Minh bạch hóa từ thiện

11/04/2021 10:11:29 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Việc luật hóa 'cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự' được quyền tham gia vận động từ thiện đã tạo hành lang pháp lý điều hướng công khai, minh bạch cho hoạt động này.

Nghị định 93/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, sẽ có hiệu lực từ ngày 11.12, và thay thế Nghị định 64/2008.

Minh bạch hóa từ thiện - ảnh 1

ATM gạo miễn phí tại P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM trong mùa dịch Covid-19

KHẢ HÒA

Trước đây, theo Nghị định 64/2008, chỉ có 4 cơ quan, đơn vị, tổ chức được kêu gọi từ thiện. Riêng cá nhân kêu gọi từ thiện thì không được điều chỉnh bởi pháp luật. Vì vậy, gần 1 năm nay, mạng xã hội “lùm xùm” câu chuyện một số cá nhân yêu cầu người đứng ra kêu gọi quyên góp phải sao kê để chứng minh không vụ lợi, và tiền cộng đồng quyên góp được sử dụng đúng mục đích.

Chi phí cho hoạt động từ thiện

Ngày 30.10, Bộ Tài chính cho biết Nghị định số 93/2021 đã khắc phục được lỗ hổng thiếu minh bạch từ các quy định cũ. Theo đó, yêu cầu cá nhân huy động phải mở tài khoản riêng ở ngân hàng, chịu trách nhiệm theo dõi, ghi chép các khoản thu, chi và khi kết thúc cuộc vận động, thực hiện công khai về kết quả vận động, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.

 

Minh bạch hóa từ thiện - ảnh 2

Chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch” của T.Ư Đoàn hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh phòng chống dịch Covid-19

Vẫn theo Bộ Tài chính, chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý, thì cá nhân đứng ra vận động được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này. Một nguồn tin từ bộ này cũng chia sẻ, khi dự thảo nghị định có ý kiến cho rằng cần phải quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm, nhưng để đưa ra con số cụ thể là rất khó vì đây không phải tiền ngân sách. Nên Bộ đã tham mưu cho Chính phủ dựa trên tinh thần tự nguyện, do các bên thỏa thuận và chi phí đó phải đảm bảo được công khai, minh bạch.

Minh bạch hóa từ thiện - ảnh 3

Nghệ sĩ Quyền Linh làm từ thiện đợt dịch Covid-19 lần thứ 4

Liên quan vấn đề này, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đồng tình quan điểm chi phí như thế nào thì tùy thỏa thuận giữa hai bên.

“Chi phí phục vụ việc từ thiện mà bảo nhà nước quy định 3 - 5 - 7 - 10% thì không ai quy định được cả. Nếu để cụ thể thì vô hình trung anh biến hoạt động từ thiện thành hoạt động kinh doanh. Tiền ngân sách nhà nước thì chi rất rõ ràng, anh trích bao nhiêu phần trăm là căn cứ vào các chi phí hợp lý, còn chi phí hoạt động từ thiện quy định cụ thể thì khó lắm. Chỉ nên để hai bên tự nguyện, tự thỏa thuận và yêu cầu chi phí này phải được báo cáo, công khai minh bạch. Như vậy, người đi kêu gọi, sử dụng tiền quyên góp sẽ được cả dư luận giám sát”, ông Long nói.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng các khoản chi phải có tính toán hợp lý, hóa đơn chứng từ, thuế… theo đúng quy định. Nếu quy định thoáng như trên mà sau này lỡ có khoản nào chi sai, không hợp lý sẽ trở thành cái “thòng lọng” đối với người sử dụng tiền quyên góp làm từ thiện. Ông Đức đề nghị phải có tính toán để đưa ra mức trần, bao nhiêu thì cơ quan chức năng phải nghiên cứu cho hợp lý.

Ai ai cũng có thể tham gia làm từ thiện

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Nghị định 93/2021 đã đưa công tác tham gia làm từ thiện của cá nhân về đúng thực chất như nó vốn có”. Luật sư Tú nhấn mạnh những quy định mới đều đáng được ghi nhận để ai ai cũng có thể thực hiện công tác này vì an sinh xã hội, nêu cao tinh thần đáng quý “lá lành đùm lá rách” và thực hiện theo đúng khuôn khổ pháp luật.

Bên cạnh đó, theo luật sư Tú, Nghị định 93/2021 cũng quy định rõ nghiêm cấm các hành vi “Báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện; lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi”. Vì vậy, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

“Khi luật đã nghiêm cấm thì buộc cá nhân phải biết khi tham gia vận động, phân phối tiền, hiện vật đóng góp. Do đó, nếu chạm phải điều cấm thì đương nhiên bị xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hoặc bị xử phạt hành chính, tùy mức độ vi phạm. Sau khi Nghị định 93/2021 có hiệu lực thi hành, cũng cần có hướng dẫn hoặc bổ sung các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm được liệt kê tại nghị định này”, luật sư Tú nêu.

Quy định cụ thể, dễ thực hiện

Về việc luật hóa cá nhân làm từ thiện phải công khai, minh bạch, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, đánh giá: “Nhà nước luôn tạo điều kiện cho cá nhân hay người của công chúng vận động đóng góp từ thiện. Khi họ vận động được thì người dân khó khăn được giúp đỡ. Quan trọng là có quy định điều chỉnh cụ thể cho các tổ chức, cá nhân và tất cả tổ chức, cá nhân phải thực hiện theo pháp luật. Quy định càng chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế thì càng dễ thực hiện”.

Ông Phạm Trường Sơn, Phó chủ tịch Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam - chuyên gia về phi lợi nhuận, cho biết đây là lần đầu tiên VN có quy định mở rộng cho các cá nhân tham gia đóng góp thiện nguyện. Tuy nhiên, Nghị định 93/2021 cũng điều chỉnh ở phạm vi hẹp là hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo chứ không phải bao quát hết hoạt động từ thiện của cá nhân, tổ chức trong bối cảnh bình thường hay các tình huống xã hội.

“Nghị định này sẽ áp dụng tốt trong giai đoạn thực hiện cấp bách, ngành công tác xã hội gọi là hoạt động cứu trợ khẩn cấp hay cứu tế xã hội. Điều này cũng tốt vì không thể nào quy phạm cho các hoạt động bình thường, tiến hành dài hạn”, ông Sơn chia sẻ.

Minh bạch hóa từ thiện - ảnh 4

Chị Lê Thị Việt Hoa (ngụ tại TP.HCM) là người thường xuyên kêu gọi từ thiện ủng hộ người dân vùng lũ, khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa qua, hoặc kêu gọi ủng hộ nhiều hoàn cảnh khó khăn, cho rằng nếu có hành lang pháp lý để dễ quản lý câu chuyện từ thiện cũng như tránh “tai tiếng”, mất niềm tin lẫn nhau giữa người làm từ thiện và người ủng hộ thì rất tốt. Theo chị Hoa, cá nhân làm từ thiện là nguồn lực xã hội rất lớn. Song, chị Hoa mong muốn thủ tục thông báo, phối hợp với địa phương phải đơn giản, đừng hành chính hóa câu chuyện thiện nguyện, để tránh phiền hà và làm giảm lòng nhiệt huyết của người làm từ thiện.

Cần hướng dẫn rõ về cách thông báo trên phương tiện truyền thông

Nghị định 93/2021 đề cập cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, cam kết thời gian phân phối; công khai minh bạch kết quả tiền tiếp nhận, phân phối nguồn tiền/hiện vật.

Vậy, các phương tiện thông tin truyền thông là các kênh nào. Theo Thông tư 72/2008 hướng dẫn chi tiết Nghị định 64/2008, định nghĩa “cơ quan thông tin đại chúng” là các cơ quan báo, đài ở T.Ư và địa phương.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, nguyên Trưởng khoa Báo chí và truyền thông (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), cho biết khái niệm về phương tiện thông tin truyền thông rất rộng, là các phương tiện mà con người dùng để thông tin - giao tiếp với nhau, gồm: báo chí, phát thanh, truyền hình, website, hoặc truyền thông xã hội (Yahoo, Twitter, Facebook…). Vì vậy, sau Nghị định 93/2021 cần sớm có thông tư hướng dẫn với quy mô, mức độ kêu gọi nào thì sẽ phải thông báo trên phương tiện truyền thông đại chúng, hay chỉ cần thông báo trên mạng xã hội cá nhân…

Báo Thanh niên (- PV Phan Thương)

https://thanhnien.vn/minh-bach-hoa-tu-thien-post1396467.html?fbclid=IwAR3OI6s9KSb62uitW-tjJlBwXRyasyq6zD5GNWZknEBi-Bi6w-VS8JxfR7Y

Gửi bình luận: