Nhận diện và phòng ngừa rủi ro đối với Hợp đồng vay

10/15/2024 09:09:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận

1. Các rủi ro phổ biến

1.1. Không thu hồi được vốn, lãi

Trong hợp đồng vay tài sản, rủi ro phần lớn thuộc về Bên cho vay. Trong đó, rủi ro phổ biến nhất là việc Bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền lãi, tiền gốc dẫn đến Bên cho vay không có khả năng thu hồi lại vốn. 

1.2. Vi phạm quy định pháp luật về lãi suất cho vay

Bên cạnh rủi ro liên quan đến việc thu hồi lãi, tiền gốc, thì một rủi ro khá phổ biến khác đối với Bên cho vay là vấn đề mức lãi suất cho vay. Cụ thể, pháp luật cho phép các bên được quyền tự do thoả thuận mức lãi suất cho vay, nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác (Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015).

Việc các bên thoả thuận mức lãi suất vượt quá mức tối đa, thì không chỉ phần lãi vượt quá không có hiệu lực, mà còn dẫn đến nhiều nguy cơ rủi ro đối với Bên cho vay. Cụ thể, nếu lãi suất cho vay vượt quá quy định, thì Bên cho vay có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm a Khoản 3 Điều 16 hoặc Điểm d Khoản 4 Điều 12Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Mức phạt tiền đối với hành vi này là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. 

Trường hợp lãi suất cho vay gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay nặng lãi, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt chính là phạt tiền từ 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù lên đến 03 năm theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội cho vay nặng lãi.

2. Nguyên nhân dẫn đến rủi ro

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Bên cho vay gặp khó khăn trong khâu thu hồi vốn, nhận lãi suất và nguy cơ vi phạm quy định mức lãi suất tối đa pháp luật cho phép. Theo đó, phổ biến có thể liệt kê các nguyên nhân như sau:

2.1. Không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc, đầy đủ khâu thẩm định khả năng hoàn trả vốn, lãi của Bên vay

Nếu như việc thẩm định hồ sơ vay vốn của các tổ chức tín dụng hiện nay như Ngân hàng đang làm rất tốt,thì khâu thẩm định điều kiện để cá nhân cho vay hiện nay đang còn rất sơ sài, thậm chí là không có khâu này trước khi thực hiện việc cho vay. Việc này dẫn đến việc Bên cho vay phải đối mặt với nguy cơ rủi ro từ cao đến rất cao việc Bên vay mất thanh khoản, không còn khả năng thanh toán tiền gốc, lãi theo đúng như thoả thuận đã cam kết.  

Lý giải cho việc này có thể thấy, các bên trong các hợp đồng vay cá nhân, thông thường là những người có quan hệ quen biết với nhau. Hơn nữa, giá trị của các khoản vay này thường không lớn và hơn hết, là giữa Bên cho vay và Bên vay có sự tin tưởng lẫn nhau, trên tinh thần lấy chữ tín làm đầu. Bởi vậy, thực tế tham gia các vụ án tranh chấp liên quan đến hợp đồng vay giữa cá cá nhân với nhau, khi sao chụp hồ sơ tại toà, tôi thường thấy Giấy vay nợ của các bên rất đơn sơ. Rất nhiều trường hợp, hợp đồng vay chỉ là một tờ giấy viết tay với vài nội dung chính như thông tin các bên, số tiền vay, thậm chí còn nhiều lỗi chính tả và thiếu cả dòng chữ quan trọng là “tôi đã nhận đủ số tiền….đồng mà bên cho vay giao”

Ngoài ra, việc đơn giản, chủ quan trong hoạt động cho vay một phần do hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Mặt khác, là do tính cả nể của Bên cho vay khi họ không muốn Bên vay phải ngại, xấu hổ khi vay tiền. Cho nên, khâu thẩm định về điều kiện trả lãi, vốn gốc không được chú trọng đầu tư, nhiều khi việc thẩm định chỉ thực hiện một cách cảm tính như thấy Bên vay cũng có nhà cửa, tài sản, làm ăn kinh doanh nên tin tưởng họ có khả năng thanh toán mà không tìm hiểu sâu về tính thanh khoản, dòng tài chính của Bên đi vay.

2.2. Không áp dụng các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật cho phép

Một nguyên nhân lớn tiếp theo dẫn đến rủi ro bị mất cả chì lẫn chài đối với Bên cho vay là khi cho vay, Bên cho vay không yêu cầu Bên vay thực hiện một hoặc đồng thời các biện pháp đảm bảo nghĩa vụ như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh… để đảm bảo thu hồi vốn gốc và lãi theo quy định của pháp luật. 

Bởi vậy, một khi Bên vay mất thanh khoản, thì Bên cho vay cũng mất luôn tiền cho vay. Việc theo đuổi một vụ kiện để có một bản án tuyên Bên vay phải có nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi, đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc mà đôi khi kết quả của bản án không thể thi hành được vì Bên vay không còn đủ điều kiện để thi hành án. 

3. Biện pháp phòng ngừa

Nhằm phòng tránh rủi ro, trên nguyên tắc “mất lòng trước, được lòng sau”Bên cho vay nên, thậm chí là bắt buộc phải thực hiện khâu thẩm định điều kiện, tính thanh khoản về tài chính của Bên vay. Theo đó, yêu cầu Bên vay cung cấp các tài liệu, giấy tờ liên quan để thực hiện việc này. Nếu việc thẩm định phức tạp, Bên cho vay cần thuê các đơn vị/cá nhân có nghiệp vụ chuyên môn để thực hiện việc này. Đặc biệt trong các hợp đồng vay với số tiền cho vay có giá trị lớn. Tuyệt đối tránh trường hợp vì ham lãi suất cao mà bỏ qua khâu thẩm định này, dẫn đến nguy cơ rủi ro vô cùng lớn khi Bên vay mất thanh khoản.

Trong trường hợp qua khâu thẩm định điều kiện tài chính, tính thanh khoản của Bên vay đã đảm bảo. Thì trong hợp đồng vay, Bên cho vay nên có các điều khoản quy định về biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán lãi, nợ vay như bảo lãnh, cầm cố, thế chấp… Đồng thời thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký các biện pháp bảo đảm đối với các loại tài sản bắt buộc phải đăng ký biện pháp bảo đảm như nhà đất, xe… theo đúng quy định tại Nghị định 21/2021/NĐ-CP. Các điều khoản này sẽ là cơ sở pháp lý để Bên cho vay thực hiện các biện pháp xử lý tài sản đảm bảo khi Bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Bảo đảm khả năng thu hồi số tiền đã cho vay một cách nhanh chóng, đầy đủ nhất có thể.

Luật sư Trương Ngọc Liêu

                                                                                                TAT Law Firm

hotline 0848009668