Người bị bắt oan 39 năm trước ở Sài Gòn mòn mỏi tìm công lý

02/27/2024 16:12:29 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Được công nhận vô tội, bị bắt oan 39 năm trước, ông Trịnh Dân Cường gõ cửa hàng loạt cơ quan tố tụng nhưng đều bị bác đơn vì "không đủ điều kiện" được bồi thường oan sai.

Cái dáng nhỏ thó, hom hem của ông Trịnh Dân Cường lọt thỏm trong căn nhà chưa đến 10 m2 nằm sâu trong hẻm nhỏ ở quận 6, TP HCM, ngày 24/2. Ánh mắt mệt mỏi đầy uẩn ức, ông trông già hơn so với tuổi 67.

Ông mới nhận được thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 6, tiếp tục bác đơn yêu cầu về việc đình chỉ điều tra do ông không phạm tội Trộm cắp tài sản năm 1985. Trong thông báo, Công an quận 6 cho rằng yêu cầu của ông đã "hết hiệu lực" - như cơ quan này từng có văn bản giải quyết hồi năm 2018.

Nếu được chấp nhận, đây sẽ là căn cứ để ông yêu cầu phục hồi uy tín, danh dự, nhân phẩm.

Ông Trịnh Dân Cường sống trong căn nhà nhỏ của người cháu cho ở nhờ. Ảnh: Hải Duyên

Ông Trịnh Dân Cường được người cháu cho ở nhờ trong căn nhà nhỏ ở quận 6. Ảnh: Hải Duyên

39 năm trước, ông Cường cùng anh vợ Hà Văn Được và anh cột chèo Trần Đức Ẩn bị Công an quận 6 bắt oan, do nghi ngờ là thủ phạm lấy trộm vàng của hàng xóm. Họ một mực kêu oan ngay từ khi bị bắt. Biết hiện trường vụ án được ngụy tạo, là vụ án giả, song thiếu tá Nguyễn Hữu Đô (Đội trưởng Hình sự Công an quận 6) vẫn chuyển vụ án lên Phòng cảnh sát Hình sự Công an TP HCM với lý do "các nghi can không chịu khai nhận hành vi phạm tội".

Theo hồ sơ vụ án, vì bị ép nhận tội, ông Hà Văn Được quá uất ức đã tự tử trong trại giam vào đêm 8/4/1985. Đội trưởng Đô tiếp tục "cố tình làm sai lệch hồ sơ để che giấu việc bắt giam người thiếu căn cứ".

Sau cái chết của con trai, mẹ vợ ông Cường là bà Đồng Thị Ba đã làm đơn khiếu nại các cơ quan chức năng, sau đó chính quyền thành phố vào cuộc thanh tra. Ông Cường và ông Ẩn được trả tự do. Tuy nhiên, không lâu sau đó ông Ẩn cũng chết do bệnh nặng. Cả gia đình ông tan nát, vợ chồng, cha con ly tán từ đó.

"Là người duy nhất còn sống, không người thân, mang mặc cảm của người tù tội, thiếu hiểu biết pháp luật, nên sau khi được thả tự do tôi không nghĩ đến việc yêu cầu các cơ quan tố tụng xin lỗi và bồi thường oan sai cho mình", ông Cường cho biết.

Về sau, ông gửi đơn thư khiếu nại đến các cơ quan tố tụng quận 6 và Công an TP HCM, yêu cầu giải quyết được xin lỗi, bồi thường oan sai, nhưng chỉ nhận được phiếu chuyển, hoặc bác đơn.

Mòn mỏi

Năm 2018, ông Cường tiếp tục làm đơn khiếu nại Công an, VKSND quận 6 đề nghị ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can cho mình. Nhưng các cơ quan này đều bác đơn với lý do "đã hết thời hiệu".

Không còn cách nào khác, ông làm đơn khởi kiện VKSND quận 6 ra TAND quận 6 đòi bồi thường oan sai nhưng tòa không thụ lý vì không có các tài liệu, chứng cứ liên quan. Mất nhiều năm nhờ người trích lục tài liệu cũ, năm 2021 TAND quận 6 mới thụ lý. Để có căn cứ giải quyết, tòa tiếp tục yêu cầu ông thu thập toàn văn bản án xét xử những người đã bắt giam oan cho ông trước đó.

Hồi tháng 7 năm ngoái, TAND Tối cao đã trích lục được toàn văn bản án này và gửi cho ông để bổ sung chứng cứ cho tòa quận 6. Tuy nhiên, các cấp tòa sau đó lần lượt ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện VKSND quận 6 của ông, do thiếu căn cứ khởi kiện.

"Tôi phải chờ đợi nhiều năm liền, khó khăn lắm vụ kiện mới được tòa thụ lý. Lúc thu thập được thêm chứng cứ chứng minh bị oan tôi mừng lắm, nghĩ sắp được xin lỗi, bồi thường. Tòa cũng mời đại diện VKSND quận 6 lên để hòa giải, nhưng rồi cuối cùng vẫn đình chỉ giải quyết", ông Cường nói, giọng buồn rượi.

Lý do tòa đình chỉ giải quyết vụ kiện của ông là bởi cho đến giờ ông vẫn mang thân phận bị can, chưa có quyết định đình chỉ điều tra, nên không có cơ sở để giải quyết.

Ông Trịnh Dân Cường và người đại diện theo uỷ quyền trong lần đến TAND quận 6 làm việc. Ảnh: Anh Trung

Ông Trịnh Dân Cường và người đại diện theo uỷ quyền trong lần đến TAND quận 6 làm việc. Ảnh: Anh Trung

Ông Cường cho biết, nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, hồi đầu năm, ông thu thập được thêm tài liệu mới là văn bản của Trại tạm giam Chí Hòa, xác nhận ông bị giam giữ tại đây từ ngày 21/3/1985 đến ngày 14/8/1985 thì bàn giao cho Công an quận 6.

Ngoài ra, qua tra cứu hồ sơ lưu trữ, Trại giam Tống Lê Chân cũng xác định, ông bị di lý đến đây vào ngày 28/11/1985. Đến ngày 4/8/1986, ông được chuyển về Công an quận 6 theo lệnh di lý của Công an TP HCM. Theo phía trại giam, việc ông bị cải tạo tại đây "không rõ theo bản án nào" do hồ sơ đã bàn giao cho Công an quận 6. Các văn bản này đều thể hiện, ông phạm tội Trộm cắp tài sản công dân.

"Nếu không nhân danh các cơ quan tố tụng sao tôi có thể bị đưa vào giam giữ, cải tạo ở nhiều nơi như vậy", ông Cường nêu vấn đề.

Trước Tết, ông tiếp tục gửi những tài liệu này cùng đơn yêu cầu đến Công an, VKSND quận 6, song phía công an đã có thông báo bác đơn, phía viện chưa phản hồi.

"Không biết tôi có thể đợi đến ngày được xin lỗi, bồi thường oan sai không. Tôi thực sự mệt mỏi, muốn buông bỏ, chứ suy nghĩ nhiều quá rồi...", ông Cường bỏ lửng câu nói, nhìn mông lung vào khoảng không vô định.

Vì sao không giải quyết yêu cầu bồi thường của ông Cường?

Đại diện VNSND TP HCM cho rằng, căn cứ hồ sơ và bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm xét xử nhóm cán bộ Bắt, giữ, giam người trái pháp luật cũng như kết quả tra cứu hồ sơ lưu trữ xác định, không có hồ sơ độc lập vụ án Trộm cắp tài sản xảy ra ngày 27/02/1985 tại đường Bãi Sậy, phường 7, quận 6. Tức không có quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt, tạm giam đối với ông Trịnh Dân Cường về tội này.

Các lệnh tạm giữ đối với ông Cường từ chiều 2/3/1985 đến chiều 5/3/1985 và toàn bộ tài liệu, lời khai của 3 anh em ông Cường được lưu trữ trong vụ án Bắt, giữ, giam người trái pháp luật. Đối với các quyết định tố tụng khác liên quan vụ án Trộm cắp tài sản đã được tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm xác định  tài liệu hợp thức hóa và những cán bộ có liên quan sai phạm đã bị khởi tố, truy tố, xét xử bằng bản án có hiệu lực.

Ba anh em ông Cường được xác định là người bị hại trong vụ án Bắt, giữ, giam người trái pháp luật, không phải bị khởi tố, tạm giam oan, đồng thời, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã được xem xét, giải quyết toàn diện tại bản án hình sự sơ thẩm năm 1989 của TAND TP HCM và bản án phúc thẩm năm 1990 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM.

Cụ thể, cơ quan công an đã lo mai táng nạn nhân Hồ Văn Được và trợ cấp cho gia đình bà Đồng Thị Ba nhiều lần gồm: gạo, thuốc chữa bệnh; cấp cho ông Cường một chiếc xích lô và một căn nhà cho gia đình bà Ba. Cấp phúc thẩm sau đó buộc Công an quận 6 trợ cấp thêm cho gia đình bà Đồng Thị Ba số tiền 1.000.000 đồng.

Kết quả xác minh tại UBND phường 8, quận 6, năm 2020 thể hiện ông Cường vẫn sinh sống và thực hiện đầy đủ quyền của công dân nơi cư trú. Tại cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; 2016-2021, ông Cường mang thẻ cử tri tham gia bỏ biếu tại khu vực thuộc phường 8, quận 6.

Theo VKSND TP HCM, trong vụ án Bắt, giữ, giam người trái pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại đối với ông Cường là Công an quận 6 và Công an TP HCM, không phải VKSND quận 6.

Về việc này, ông Cường cho biết, sau khi được trả tự do chỉ được Công an quận 6 cấp cho chiếc xích lô cũ. Nhưng sau đó ông bệnh nặng và mất sức lao động nên phải bán lấy tiền mua thuốc. Ngoài ra, ông không nhận được khoản tiền bồi thường nào khác. Bản án ghi ông có mặt tại tòa trong phiên xử sơ thẩm, nhưng thực tế ông không được mời đến dự tòa. Ông chỉ biết nhóm cán bộ bắt người trái phép bị đưa ra xử khi một người dân đưa cho ông bài báo viết về vụ án.

'Cánh cửa' nào cho Cường

Theo luật sư Trương Anh Tú (Công ty Luật TAT LAW FIRM), vụ án oan sai của ông Cường xảy ra khi chưa có luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nên nhận thức chung về vấn đề bồi thường còn đơn giản, chưa giải quyết triệt để các trường hợp. Do đó, vấn đề "hiệu lực" nếu đặt ra đối với những vụ án oan xảy ra trước thời điểm Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước có hiệu lực (1/1/2010) cần được áp dụng theo quy định và từ thời điểm có luật này.

Dẫn chứng Điều 18, luật sư Tú cho rằng trường hợp của ông Cường bị oan sai thuộc phạm vi Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bởi trong bản án sơ thẩm của TAND TP HCM (năm 1989) và Bản án phúc thẩm (năm 1990) của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã khẳng định ông Cường là người bị hại trong vụ bắt, giữ, giam người trái pháp luật do nhóm cán bộ công an quận thực hiện, gây ra oan sai cho ông Cường, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân...

Như vậy, ông Cường sẽ được bồi thường vì đáp ứng đầy đủ các các căn cứ quy định tại Điều 7 của luật này. Cụ thể là có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại và có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

"Việc Công an hay VKS quận 6 đưa ra lý do hết thời hiệu để không giải quyết việc đã gây oan sai cho ông Cường là không phù hợp", luật sư Tú nêu quan điểm. Bởi theo khoản 1 Điều 471 Bộ Luật tố tụng Hình sự 2015, việc trả lời của các cơ quan tố tụng với lý do "hết thời hiệu" trong việc yêu cầu đình chỉ điều tra đối với bị can, có thể coi là hợp pháp. Tuy nhiên, khi các cơ quan tiến hành tố tụng đã gây oan sai cho ông Cường mà trả lời như vậy là không phù hợp và cần phải xem xét, đánh giá lại một cách toàn diện. Hơn nữa, theo Điều 6, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, việc yêu cầu bồi thường phục hồi danh dự thì không bị hạn chế bởi vấn đề thời hiệu.

Để đòi lại được quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, theo luật sư Tú, ông Cường cần yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, chứ không phải khiếu nại hay khởi kiện.

Ông Cường nhiều năm nay sống nhờ vào sự giúp đỡ của các hảo tâm. Ảnh: Anh Trung

Ông Cường (giữa) nhiều năm nay sống nhờ vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Ảnh: Anh Trung

Bị mất sức lao động do sức khỏe giảm sút, hơn chục năm nay, ông Cường sống nhờ cơm chay ở chùa và sự giúp đỡ của những người hảo tâm. Hôm nào khỏe, ông lên chùa phụ giúp làm công quả nấu cơm từ thiện, tối đến lang thang ngồi ở góc đường xin tiền phòng những ngày ốm đau.

"Tôi giờ như ngọn đèn sắp hết dầu, không biết sống được bao lâu. Cái mong mỏi nhất là được trả lại danh dự, được xin lỗi công khai, nhưng mãi không được giải quyết", ông nói.

Theo Vnexpress

(- PV Hải Duyên)

https://vnexpress.net/nguoi-bi-bat-oan-39-nam-truoc-o-sai-gon-mon-moi-tim-cong-ly-4714961.html?fbclid=IwAR0FKvbWuH4I4XvAaI2fI0rgLHyxSgnsZsSN35qbrcQNuTbrgMxKsOU29dg

Gửi bình luận:

hotline 0848009668