Gỡ rối thủ tục khai sinh khi có con với người khác nhưng chưa ly hôn chồng

05/21/2022 09:17:31 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ gửi tới các Sở Tư pháp để gỡ rối trường hợp người phụ nữ có con với người khác khi chưa ly hôn chồng.

Gỡ rối thủ tục khai sinh khi có con với người khác nhưng chưa ly hôn chồng

Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực vừa có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ gửi tới các Sở Tư pháp để gỡ rối trường hợp người phụ nữ có con với người khác khi chưa ly hôn chồng.

Theo chia sẻ của luật sư Mai Thảo, Phó giám đốc TAT Law Firm, vào năm 2018, anh N.V.T quen và nảy sinh tình cảm với chị B.T.D ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Sau một thời gian tìm hiểu, cả hai chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 2020, chị D sinh con nhỏ.

Đến tháng 3/2021, anh T và chị D đăng ký kết hôn tại UBND xã Ngọc Tảo. Sau khi đăng ký kết hôn, chị D tiến hành khai sinh cho con nhưng gặp nhiều khó khăn do thủ tục phức tạp.

Trong khi đó, trước khi chung sống với nhau như vợ chồng, có con, anh T cũng đã có vợ và chị D cũng đang có chồng. Sau đó, năm 2021, anh T mới ly hôn vợ và chị D cũng ly hôn chồng. Chị D sinh con với anh T trong thời gian vẫn còn quan hệ vợ chồng với chồng cũ nên UBND xã Ngọc Tảo hướng dẫn cần phải có xác nhận của Tòa án huyện Lạc Sơn, Hòa Bình về việc cháu nhỏ không phải con của anh T thì mới giải quyết.

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Mai Thảo, Phó giám đốc TAT Law Firm cho biết, vụ việc của cháu nhỏ như trên không phải là vụ việc xảy ra hy hữu trên thực tế. Hiện nay có rất nhiều em bé rơi vào hoàn cảnh này. Pháp luật Việt Nam quy định trẻ em sinh ra trong mọi hoàn cảnh đều có quyền đăng ký khai sinh và được cấp giấy khai sinh. Nhà nước đảm bảo quyền được đăng ký khai sinh cho trẻ em, do đó cần thiết phải giải quyết tốt quyền lợi của trẻ em, cụ thể là quyền được khai sinh.

Theo quy định pháp luật, tại thời điểm bé N.T.A được sinh ra khi chị D chưa ly hôn với chồng nên cháu A vẫn được xác định là con chung giữa chị D và chồng cũ, cho dù trước đó chị D và chồng đã ly thân từ lâu và có kết quả xét ADN cháu A có quan hệ huyết thống với anh T.

Tuy nhiên, tại bản án ly hôn giữa chị D và chồng cũ lại xác định giữa 2 người chỉ có 01 con chung là cháu H (SN 2012) mà không có bé A. Điều này là chưa phù hợp và chính xác, bởi lẽ về nguyên tắc pháp luật ghi nhận cháu A là con chung giữa chị D và chồng cũ. Nếu chồng cũ thừa nhận cháu A không phải là con chung của mình với vợ thì phải yêu cầu TAND xác định cháu A không phải là con mình thông qua thủ tục tố tụng dân sự.

Nghĩa là cho dù cháu A là con của chồng cũ hay không phải cũng cần phải được ghi nhận tại bản án ly hôn giữa chị D và chồng cũ. Vì vậy, để giải quyết triệt để vụ việc trên, cần thiết phải hủy 01 phần bản án ly hôn cũ giữa chị D và chồng cũ liên quan đến phần xác định con chung, con riêng.

Theo đó, chị D cần phải làm Đơn đề nghị xem xét tái thẩm vụ án ly hôn giữa chị và chồng cũ, do có tình tiết mới: “Cháu A được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, xác định cháu A không phải là con chồng cũ”. Từ đó, Tòa án sẽ có căn cứ hủy một phần bản án ly hôn giữa chị D và chồng cũ, xác định cháu A không phải là con của chồng cũ.

Trên cơ sở đó, anh T có thể thông qua vụ án này yêu cầu Tòa án xác định bé A là con của mình. Thông qua xét nghiệm ADN giữa anh T và cháu A, lời khai giữa các bên, Tòa án sẽ xác định cháu A là con của anh T trong bản án ly hôn giữa chị D và chồng cũ.

Anh T và chị D cầm theo Bản án của Tòa có nội dung xác định cháu A là con của hai người gửi cho UBND xã để đăng ký khai sinh và làm thủ tục nhận cha con với cháu A.

Như vậy, pháp luật quy định đối với những vụ việc con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng không phải là con ruột thì khi đăng ký khai sinh cho các bé với thông tin của cha đẻ bé thì phải có xác nhận của Tòa án nhân dân về việc xác định không phải cha con của người chồng cũ. Việc giải quyết này là khá phức tạp và mất rất nhiều thời gian, trong khi việc đăng ký khai sinh cho các bé phải kịp thời để đảm bảo tốt đa quyền lợi cho các bé.

Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ tư pháp đã có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ gửi tới các Sở tư pháp để gỡ rối vấn đề này. Cụ thể, Sở tư pháp hướng dẫn UBND xã vận dụng linh hoạt quy định của Luật hộ tịch và các nghị định hướng dẫn để giải quyết việc nhận cha, mẹ, con trong những trường hợp này, trong hồ sơ phải có kết quả xét nghiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng minh quan hệ cha con, từ đó tiếp nhận và giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh cho các bé gộp với thủ tục nhận cha cho con.

Với quy định nhân văn này đã giúp cho việc đăng ký khai sinh và nhận cha con trở nên dễ dàng, thuận tiện và kịp thời cho các con có cơ hội được cấp giấy khai sinh, giúp cho việc học tập, quản lý nhân khẩu thuận tiện hơn. Theo hướng dẫn của Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Vụ việc của cháu A cũng sẽ có cơ hội được đăng ký khai sinh trực tiếp tại UBND xã, phường mà không phải thông qua thủ tục tại Tòa.

Báo Pháp luật xã hội

(- PV Công Phương)

https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/go-roi-thu-tuc-khai-sinh-khi-co-con-voi-nguoi-khac-nhung-chua-ly-hon-chong-290290.html?fbclid=IwAR265VFJLb1PCOz-koNHHFvVbAnbXAYFscRv9TO5z-5WMmCipJCje0oZ5J4

Gửi bình luận:

hotline 0848009668