07/11/2017 16:02:22 / Đăng bởi Anh Tú / (0) Bình luận
Cảnh báo giả để “câu like”
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội thường xuất hiện các đoạn clip ghi lại hình ảnh người dân giữ, hành hung người bị nghi bắt cóc trẻ em. Gần đây nhất, một vụ việc xảy ra sáng 5/7 tại thôn 8 Tân Phong (phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình).
Người dân vây bắt, hành hung 2 thanh niên lạ mặt khiến một người nhập viện ở Quảng Bình.
Theo thông tin báo chí đã đăng tải, phát hiện 2 thanh niên lạ mặt xuất hiện tại khu vực nói trên, người dân thấy nghi vấn đã hô hoán có người bắt cóc trẻ em. Nhiều người dân liền lao ra và vây quanh 2 người lạ mặt. Không lâu sau, hàng trăm người hiếu kỳ trên địa bàn kéo nhau đến theo dõi sự việc.
Do bức xúc vì nghĩ rằng 2 thanh niên này chính là người bắt cóc trẻ con, một số người thiếu kiềm chế đã lao vào hành hung. Công an phường Quảng Phong sau đó đã có mặt, phối hợp với Công an thị xã Ba Đồn giải cứu 2 người bị đánh khỏi vòng vây của người dân.
Quá trình làm việc, Công an thị xã Ba Đồn bước đầu xác định, thông tin nói 2 thanh niên trên bắt cóc trẻ em là hoàn toàn bịa đặt và sai sự thật.
Trước tình trạng trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Theo phân tích của luật sư Tú, khi nghi vấn có người có hành vi bắt cóc trẻ em, phản ứng của người dân phản ánh trách nhiệm xã hội của người dân.
“Họ đã không bàng quan, vô cảm trước hành vi nghi phạm tội nhắm vào trẻ em, đó là một việc đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vì phẫn nộ đối với tội phạm nhắm vào trẻ em, người dân đã có phản ứng tiêu cức bằng cách hành hung hai người bị tình nghi.
Sự việc xảy ra là đáng tiếc, một phần xuất phát từ những thông tin cảnh báo bắt cóc giả mạo để câu like trên mạng xã hội, làm cho người dân bất an, dẫn tới phản ứng tự xử khi bắt được đối tượng tình nghi.” - luật sư Trương Anh Tú phân tích.
Có thể bị xử lý hình sự
Theo luật sư Tú, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền cho người dân được rõ, khi bắt được đối tượng tình nghi phạm tội, họ phải ngay lập tức giao cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý, tuyệt đối không có hành vi tự xử lý, hành hung đối tượng.
Luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
“Nếu không giao nộp cho cơ quan công an mà giữ lại, hành hung, gây mất trật tự công cộng, người dân có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: xâm hại sức khỏe người khác theo điểm e Khoản 3; lôi kéo hoặc kích động người khác làm mất trật tự công cộng theo điểm b Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, cùng có mức phạt từ 2 đến 3 triệu đồng.
Người dân cũng có thể bị xử phạt hành chính về hành vi tụ tập đông người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng, có mức xử phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng theo điểm d Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Trường hợp hành vi của người dân là nghiêm trọng, tùy theo tính chất vụ việc, người dân có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự; tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245; tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 hoặc tội “Giết người” theo Điều 93, “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo Điều 95 Bộ luật Hình sự.” - Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú nhận định chi tiết.
Theo luật sư Tú, người dân cần tiếp tục phát huy tinh thần cảnh giác, phối hợp với cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm. Tuy nhiên, mọi người không nên tự xử, hành hung các đối tượng bắt được vì tình nghi phạm tội. Trường hợp chặn bắt được các đối tượng tình nghi, người dân cần giao các đối tượng cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc giữ đối tượng được an toàn và báo cơ quan chức năng đến giải quyết.
“Người dân cần kiềm chế, không vì quá bức xúc với hành vi của các đối tượng tình nghi mà nảy sinh việc bất hợp tác với cơ quan chức năng, xâm hại tính mạng, sức khỏe của người bị tình nghi phạm tội khi bắt giữ.” - luật sư Trương Anh Tú cho hay.
Đối với những người dân quay clip, chụp ảnh rồi phát tán trên mạng xã hội, theo luật sư Tú, những người này đã vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh của người bị quay phim, chụp ảnh theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Dân sự.
“Trong mọi trường hợp, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nhà nước nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Người nào xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại theo quy định Bộ luật Dân sự.” - luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.
Tiến Nguyên - Báo Dantri.com
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50