Hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

08/17/2023 10:15:07 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Chiều 15.8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội – 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận cho ý kiến về sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và chương trình phát triển nhà ở, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; nhà lưu trú công nhân và nhà ở xã hội; thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở…

Theo các đại biểu, chính sách nhà ở xã hội được áp dụng một cách hiệu quả và thực tế thì cần thiết có một hệ thống chính sách pháp luật phù hợp. Nhà ở xã hội là nhà ở dành cho người mua với các điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, trong Điều 73 của dự thảo Luật chưa có sự tập trung đầy đủ vào việc đáp ứng nhu cầu của những người không có khả năng mua nhà thương mại.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba phát biểu

Vì vậy, cần thiết phải mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở xã hội và các đối tượng theo quy định từ khoản 1 đến khoản 13 Điều 73 dự thảo Luật sẽ được ưu tiên. Để có chính sách phát triển nhà ở xã hội đồng bộ và phù hợp với tình hình kinh tế xã hội đất nước, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần có các giải pháp chú trọng đến chính sách ưu đãi về đất đai và quy hoạch tạo tiền đề thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Tại khoản 2 Điều 14 dự thảo Luật hiện đang quy định theo hướng thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở đòi hỏi phải có đủ cả hai điều kiện: đã nhận bàn giao nhà ở và đã thanh toán đủ tiền mua, thuê mua nhà ở. Quy định như vậy có phần không tương thích với các quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và sẽ tạo sự phức tạp, khó khăn cho quá trình thực hiện, ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của bên mua, bên thuê mua nhà ở. Để phù hợp với quy định của các luật khác có liên quan, một số ý kiến đề nghị xem xét sửa đổi thành “Trường hợp mua bán nhà ở, thuê mua nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua hoặc đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Cũng có ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung thêm các loại hình nhà ở khác như: nhà ở dành cho đối tượng là sinh viên trong các cơ sở đào tạo đại học và các cơ sở đào tạo nghề có quy mô lớn; loại hình văn phòng kết hợp với nhà ở; nhà phố thương mại (shophouse).

Phát biểu kết luận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, khoa học của các đại biểu, chuyên gia. Đồng thời cho biết, Ủy ban Pháp luật và Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ, tổng hợp đầy đủ những đóng góp, tham luận của các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng cao nhất.  

Daibieunhandan.vn

(- PV Minh Trang)