Mối lương duyên giữa Nhà báo và Luật sư: Khi hai trái tim cùng chung nhịp đập

06/16/2025 14:03:44 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

"Nhà báo - Luật sư, hai nghề tưởng chừng không liên quan, nhưng thực chất lại cùng uống chung một mạch nguồn – mạch nguồn của sự thật, của công lý, và của trách nhiệm xã hội", luật sư Trương Anh Tú.

Có những bài báo làm nên công lý. Có những bản bào chữa làm nên sự thật. Ở nơi đường biên giữa thông tin và pháp luật, nơi cả xã hội đang trông chờ một ánh sáng soi chiếu vào những mảng tối, tôi đã từng chứng kiến - và nhiều lần đồng hành - một mối lương duyên đặc biệt: giữa nhà báo và luật sư.

Hai nghề tưởng chừng không liên quan, nhưng thực chất lại cùng uống chung một mạch nguồn – mạch nguồn của sự thật, của công lý, và của trách nhiệm xã hội.

Luật sư và nhà báo đều sống bằng lý lẽ, bằng câu chữ, cùng chung mục đích nhân văn: vì người dân, vì công bằng xã hội. Nếu luật sư xoáy vào chứng cứ và điều luật, thì nhà báo chạm vào sự thật và cảm xúc cộng đồng. Một người tranh luận bằng quy phạm, một người phản ánh bằng thực tế.

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm.

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm.

Nhưng điểm giao nhau giữa hai thế giới ấy lại không hề mong manh - mà chính là điểm xuất phát của nhiều thay đổi thể chế, của nhiều cuộc phục hồi danh dự, của nhiều vụ việc vốn đã tưởng chừng chìm khuất. Tôi tin rằng: một dòng tít đúng lúc, một bài báo đúng giọng, đôi khi giá trị như cả một nghị định, thậm chí một đạo luật được ban hành đúng thời điểm.

Trong hai mươi năm làm nghề, tôi đã đi cùng nhà báo trong vô số vụ việc - từ những bản án dân sự âm ỉ kéo dài nhiều năm, đến những cuộc tranh chấp có tính xã hội cao, từ vụ thu hồi đất giữa mùa giải tỏa, đến chuyện các dự án condotel chưa có tên trong hành lang pháp luật. Tôi nhớ mãi cảm giác lần đầu tiên được phóng viên hỏi ý kiến về một vụ án hình sự có dấu hiệu oan sai, tôi đã trả lời bằng tất cả lương tri và kiến thức nghề nghiệp. Và sau bài báo đó, hồ sơ vụ việc được lật lại, một cuộc giám đốc thẩm được thực hiện, người dân được minh oan. Kể từ đó, tôi coi báo chí là là một kênh quan trọng góp phần đấu tranh vì công bằng pháp luật, chống oan sai.

Mối lương duyên này không phải tự nhiên mà có, cũng không phải là kết quả của một chiến dịch truyền thông. Nó hình thành qua bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn là một bước tiến của nghề luật và nghề báo, và cũng là một sự thức tỉnh của xã hội về vai trò phản biện của chuyên gia.

Giai đoạn thứ nhất, từ sau Pháp lệnh Luật sư năm 1987 đến khoảng đầu những năm 2000, luật sư còn hiếm, truyền thông còn dè dặt. Báo chí gần như không khai thác giới luật sư như một nguồn chuyên môn. Nếu có, thì cũng chỉ trong các vụ án lớn, và phần nhiều là trích dẫn khô khan.

Giai đoạn thứ hai, từ 2007 đến khoảng 2014, là lúc báo điện tử phát triển mạnh, xã hội mở cửa và hội nhập pháp lý sâu rộng. Nhà báo bắt đầu tìm đến luật sư như một nguồn tư liệu - không chỉ để “lấp đầy câu chữ” mà để soi sáng những điểm mù pháp lý trong mỗi vụ việc. Tôi còn nhớ các loạt bài về vụ “94 Phố Huế”, “Vỡ trận bến xe Mỹ Đình”, đều là những trường hợp báo chí và luật sư phối hợp chặt chẽ, tạo nên sức ép tích cực với chính quyền và hệ thống tư pháp. Đây là giai đoạn mà luật sư bắt đầu được xem như một “chuyên gia có tiếng nói công cộng”.

Giai đoạn thứ ba, từ 2014 đến nay, là lúc mọi thứ “nở rộ”. Hầu như bất cứ sự kiện pháp lý nào có dư luận, đều có sự tham gia bình luận của giới luật sư. Nhiều luật sư thậm chí đã thành thạo viết báo, xây dựng hình ảnh, chủ động định hình quan điểm xã hội. Có người xuất hiện thường xuyên như một chuyên gia.

Có người lên tiếng kịp lúc và tạo sức lan tỏa rất lớn. Tôi cũng nằm trong số đó. Nhưng tôi không chọn xuất hiện rầm rộ. Tôi chọn những vụ việc có chiều sâu pháp lý, có giá trị phản biện chính sách, có khả năng khơi gợi thay đổi thể chế. Những bài viết về condotel, về tranh chấp đất đai trong các dự án trọng điểm, về hoàn thiện pháp luật dân sự, đó không chỉ là tiếng nói của một cá nhân, mà là kết tinh của một nghề nghiệp đang chuyển mình để chủ động đóng góp.

Và giờ đây, chúng ta bước vào giai đoạn thứ tư, khi luật sư và nhà báo không còn là đối tác tác nghiệp, mà là đồng đội chiến lược trong hành trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Luật sư không chỉ lên báo để “nêu quan điểm”, mà bắt đầu dùng báo chí như một công cụ truyền tải kiến nghị chính sách. Nhà báo không chỉ đưa tin, mà chủ động tìm tiếng nói chuyên gia để nâng tầm chất lượng phản biện xã hội. Đây là giai đoạn mà tôi gọi là “giai đoạn đồng hành thể chế”.

Chúng ta viết để giúp một người, nhưng nếu đủ sâu - có thể giúp cả một nhóm người. Chúng ta lên tiếng cho một vụ việc, nhưng nếu đủ chuẩn mực - có thể làm thay đổi cả một điều luật. Đó là sức mạnh của sự kết hợp giữa chuyên môn pháp lý và truyền thông chuyên nghiệp. Và đó là lý do tôi tin rằng: mối lương duyên giữa nhà báo và luật sư cần được gìn giữ, bồi đắp, nâng cấp và truyền lại cho thế hệ sau như một cách hành nghề trách nhiệm.

Tôi chưa bao giờ coi báo chí là phương tiện để đánh bóng tên tuổi. Cũng chưa bao giờ dùng pháp luật như một vỏ bọc để tránh né dư luận. Tôi chỉ thấy rằng: nếu chúng ta đã hiểu nghề, thì không thể làm nghề trong im lặng. Nếu chúng ta đã hành nghề vì cộng đồng, thì phải chọn con đường có nhiều người đang đi - dù lắm sỏi đá, nhiều thị phi, nhưng đó mới là nơi công lý cần tiếng nói song hành.

Khi luật sư không còn trong phòng xử chờ đến lượt bào chữa, và nhà báo không còn chỉ lặng lẽ ghi chép bên lề, thì đó là lúc chúng ta có thể cùng đứng chung trên mặt trận bảo vệ lẽ phải - bằng con chữ, bằng lý lẽ, và bằng niềm tin rằng sự thật không bao giờ tắt nếu còn người giữ lửa.

hotline 0848009668