Hà Nội khó quản lý nhà chung cư (KỲ III): Có "yên tâm" để chủ đầu tư tự quản?

12/11/2020 09:01:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Nội chiến chung cư bởi lỗ hổng từ Ban quản trị, thế nhưng đề xuất để chủ đầu tư tự quản lý cũng không được khách hàng hoan nghênh.

Các chuyên gia và khách hàng cho rằng việc để chủ đầu tư tự quản lý sẽ là "thảm họa" (ảnh: cư dân chung cư Artemis phản đối chủ đầu tư)

Trong bối cảnh tranh chấp chung cư xảy ra mạnh mẽ, các mô hình quản lý chung cư hiện tại đã để lộ nhiều yếu điểm. Từ việc quản lý vận hành chung cư, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, phí dịch vụ, sổ hồng... đều trở thành những "ngòi nổ" tranh chấp tại các chung cư trên địa bàn Hà Nội.

Trước thực trạng này, Bộ Xây dựng cũng đã từng có đề xuất về việc có thêm mô hình cho chủ đầu tư tự quản lý nhà chung cư. 

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, các trách chấp chung cư hiện chủ yếu đến từ việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, bất đồng về đóng góp, kinh phí vận hành, thu chi tài chính của ban quản lý chung cư... Nguyên nhân sâu xa là bởi các quy định pháp luật chưa đầy đủ vào thời điểm nộp kinh phí bảo trì quy định chuyển tiếp hợp đồng mua nhà, chưa có quy định về kinh phí bảo trì sở hữu chung và phòng sinh hoạt cộng đồng.

Bên cạnh đó, ban quản trị đại diện cho cư dân không phải từ những người có chuyên môn, kinh nghiệm và số tiền quỹ bảo trì cũng như kinh phí dịch vụ lớn dẫn đến các tư lợi cá nhân mà quy định hiện hành không đủ sức răn đe.

Để chủ đầu tư tự quản lý chung cư bị cư dân và các chuyên gia lo ngại làm gia tăng tranh chấp (ảnh: Cư dân EcoLife Capitol biểu tình phản đối chủ đầu tư)

Bộ Xây dựng cũng kỳ vọng, để chủ đầu tư tự quản lý chung cư trở thành một lựa chọn khác cho cư dân.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành, mô hình nào cũng có ưu, nhược điểm. Trường hợp chủ đầu tư đủ năng lực, có giấy phép của Bộ Xây dựng, có mong muốn quản lý chung cư đó thì cũng có thể đề xuất giao chủ đầu tư quản lý. Bởi lẽ, bản thân họ sẽ hiểu rất rõ về tòa nhà, quản lý sẽ tốt hơn. Tất nhiên việc này cần lấy ý kiến cư dân, cư dân đồng ý mới được.

Tuy nhiên, về phía cư dân tại nhiều dự án trên địa bàn Hà Nội tỏ ra quan ngại với phương án này. Nhà chung cư là sở hữu của cư dân, cư dân có quyền thực hiện quyền sở hữu của mình đối với dự án. Trong khi đó, chủ đầu tư là một pháp nhân có đặc thù riêng là kinh doanh bất động sản, luôn chạy theo lợi nhuận, theo đuổi lợi nhuận. 

Suy cho cùng thì các tranh chấp phần lớn đến từ chủ đầu tư và cư dân, do đó cần có đơn vị quản lý để vận hành tòa nhà theo các nhu cầu của người dân. Các đơn vị quản lý yếu kém có thể được cư dân bãi nhiệm và tìm kiếm đơn vị mới. Còn đối với chủ đầu tư, việc để họ tự quản lý dự án sẽ dễ gây nên việc chiếm dụng diện tích chung, gây căng thẳng chung cư cao hơn nữa.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, cũng cho rằng, hầu hết những tranh chấp chung cư đã xảy đều xuất phát từ nguyên nhân do chủ đầu tư luôn muốn tối đa hóa lợi nhuận. Với phương án để các chủ đầu tư tự quản đối với khu dân cư. Điều này rất có thể sẽ khiến các mâu thuẫn chung cư bùng phát và nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Theo luật sư Trương Anh Tú, nguồn gốc của mọi xung đột hiện nay đến từ nhiều lý do, nhưng khó có thể chối bỏ nguyên nhân cơ bản đến từ sự tối đa hóa lợi ích của chủ đầu tư, bất chấp lợi ích người mua nhà và khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện.

"Các cơ quan nhà nước cần mạnh tay xử lý sai phạm của chủ đầu tư, ban quản trị, để lập lại trật tự trong việc quản lý nhà chung cư. Bên cạnh đó, trước khi mua nhà, người dân cũng nên tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư, dự án, đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng để lường trước những rủi ro có thể xảy ra" - vị luật sư cảnh báo.

Diễn đàn Bất động sản (- PV Lam Châu)

http://diendanbatdongsan.vn/vi/tin-tuc/ha-noi-kho-quan-ly-nha-chung-cu-ky-iii-co-yen-tam-de-chu-dau-tu-tu-quan

Gửi bình luận: