơ sở chỉ sử dụng nhân sự tại chỗ. Nhờ có máy móc hiện đại các mặt hàng vàng mã trong những năm gần đây khá đẹp và giống thật".
Tuy nhiên, chị T cũng chia sẻ, dù khách có đặt vàng mã thì cửa hàng cũng rất khó vận chuyển cho khách. Hiện tại, vẫn chưa có cách thức nào để vận chuyển mặt hàng này nên khách chỉ có thể đến lấy trực tiếp. Khi giao hàng sẽ đảm bảo các yếu tố phòng dịch cần thiết.
Một cửa hàng dán thông báo trên cánh cửa đóng kín.
Còn cánh shiper chia sẻ, họ chỉ phục vụ những điểm bán hàng hoá tiêu dùng thiết yếu tại hệ thống chợ truyền thống và siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội. Còn với vàng mã để làm lễ thì rất khó.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo công an phường Hàng Mã cho biết: “Những ngành hàng không có trong danh mục theo công điện của Thành phố thì không được kinh doanh. Và vàng mà thì không có trong danh mục này, cũng không phải mặt hàng thiết yếu. Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị cũng thường xuyên nhắc nhở, vận động bà con nghiêm túc thực hiện theo đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là với những hộ kinh doanh vàng mã vì nhu cầu mua sắm đồ lễ trong tháng 7 âm lịch thường rất cao”.
Quang cảnh tiêu điều trên phố Hàng Mã.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ngày 9/8, Thời Đại đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Xuân Cường (Công ty TAT Law firm). Theo luật sư Cường: “Những hoạt động đốt vàng mã trong tháng 7 (Âm lịch) phục vụ tín ngưỡng tâm linh, phù hợp với hoạt động tín ngưỡng của dân tộc. Tuy nhiên, việc kinh doanh những mặt hàng vàng mã như vậy được đánh giá không phải các mặt hàng thiết yếu. Bởi chúng ta phải có một nhận thức chung rằng mặt hàng thiết yếu phải là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ của người dân”.
“Cần phải xác định đây là mặt hàng không thiết yếu. Và việc không kinh doanh mặt hàng này trong thời điểm hiện tại phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Mọi người dân trong xã hội cần phải vì lợi ích chung, không chỉ vì những lợi ích trước mắt để làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch covid-19 nói chung” – Luật sư Cường nhấn mạnh.
Tạp chí Thời đại
(- PV Đăng Khoa)
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50