12/06/2021 10:59:33 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Trong thời đại công nghệ 4.0, việc chụp một bức ảnh hay quay một đoạn video và đăng lên không gian mạng là vô cùng đơn giản, nhất là các trang mạng xã hội. Điều nghiêm trọng là tình trạng một số bộ phận người dân tự ý quay phim, chụp hình người khác để đăng lên trang mạng nhằm câu view, câu like diễn ra ngày càng tràn lan, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội.
Vụ việc nữ sinh trộm váy trị giá 160k ở Thanh Hóa bị hành hạ, quay video và phát tán trên mạng chính là một ví dụ điển hình của trình trạng tự ý đăng tải hình ảnh trái phép trên không gian mạng. Ngay sau khi clip được đăng tải trên mạng xã hội, Công an TP. Thanh Hóa đã tiến hành điều tra, làm rõ và hiện đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, vợ chồng chủ shop.
Việc đăng clip đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và danh dự của em nữ sinh. Vậy câu hỏi đặt ra là người quay video và tự ý đăng clip của nữ sinh lên mạng có bị xử lý không?
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm cho biết:
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, người dân được phép ghi hình mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ khi hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hoặc hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Ngoài ra, người dân có quyền được chụp hình hay quay phim để giám sát cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc quay phim không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ngoài các trường hợp trên, người dân không được và không nên quay phim và đăng tải video lên mạng xã hội khi chưa được đồng ý dù với bất kỳ mục đích gì. Nếu ghi hình khi chưa được sự đồng ý của người khác thì đó là hành vi vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Tùy theo vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Như vậy, đối chiếu với quy định pháp luật thì người tự ý quay và đăng video của nữ sinh trong vụ việc trên là vi phạm pháp luật, do đó sẽ phải chịu những hình phạt nhất định.
Xử phạt vi phạm:
Tùy từng trường hợp và mức độ vi phạm mà người vi phạm sẽ phải chịu những hậu quả khác nhau. Theo đó:
Bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng cho hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích.
• Bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác hoặc Tội vu khống. Mức hình phạt có thể lên tới 05 năm tù giam.
Hiện nay, cơ quan điều tra đang làm rõ vai trò của các đối tượng có liên quan, trong đó có người quay clip.
___________________________
Thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ: TAT LAW FIRM
Tại Hà Nội: Số 1 Phố Nam Đồng, Đống Đa.
TPHCM: Phòng 106, Tòa nhà Cityview, 12 Mạc Đĩnh Chi, Q.1.
Hotline tư vấn:
0848.009.668 (Hà Nội), 0888009668 (TP.HCM)
Email: truonganhtulawfirm@gmail.com
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50