KHÔNG ĐỂ CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT "NẰM TRÊN GIẤY"

07/09/2025 14:22:28 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

dienhong-bai3-1-1.jpg

Ông đánh giá như thế nào về thông điệp được nhấn mạnh trong bài viết: “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình” của Tổng Bí thư Tô Lâm?

Theo tôi, bài viết là một thông điệp chỉ đạo rất đúng thời điểm, tạo khí thế mới cho toàn bộ hệ thống. Điểm cốt lõi là pháp luật không chỉ là công cụ quản lý xã hội mà phải trở thành động lực, tạo niềm tin và trật tự cho sự phát triển. Việc Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu “đột phá” về xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thực thi pháp luật cho thấy lãnh đạo đã nhìn nhận đúng một thách thức lớn: thể chế phải theo kịp thực tiễn và dẫn dắt thay đổi, không thể chỉ chạy theo để vá lỗi. Tôi cho rằng, đây cũng là tín hiệu cho thấy cải cách thể chế sắp tới sẽ đi vào chiều sâu hơn, chú trọng chất lượng chứ không chỉ số lượng.

Nhìn từ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, ông thấy tinh thần đổi mới trong công tác lập pháp được thể hiện như thế nào?

Tôi quan sát kỳ họp này với nhiều cảm xúc tích cực. Dù khối lượng công việc rất lớn, nhiều luật có tính nền tảng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản… được đưa ra bàn thảo và điều chỉnh kỹ lưỡng. Đặc biệt, quá trình thảo luận đã phản ánh rõ sự cầu thị: đại biểu Quốc hội không ngại tranh luận, phản biện, đặt vấn đề từ thực tiễn, không sa đà vào lý luận suông. Tinh thần đổi mới tôi thấy rõ ở chỗ: lập pháp đã bắt đầu gắn chặt với giám sát thi hành, thay vì coi xong là xong. Đây là tín hiệu rất quan trọng cho một nền pháp luật thực chất, khả thi.

Dưới góc độ chuyên gia, ông nhìn nhận đâu là nút thắt lớn nhất khiến một số luật ở Việt Nam nhanh chóng phải sửa đổi sau khi ban hành?

Thực ra đây là bài toán nan giải của nhiều quốc gia đang phát triển, nhưng ở ta, có mấy điểm rất rõ: một là khâu khảo sát, đánh giá tác động chính sách chưa làm kỹ; hai là tham vấn cộng đồng doanh nghiệp, người dân đôi khi còn hình thức; ba là văn bản hướng dẫn thi hành thường chậm, gây khoảng trống pháp lý. Khi luật không sát thực tiễn, buộc phải điều chỉnh gấp là điều dễ hiểu.

Muốn khắc phục, trước hết phải nâng chất lượng đội ngũ soạn thảo, phải coi lập pháp là công việc chuyên sâu chứ không chỉ là nhiệm vụ hành chính. Bên cạnh đó, nên tăng tính độc lập của cơ quan thẩm tra để bảo đảm phản biện khách quan, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nếu làm được vậy, luật mới sẽ ổn định hơn, giảm gánh nặng điều chỉnh về sau.

Theo ông, cách nào để biến chính sách pháp luật thành thực tế sống động, tránh tình trạng luật “nằm trên giấy”?

Muốn luật đi vào cuộc sống, yếu tố quan trọng là công tác triển khai phải đồng bộ. Tôi thấy ở ta, khâu phổ biến pháp luật vẫn còn hình thức. Người dân và doanh nghiệp đôi khi chỉ biết đến quy định khi đã bị xử phạt. Điều này tạo ra tâm lý bị động, dễ phát sinh vi phạm không đáng có.

Vì vậy, trước tiên phải cải thiện khâu truyền thông pháp luật: nội dung dễ hiểu, dễ tra cứu, đa dạng kênh tiếp cận. Thứ hai, cần rút ngắn quy trình ban hành các văn bản hướng dẫn, đồng thời áp dụng công nghệ để giám sát thực thi. Và quan trọng hơn cả, phải xử lý nghiêm minh những cán bộ, cơ quan thực thi sai luật hoặc cố tình làm sai để trục lợi. Kỷ cương trong thi hành là yếu tố quyết định niềm tin xã hội vào luật pháp.

Ông có khuyến nghị gì dành cho các doanh nghiệp để thích ứng tốt trong giai đoạn luật pháp thay đổi nhanh như hiện nay?

Tôi luôn khuyên doanh nghiệp nên coi tuân thủ pháp luật là một phần trong chiến lược phát triển, không chỉ là nghĩa vụ. Doanh nghiệp nên có bộ phận pháp chế đủ năng lực, chủ động cập nhật các quy định mới, đặc biệt về đất đai, thuế, hợp đồng… Việc tham khảo ý kiến chuyên gia ngay từ đầu sẽ giúp tránh rủi ro, giảm chi phí xử lý tranh chấp về sau.

Một điều quan trọng khác là hãy xây dựng văn hoá minh bạch và sẵn sàng hợp tác với cơ quan quản lý. Khi doanh nghiệp tuân thủ tốt, uy tín sẽ được củng cố, các cơ hội đầu tư cũng mở rộng hơn. Tôi tin rằng, với cách tiếp cận bài bản, doanh nghiệp Việt sẽ đứng vững và phát triển bền vững trong môi trường pháp luật ngày càng hoàn thiện.

Khát vọng đột phá về thể chế, pháp luật sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu công tác xây dựng và thi hành pháp luật được thực hiện nghiêm túc, minh bạch và gần với hơi thở cuộc sống. Tin tưởng rằng, với định hướng rõ ràng từ các Nghị quyết và quyết tâm từ Quốc hội, Việt Nam sẽ sớm có một “hệ sinh thái pháp lý” ổn định, đồng hành cùng phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

hotline 0848009668