Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói về việc mua vắc xin của Trung Quốc

06/11/2021 09:43:54 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam đã phê duyệt một loại vắc xin của Trung Quốc và đang tích cực đàm phán với nhiều nguồn để đa dạng hóa nguồn vắc xin.

Tại cuộc họp báo chiều 10/6, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói về việc mua vắc xin của Trung Quốc - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhận nhiều câu hỏi về vấn đề vắc xin phòng Covid-19 tại cuộc họp báo chiều 10/6/2021.

Việt Nam xác định mục tiêu sớm tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân, nhằm đạt được sự miễn dịch cộng đồng, coi đây là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19.

Để thực hiện mục tiêu này, mới đây Quốc hội quyết định sử dụng khoảng 12.000 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin phòng dịch Covid-19.

Đồng thời, Đảng và Nhà nước cũng xác định, sự đồng lòng, chia sẻ, trách nhiệm, cảm thông của nhân dân, khả năng huy động nguồn lực xã hội là nhân tố quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Trên tinh thần đó, ngày 26/5/2021, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 53/NQ-CP và Thủ tướng có Quyết định số 779/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân.

Cho đến nay, theo bà Hằng, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đóng góp tích cực, tự nguyện của các doanh nghiệp Việt Nam, đông đảo nhân dân và một số doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

"Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều và sẽ đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân và ổn định sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" - bà Hằng nhấn mạnh.

Giải đáp thông tin Nhật sẽ tặng 2 Việt Nam 2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đã tích cực đàm phán, trao đổi để có thể mua, tiếp cận, nhập khẩu, nhận viện trợ vắc xin phòng Covid-19 đưa về Việt Nam.

Bà Hằng nêu con số, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 2,6 triệu liều vắc xin từ cơ chế Covax Facility và cũng nhận cam kết từ một số nhà sản xuất, quốc gia và một số đối tác. Thông tin về cuộc thỏa thuận, mua, nhập, nhận viện trợ, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin sẽ được các cơ quan cập nhật liên tục tới người dân và các cơ quan báo chí.

Trao đổi về thông tin Việt Nam đã phê duyệt thêm vắc xin phòng Covid-19, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng thông tin, với Quyết định số 267 ban hành ngày 3/6 vừa qua, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch với vắc xin có tên Covid-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated (tên khác là SARS-CoV-2 Vaccine, Inactivate) - một loại vắc xin do Trung Quốc sản xuất. Đây là vắc xin thứ 3 được phê duyệt tại Việt Nam.

Về vấn đề xúc tiến đàm phán với phía Trung Quốc để mua vắc xin của nước này, bà Hằng cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tích cực trao đổi và thúc đẩy đàm phán với nhiều quốc gia chứ không chỉ với Trung Quốc cũng như với các đối tác, các nhà sản xuất vắc xin khác nhau để có thể mua, nhập khẩu, nhận hỗ trợ vắc xin đưa về Việt Nam.

Tới đây, Việt Nam tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa các nguồn vắc xin để đáp ứng được nhu cầu tiêm phòng Covid-19 cho rộng rãi các nhóm đối tượng, để đạt được mục tiêu tiêm bao phủ 75% dân số nhằm tạo được miễn dịch cộng đồng.

Báo Dân trí (- PV Phương Thảo)