06/19/2025 08:59:53 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
(LSVN) - Tại Tòa án nhân dân quận 7, TP. Hồ Chí Minh, một vụ kiện dân sự - thương mại giữa một khách hàng cá nhân và một doanh nghiệp phân phối thiết bị gia dụng cao cấp đang đặt ra những vấn đề pháp lý có tính chất điển hình, xoay quanh khái niệm “xuất xứ hàng hóa”, quyền của người tiêu dùng và trách nhiệm thực hiện đúng hợp đồng. Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng ngày càng đề cao sự minh bạch và trải nghiệm cao cấp, vụ việc này không chỉ phản ánh một xung đột pháp lý, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về niềm tin trong giao kết dân sự – thương mại.
Theo nội dung hợp đồng, người mua đã chi hơn 700 triệu đồng để sở hữu các thiết bị nhà bếp thuộc thương hiệu Miele là thương hiệu thiết bị gia dụng cao cấp đến từ Đức, nổi tiếng toàn cầu với chuẩn mực khắt khe về chất lượng, thiết kế và độ bền. Trong số sản phẩm được giao có ba thiết bị trọng điểm: Tủ mát, tủ cấp đông và máy rửa chén G4940I. Hợp đồng thể hiện rõ rằng các sản phẩm này có xuất xứ từ EU. Tuy nhiên, khi nhận hàng, người mua phát hiện cả ba sản phẩm đều mang tem xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu.
Không chỉ khác biệt về xuất xứ, ba thiết bị này còn thiếu các phụ kiện như tay nắm cửa, miếng ốp mặt trước – những chi tiết tưởng nhỏ nhưng lại góp phần quan trọng trong hoàn thiện tính năng thẩm mỹ và công năng sử dụng. Phía doanh nghiệp lập luận rằng “Miele EU” là cách định danh thương hiệu, không nhất thiết là cam kết về nơi sản xuất cụ thể. Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường và căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, việc thể hiện “xuất xứ từ EU” trong hợp đồng phải được hiểu là ràng buộc trách nhiệm giao hàng đúng nguồn gốc. Đặc biệt, khi hợp đồng không hề có điều khoản giải thích nội dung này, thì mọi sự ngụy biện theo hướng “hiểu linh hoạt” đều có nguy cơ bị coi là gian dối hoặc vi phạm nguyên tắc trung thực trong thương mại.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Đối với người tiêu dùng như bà L., việc lựa chọn sản phẩm Miele không chỉ đơn thuần là mua một thiết bị gia dụng, mà là một sự đầu tư cho chất lượng sống, gắn với kỳ vọng về độ bền, thẩm mỹ, độ chính xác và hiệu suất sử dụng theo tiêu chuẩn Đức – tiêu chuẩn châu Âu. Khi kỳ vọng ấy bị phá vỡ, không phải chỉ là thiệt hại tài chính, mà còn là tổn thương về niềm tin – điều mà pháp luật hiện đại ngày càng xem trọng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp không chỉ vi phạm cam kết về xuất xứ mà còn không thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng từ thanh toán và bảo hành, làm phát sinh tranh chấp về cả trách nhiệm hợp đồng lẫn quyền bảo vệ người tiêu dùng.
Tại phiên tòa, người mua không chỉ từ chối thanh toán phần còn lại mà còn đưa ra các yêu cầu phản tố. Đó là yêu cầu xử phạt vi phạm hợp đồng do giao hàng không đúng thỏa thuận, yêu cầu hoàn trả số tiền đã đặt cọc cho một sản phẩm khác mà phía doanh nghiệp không giao hàng, yêu cầu doanh nghiệp mua lại ba sản phẩm sai xuất xứ đã giao với mức giá tương xứng với giá trị thực tế, yêu cầu bồi thường chi phí pháp lý, tổn thất danh dự và đặc biệt là yêu cầu bồi thường phần lãi vay tương đương với số tiền bị chiếm dụng trong thời gian kéo dài hơn ba năm. Tổng giá trị phản tố được xác lập là hơn một tỉ đồng.
Điểm đáng lưu ý là một bản án phúc thẩm trước đó cũng đã xác định rằng giá trị sản phẩm sẽ có sự khác biệt nếu không được sản xuất tại Đức – quốc gia đại diện cho chất lượng đỉnh cao của thương hiệu Miele. Tòa án công nhận rằng việc giao hàng sản xuất tại nước thứ ba là một yếu tố đủ để xem xét điều chỉnh giá trị và quyền từ chối thực hiện tiếp nghĩa vụ hợp đồng.
Từ vụ việc này, có thể rút ra ba bài học pháp lý quan trọng. Thứ nhất, doanh nghiệp không thể dùng sự mơ hồ hoặc quảng cáo mang tính cảm tính để thay thế cho nghĩa vụ hợp đồng. Một khi hợp đồng ghi nhận “xuất xứ EU”, đó phải là nghĩa vụ ràng buộc cụ thể về nguồn gốc sản xuất, không thể diễn giải thành “thuộc thương hiệu EU”. Thứ hai, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào đúng những gì đã được mô tả – và khi kỳ vọng bị phá vỡ, quyền phản tố và yêu cầu bồi thường cần được xem là hệ quả tự nhiên trong quan hệ dân sự. Thứ ba, các yếu tố “nhỏ” như thiếu phụ kiện, thiếu hóa đơn hay chậm cung cấp chứng từ bảo hành có thể làm phát sinh những hệ quả pháp lý “lớn”, đặc biệt trong bối cảnh người mua thuộc nhóm khách hàng cao cấp và sản phẩm thuộc phân khúc đặc thù.
Thị trường thiết bị cao cấp ngày càng phát triển tại Việt Nam, kéo theo yêu cầu cao hơn về chuẩn mực cam kết, trách nhiệm thực hiện và kỹ năng pháp lý trong thương mại. Vụ kiện tại Tòa án nhân dân Quận 7 là một ví dụ điển hình cho thấy ranh giới giữa sự nhập nhằng trong kinh doanh và vi phạm pháp luật là rất mong manh - và rằng, khi người tiêu dùng sẵn sàng trả một khoản tiền lớn để đổi lấy sự yên tâm, pháp luật phải đồng hành để bảo vệ chính sự yên tâm ấy.
Luật sư MAI THẢO
Phó Giám đốc TAT Law Firm
10/08/2024 11:30:00
06/20/2025 14:08:00
06/20/2025 14:01:22
06/19/2025 09:18:13