05/25/2021 09:59:03 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Được cả TAND tỉnh Kiên Giang và TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên thắng kiện tại hai phiên toà xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, tuy nhiên, đến nay anh Nguyễn Việt Dũng vẫn lo lắng liệu có khi nào sẽ bị “lật kèo”.
Hai cấp toà tuyên án “sáng rõ như ban ngày”
Đơn thư phản ánh của anh Nguyễn Việt Dũng có địa chỉ tại ấp Suối lớn, xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cho biết: Ngày 06/1/2020, anh có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) 11.420,9m2 thuộc thửa 218, tờ bản đồ số 01 của bà Nguyễn Thị Bích Liên. Khi nhận chuyển nhượng, anh không biết đất này có tranh chấp, việc nhận chuyển nhượng anh đã thực hiện theo đúng quy định pháp luật, được Chi nhánh văn phòng đăng kí đất đai TP Phú Quốc đăng ký biến động QSDĐ cho anh vào 09/1/2020.
Ngày 04/5/2020, anh Dũng có yêu cầu độc lập, yêu cầu Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa anh và bà Liên, yêu cầu bà Lâm Thị Chính phải tháo dỡ, di dời tài sản, vật kiến trúc đang xâm chiếm thửa đất để trao trả đất cho anh.
Vụ kiện đã được 2 cấp toà gồm TAND tỉnh Kiên Giang và TAND Cấp cao tại TP HCM đưa ra xét xử và tuyên án sáng tỏ.
Cụ thể: Ngày 15/12/2020, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 432/2020/TLDS-PT ngày 17/8/2020, về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, yêu cầu di dời tài sản, vật kiến trúc trên đất, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2020/DS-TS ngày 02/7/2020, của TAND tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 3635/2020/QĐ-PT ngày 01/10/2020, giữa nguyên đơn là bà Lâm Thị Chính, trú tại ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc; bị đơn là bà Nguyễn Thị Bích Liên và anh Nguyễn Việt Dũng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Phần đất có diện tích 11.420,9m2 thuộc thửa 218, tờ bản đồ số 01 tọa lạc tại ấp Suối Đá, xã Dương Tơ trước đây đã được UBND huyện Phú Quốc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Huỳnh Văn Mang vào ngày 20/11/1998 (giấy xanh). Sau đó ông Huỳnh Văn Mang đã chuyển nhượng QSDĐ cho Công ty cổ phần chế biến thủy hải sản Liên Thành, Công ty Liên Thành đã chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Bích Liên, bà Liên chuyển nhượng cho anh Nguyễn Việt Dũng; việc chuyển nhượng nêu trên các đương sự đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc đăng kí biến động.
Theo bản án của Toà án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, bà Lâm Thị Chính cho rằng việc ông Mang được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận QSDĐ vào năm 1998, sau đó được cấp đổi vào năm 2003 là trái quy định pháp luật vì đất này của gia đình bà được Huyện ủy Phú Quốc giao cấp; bà Chính cũng cho rằng tranh chấp QSDĐ giữa bà và ông Mang chưa được cơ quan có thẩm quyền nào giải quyết. Bà Chính khẳng định việc ông Mang chuyển nhượng QSDĐ cho những người trên là không đúng quy định của pháp luật và yêu cầu Tòa công nhận QSDĐ diện tích đất trên cho bà.
Ý kiến của bà Lâm Thị Chính cho rằng trên phần đất tranh chấp có 02 ngôi mộ của gia đình bà (trong đó có 01 ngôi mộ liệt sĩ Lâm Văn Nhiều - anh trai bà), đồng thời trên đó bà có cất 02 căn nhà tạm, 01 nhà vệ sinh tạm để ở trông coi đất và thờ cúng liệt sĩ. Nguồn gốc các ngôi mộ là do năm 1996 bà đã đưa hài cốt của ông nội bà là ông Lâm Văn Sang và hài cốt liệt sĩ Lâm Văn Nhiều từ huyện Tri Tôn về an táng tại phần đất tranh chấp.
Tuy nhiên, theo hồ sơ liệt sĩ Lâm Văn Nhiều và tại công văn số 778/LĐTBXH-NCC ngày 17/4/2020, của Sở LĐ TB&XH tỉnh Kiên Giang cung cấp và trả lời cho Tòa án xác định: Liệt sĩ Lâm Văn Nhiều còn có tên gọi khác là Lâm Văn Đức, hy sinh ngày 20/11/1969, tại Kinh Xẻo Đước, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, thi hài liệt sĩ được mai táng tại xã Đông Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang; năm 1988 đã được quy tập và mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện An Biên đến nay.
Không có tài liệu chứng cứ nào thể hiện hài cốt của liệt sĩ Lâm Văn Nhiều ở Tri Tôn, hơn nữa bà Lâm Thị Chính cũng không cung cấp được địa chỉ cụ thể nơi chôn cất liệt sĩ Lâm Văn Nhiều và ông Lâm Văn Sang tại Tri Tôn (không biết rõ là thuộc tỉnh An Giang hay Kiên Giang); cũng không cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào biết và tham gia việc di dời hài cốt liệt sĩ tại Tri Tôn về an táng tại gia đình.
Từ đó, Hội đồng xét xử nhận định, lời khai của bà Chính cho rằng mộ liệt sĩ Lâm Văn Nhiều đang được mai táng trên phần đất tranh chấp là không có cơ sở.
Mặt khác, qua hồ sơ giải quyết tranh chấp giữa bà Chính và ông Huỳnh Văn Mang do Sở TNMT tỉnh cung cấp, biên bản bàn giao đo đạc cắm mốc ranh giới đất giữa bà Chính và ông Mang vào ngày 06/5/2004, không thể hiện trên phần đất tranh chấp có 02 ngôi mộ và 02 căn nhà tạm, vệ sinh nêu trên.
Người đại diện hợp pháp của Công ty Liên Thành, đại diện hợp pháp của bà Nguyễn Thị Bích Liên khẳng định trong quá trình quản lí, sử dụng đất không có 02 ngôi mộ, nhà tạm và nhà vệ sinh như bà Chính trình bày. Tại 2 biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 19/4/2016 và 23/6/2016 của TAND huyện Phú Quốc đều không thể hiện trên đất có những tài sản đó, từ đó đủ cơ sở để xác định các tài sản này chỉ được hình thành sau ngày xem xét thẩm định tại chỗ của TAND huyện Phú Quốc.
Từ những cơ sở trên, phiên tòa sơ thẩm nhận định là có đủ cơ sở chứng minh bà Lâm Thị Chính không có quá trình quản lí, sử dụng phần đất tranh chấp 11.420,9m2 từ năm 1996 là có căn cứ, phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Từ đó khẳng định diện tích đất tranh chấp này đã được công nhận cho ông Huỳnh Văn Mang theo quyết định số 128/QĐ-TTr ngày 22/8/2000, của Chánh thanh tra tỉnh Kiên Giang, quyết định này có hiệu lực pháp luật và đã được tổ chức thi hành.
Bên cạnh đó, qua xem xét thẩm định tại chỗ của TAND tỉnh Kiên Giang thể hiện: Trên diện tích đất tranh chấp bà Chính có xây 02 ngôi mộ, 02 ngôi nhà tạm, 01 nhà vệ sinh, 1 phần diện tích dãy nhà trọ. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Chính cam kết không có xây dựng hay tạo mới thêm tài sản, công trình nào trên đất tranh chấp.
"Hội đồng xét xử nhận thấy, tất cả các công trình, vật kiến trúc nêu trên được bà Chính xây dựng hoặc tôn tạo trái phép trong quá trình Tòa án đang thụ lý giải quyết tranh chấp, do đó yêu cầu của anh Dũng là có cơ sở chấp nhận, buộc bà Chính phải tháo dỡ, di dời toàn bộ tài sản, công trình, vật kiến trúc nêu trên để giao trả đất cho anh Dũng.
Về yêu cầu độc lập của anh Nguyễn Việt Dũng, yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ: xét thấy quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Bích Liên là hợp pháp, bà Liên đã chuyển nhượng cho anh Dũng, anh Dũng đã hoàn tất việc đăng kí biến động đất đai tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Quốc, do đó Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu độc lập của anh Dũng, buộc bà Lâm Thị Chính phải giao trả diện tích đất 11.420.9m2, thuộc thửa 218, tờ bản đồ số 01 cho anh Dũng".
Thi hành án vào cuộc quyết liệt, người dân lành vẫn lo bị “lật kèo”
Sau khi 2 cấp toà tuyên bản án sáng rõ, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của anh Nguyễn Việt Dũng và đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, ngày 18/3/2021, Cục thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án.
Theo đó, Cục thi hành án dân sự Kiên Giang yêu cầu: Bà Lâm Thị Chính phải giao trả cho ông Nguyễn Việt Dũng diện tích đất 11.420,9m2; Đồng thời buộc bà Chính phải di dời toàn bộ tài sản, công trình, vật kiến trúc, cây trồng ra khỏi diện tích trên.
Thời gian thực hiện từ 8h ngày 18/3/2021 đến ngày 21/3/2021.
Chưa kịp vui mừng vì đòi được lẽ phải sau một thời gian dài bị kéo vào cuộc kiện tụng, ông Dũng vô cùng hoang mang khi ngày 15/4/2021, TAND Tối cao lại có Công văn số 416/CV-TANDTC do thẩm phán Ngô Hồng Phúc ký gửi Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM cho biết: Để có cơ sở giải quyết đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm của đương sự, đề nghị TAND cấp cao tại TP HCM chuyển cho Vụ Giám đốc kiểm tra II Toà án nhân dân Tối cao hồ sơ vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, yêu cầu di dời tài sản, vật kiến trúc trên đất, huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa các đương sự Lâm Thị Chính và Nguyễn Thị Bích Liên.
Trong đơn gửi Chánh án TAND Tối cao, thẩm phán Ngô Hồng Phúc, ông Nguyễn Việt Dũng bất bình bày tỏ: Sau thời gian dài tham gia các thủ tục xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, mặc dù đã được hai cấp toà án tuyên bác toàn bộ nội dung khởi kiện của bà Lâm Thị Chính, thế nhưng đến nay tôi vẫn chưa thể là chủ sở hữu và sử dụng mảnh đất 11.420.9 m2 một cách hợp pháp, vẫn có nguy cơ tiếp tục rơi vào vòng xoáy tố tụng dân sự của Tòa án.
Để sớm giải quyết dứt điểm vụ án này, tôi kính mong và đề nghị ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Vụ giám đốc kiểm tra II và các Thẩm tra viên chỉ đạo, xem xét, thẩm định sự việc một cách khách quan, công tâm nhất, sớm giải quyết và có văn bản kết luận, thông báo sớm nhất cho bà Chính và các bên liên quan, trong đó có cá nhân tôi theo đúng quy định của pháp luật.
“Đối với những hành vi làm mộ giả trên phần đất hiện tại của tôi để nhằm mục đích tạo ra tranh chấp: Tôi đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo và làm rõ động cơ, mục đích; có kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hành vi này đối với những người có liên quan: người chỉ đạo xây mộ, người đã tham gia việc dựng mộ giả…Không để các đối tượng lợi dụng pháp luật để cố ý tạo ra tranh chấp, gây ảnh hưởng và thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của công dân, doanh nghiệp chân chính như chúng tôi. Đồng thời, tạo ra môi trường xã hội thực sự lành mạnh, nghiêm minh, ổn định về an ninh, trật tự để các tổ chức, cá nhân yên tâm tìm đến Phú Quốc để đầu tư, kinh doanh, đóng góp xây dựng và phát triển kinh tế cho địa phương.
Đối với các đối tượng có hành vi chống lại lực lượng chức năng thi hành Bản án phúc thẩm đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án tỉnh Kiên Giang, Tòa án TP Phú Quốc và kiến nghị Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc sớm kết luận điều tra và đề nghị xử lý theo đúng quy định”, anh Dũng kiến nghị.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, tôi nhận thấy vụ án rất sáng rõ về bản chất. Bản án 2 cấp toà, đặc biệt là bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM đã làm tường minh mọi căn cứ pháp lý. Vì lẽ đó, cả 2 cấp toà đều tuyên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh Nguyễn Việt Dũng là công tâm, khách quan và thể hiện đúng lẽ công bằng, sự nghiêm minh của pháp luật”.
Theo luật sư Diện, khi 2 cấp toà đều tuyên án thì bản án đã có hiệu lực pháp luật. Thực tế là Cục thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang đã thực hiện nhiệm vụ của mình, bàn giao tài sản đến người sở hữu hợp pháp. Việc nguyên đơn Lâm Thị Chính có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm là quyền của họ. Tuy nhiên, TAND Tối cao sẽ phải căn cứ vào những chứng cứ khách quan trong cả 2 bản án để đưa ra quyết định đúng đắn nhất. “Bằng kiến thức về các quy định pháp luật trong suốt quá trình hành nghề luật sư, cá nhân tôi nhận thấy vụ việc này không thể có căn gì để kháng nghị giám đốc thẩm mang vụ án ra xử lại vì mọi sự quá rõ ràng, tường minh”, luật sư Diện bày tỏ.
Tại một diễn biến khác, để khách quan thông tin đến bạn đọc Phóng viên Pháp luật Plus đã liên hệ qua điện thoại với bà Lâm Thị Chính. Bà Chính cho biết: "Phiên toà xét xử phúc thẩm tại TP Hồ Chí Minh tôi không tham gia và có uỷ quyền cho cháu tôi và Luật sư. Đến nay tôi chưa nhận được bản án. Tôi đã gửi kháng án rồi nhưng đến nay vẫn chưa thấy người ta trả lời gì?".
Pháp luật Plus (- PV Thanh Bình).
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50