Không hợp thức hóa sai phạm xây dựng

09/17/2021 15:10:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng trong đó có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng.

Liệu mức xử phạt này có giải quyết được vấn nạn xây dựng không phép, sai phép?

Trao đổi với DĐDN, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Lawfirm cho rằng, để xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng, ngoài tăng chế tài xử phạt, vấn đề quan trọng hơn là các cơ quan chức năng không được “thỏa hiệp”, hợp thức hoá sai phạm.

- Theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là tình trạng xây dựng sai phép, không phép diễn ra ngày càng phức tạp thời gian qua?

Thực tế hiện nay, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn có xu hướng tăng tại những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội, TPHCM... Các hình thức vi phạm chủ yếu là phá vỡ quy hoạch đô thị, vi phạm quy định về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, xây nhà siêu mỏng, xây dựng không phép… Những vi phạm này vẫn đang tồn tại công khai trong nhiều năm qua.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do các chế tài xử phạt không đủ tính răn đe và đâu đó còn tình trạng buông lỏng quản lý thậm chí phát sinh tiêu cực. Việc xử lý vi phạm và tổ chức thực hiện còn chậm trễ, chưa được xử lý kịp thời, triệt để.

Mô hình tổ chức bộ máy thanh tra xây dựng đô thị tại các địa phương còn thiếu sự gắn kết giữa các cấp chính quyền cơ sở và lực lượng thanh tra xây dựng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, trình tự thủ tục về cấp phép xây dựng tương đối khó để người dân thực hiện.

Công trình xây dựng không phép quy mô hơn 6.000m2 tại dự án Khu đô thị An Lạc

- Việc dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng tăng xử phạt lên đến 1 tỷ đồng, đã đủ sức răn đe chưa, thưa ông?

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành xây dựng sẽ sửa đổi, bổ sung, Nghị định số 139/2017. Dự thảo tăng mức tiền phạt gấp 1,5 đến 2 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định số 139 trong toàn bộ dự thảo (có hành vi tăng 4 đến 5 lần như hành vi điều chỉnh quy hoạch, quản lý sử dụng nhà chung cư).

Tuy nhiên, mức phạt này chưa thực sự lớn đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, vì lợi ích đem lại cho các doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong hoạt động này tại mỗi dự án có thể vài trăm đến hàng nghìn tỉ đồng. Đây chính là bất cập, là kẽ hở pháp luật để chủ đầu tư lách luật, sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt.

- Vậy theo ông, đâu sẽ là giải pháp tối ưu để xử lý vấn đề này?

Để khắc phục tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Có thể kể đến như: Sửa đổi quy định xử phạt phù hợp với tình hình vi phạm hiện nay, quy định cần phải có tính răn đe, xử lý nghiêm và nặng tương đương mức mà đối tượng vi phạm được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý trong công tác xây dựng cũng như đội ngũ chuyên môn làm công tác xây dựng. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu không bảo đảm khách quan…

Đặc biệt, cần kiên quyết hơn trong việc xử phạt, xử lý các sai phạm, không hợp thức hóa các hành vi xây dựng sai phép, không thỏa hiệp với những vi phạm, nhất là vi phạm đến từ các doanh nghiệp.

Cần tiếp tục rà soát, đơn giản hoá quy định, thủ tục cấp phép xây dựng, nhưng cùng với đó cũng phải loại trừ các kẽ hở, bất cập trong công tác quản lý cả đối tượng vi phạm và cán bộ thực thi pháp luật trong lĩnh vực này.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

http://diendandoanhnghiep.vn/khong-hop-thuc-hoa-sai-pham-xay-dung-206231.html?fbclid=IwAR2etApVGLJ-1BYLr9U-Bipj2TX6ySvopvBLOHpSQrE_vYIwFwCYFNMrIC4

 

Gửi bình luận:

hotline 0848009668