05/21/2021 10:30:32 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân được ngầm mua bán, trao đổi từ lâu nay bất chấp sự bức xúc của dư luận cũng như nỗ lực xử lý của cơ quan chức năng. Nếu bị phát hiện có bị phạt tù?
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) vừa phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT (C01) Bộ Công an triệt phá nhiều đường dây mua bán, sử dụng, trái phép gần 1.300GB dữ liệu, chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc, lớn nhất từ trước tới nay xảy ra tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương.
Dữ liệu gồm những khách hàng làm trong ngành điện lực; phụ huynh, học sinh trên cả nước; khách hàng của nhiều ngân hàng, trong đó có các ngân hàng lớn nhất Việt Nam; thông tin đăng ký kinh doanh, nhân sự cơ quan nhà nước, bảo hiểm, hộ khẩu; dữ liệu viễn thông, thuê bao điện thoại của các nhà cung cấp viễn thông lớn tại Việt Nam; thông tin khách hàng tại các dự án bất động sản...
Hàng nghìn chứng minh thư được rao bán
Thực tế đã có không ít câu chuyện cười ra nước mắt với những chiêu trò lừa đảo, giăng bẫy dưới mác công ty điện lực, nhà mạng, ngân hàng, thậm chí cả lực lượng thực thi pháp luật… thiên biến vạn hóa như hiện nay khi kẻ lừa đảo có thông tin cá nhân của người dùng.
Vậy việc mua bán thông tin cá nhân có bị phạt tù?
Theo Luật sư Lê Hằng, Công ty luật TAT Law firm, phân tích thương mại điện tử phát triển khiến nguy cơ thông tin của người dân dễ bị thu thập, mua bán trái phép. Thông tin bị lộ lọt gồm cả họ tên, địa chỉ, điện thoại hay tài khoản ngân hàng.
Bà Hằng đánh giá dữ liệu cá nhân là tài sản đặc biệt. Hầu hết giao dịch điện tử trên mạng đều yêu cầu kê khai thông tin, đòi hỏi giấy tờ tùy thân. Do đó, tin tặc thường lợi dụng kẽ hở bảo mật để đánh cắp dữ liệu.
Còn sử dụng thông tin cá nhân không đúng mục đích đã thỏa thuận; cung cấp, phát tán thông tin cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thể sẽ bị phạt 20-30 triệu.
Cũng theo luật sư, pháp luật nghiêm cấm mua bán, phát tán trái phép thông tin cá nhân của người khác. Cơ quan chức năng tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Theo Điều 288 Bộ luật hình sự, người mua bán thông tin dữ liệu khách hàng có thể bị xử lý về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông với mức phạt cao nhất là 7 năm tù. Còn người xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác có thể bị phạt đến 3 năm tù.
Có thể phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm
Theo luật sư Nguyễn Văn Kỹ, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh, quan điểm bảo vệ quyền con người, cụ thể là quyền riêng tư, được pháp luật Việt Nam thừa nhận.
Cụ thể, xuyên suốt Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự hiện hành (số 91/2015/QH132015, có hiệu lực từ 01/01/2017) đều có quy định bảo vệ, bí mật và bất khả xâm phạm đối với "đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình" và "thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân".
Luật sư Nguyễn Văn Kỹ cho rằng hành vi thu thập, mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa kể cả sử dụng trái phép thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đó, tùy vào mức độ vi phạm và thiệt hại gây ra, hành vi trao đổi, mua bán thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu… của cá nhân trên mạng máy tính mà không được chủ sở hữu cho phép có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm (Điều 288, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Ngoài ra, về dân sự, người bị thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra có thể kiện đòi bồi thường theo Điều 46, Nghị định 98/2020/NĐ-CP hoặc Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
"Nhu cầu sử dụng thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại, thư điện tử, địa chỉ nhà... để phục vụ tiếp thị, mời chào sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ ngày càng phổ biến hiện nay. Điều này chính là “động lực chủ yếu” dẫn đến các hành vi thu thập, mua bán, trao đổi, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa... thông tin, dữ liệu cá nhân. Để bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân, chúng ta cần tăng chế tài nghiêm và có biện pháp xử lý mạnh”, luật sư Nguyễn Văn Kỹ nhấn mạnh.
Theo Việt báo (- PV Minh An).
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50