10/17/2024 15:26:00 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Về bản chất, trong Hợp đồng uỷ quyền, Bên nhận uỷ quyền thực hiện các công việc là nhân danh Bên uỷ quyền và Bên ủy quyền phải chịu trách nhiệm pháp lý về công việc do Bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền. Do đó, vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất trong Hợp đồng uỷ quyền, để có thể bảo vệ quyền lợi, tránh rủi ro pháp lý, thì Bên uỷ quyền phải kiểm soát chặt chẽ phạm vi uỷ quyền.
Ngoài ra, Bên uỷ quyền còn phải lưu ý đến các rủi ro khác gồm:
1. Rủi ro về hình thức Hợp đồng uỷ quyền
Để kiểm soát rủi ro pháp lý, đầu tiên Bên uỷ quyền phải dành sự quan tâm đến hình thức của Hợp đồng uỷ quyền. Theo đó, trong mọi giao dịch về uỷ quyền, Bên uỷ quyền buộc phải lập Hợp đồng uỷ quyền/giấy uỷ quyền bằng văn bản (sau đây gọi chung là Hợp đồng uỷ quyền). Tránh trường hợp việc uỷ quyền được thực hiện bằng lời nói dẫn đến khó khăn trong việc đối chiếu về nội dung công việc thực hiện và phạm vi uỷ quyền khi có tranh chấp xảy ra. Hơn thế nữa, Bên uỷ quyền cần và nên ưu tiên công chứng, chứng thực văn bản này, ngay cả khi không thuộc trường hợp bắt buộc phải công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
Tất cả các việc làm này nhằm bảo Hợp đồng uỷ quyền có giá trị pháp lý và cơ sở để bảo vệ quyền lợi của Bên uỷ quyền một cách tốt nhất khi có tranh chấp phát sinh với Bên nhận uỷ quyền và bên thứ ba (nếu có).
2. Rủi ro về phạm vi uỷ quyền
Bên cạnh rủi ro về hình thức uỷ quyền như đã nêu. Liên quan đến nội dung của Hợp đồng uỷ quyền, Bên uỷ quyền phải chú ý đến nội dung về công việc thực hiện, phạm vi uỷ quyền. Phương pháp để phòng ngừa rủi ro trong trường hợp này là Bên uỷ quyền phải liệt kê các công việc cụ thể mà Bên uỷ quyền được phép thực hiện. Tuyệt đối tránh việc mô tả công việc uỷ quyền một cách chung chung, không liệt kê chi tiết. Bởi vì, việc mô tả chung chung nội dung công việc uỷ quyền sẽ dẫn đến không có “ranh giới” chính xác, khi phát sinh tranh chấp về việc xác định Bên nhận uỷ quyền thực hiện công việc là nằm trong hay ngoài phạm vi được uỷ quyền.
Bên cạnh đó, sau khi liệt kê các công việc cụ thể mà Bên được uỷ quyền được phép thực hiện, Bên uỷ quyền không sử dụng dấu “…” hoặc “v.v…”, vì điều này đồng nghĩa với việc phạm vi uỷ quyền là không bị giới hạn.
3. Rủi ro về việc uỷ quyền lại
Một lưu ý rất quan trọng đối với Bên uỷ quyền là quy định liên quan đến quyền của Bên nhận uỷ quyền được uỷ quyền lại cho bên thứ ba. Theo đó, pháp luật quy định Bên nhận uỷ quyền được phép uỷ quyền lại, nếu như được Bên uỷ quyền cho phép. Quy định này đồng nghĩa với việc, nếu các bên không có thoả thuận về việc uỷ quyền lại, thì đương nhiên Bên nhận uỷ quyền không được phép uỷ quyền lại.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, trách rắc rối phát sinh liên quan đến bên thứ ba. Cách tốt nhất trong trường hợp Bên uỷ quyền không cho phép uỷ quyền lại, thì ngay trong nội dung Hợp đồng uỷ quyền, Bên uỷ quyền ghi rõ “Bên nhận uỷ quyền không được phép uỷ quyền lại trong mọi trường hợp”. Bởi vì, việc cho phép uỷ quyền lại sẽ có nguy cơ dẫn đến mục đích của việc uỷ quyền không đạt được hoặc việc thực hiện công việc được uỷ quyền sẽ nằm ngoài khả năng kiểm soát của Bên uỷ quyền.
4. Rủi ro về việc thực hiện công việc vượt quá phạm vi uỷ quyền
Theo quy định của pháp luật, trong một số trường hợp, mặc dù người uỷ quyền thực hiện công việc vượt quá phạm vi uỷ quyền, nhưng vẫn ràng buộc trách nhiệm pháp lý của người uỷ quyền. Đó là các trường hợp, bao gồm: (i) Người được đại diện đồng ý, (ii) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý và (iii) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.
Do đó, trong trường hợp, nếu phát hiện người đại diện thực hiện công việc vượt quá phạm vi uỷ quyền, nếu không đồng ý, thì người uỷ quyền phải thể hiện sự phản đối ngay. Việc phản đối này có thể kết hợp bằng nhiều hình thức như bằng lời nói, văn bản, hành động… thông tin trực tiếp đến người được uỷ quyền và bên thứ ba, cũng như cơ quan có thẩm quyền liên quan (nếu có) đối với giao dịch do người được uỷ quyền thực hiện.
Tránh trường hợp người uỷ quyền biết việc người đại diện thực hiện công việc vượt quá phạm vi uỷ quyền nhưng im lặng, không phản đối, vì cho rằng đương nhiên các giao dịch được xác lập do vượt quá phạm vi uỷ quyền sẽ không ràng buộc quyền và nghĩa vụ của mình đối với giao dịch đó. Đây là suy nghĩ thông thường và thực tế nhiều tranh chấp liên quan đến việc uỷ quyền cũng phát sinh từ lối suy nghĩ này. Bởi họ không biết việc pháp luật có những quy định ngoại lệ như trên.
5. Rủi ro về cách hiểu nội hàm “uỷ quyền”
Trong thực tế đời sống, thuật ngữ “uỷ quyền” được sử dụng một cách khá phổ biến, với nội hàm rộng hơn nhiều so với khái niệm “uỷ quyền” như một thuật ngữ pháp lý, một chế định của Bộ luật Dân sự. Thuật ngữ uỷ quyền trong đời sống thường ngày nhiều khi được sử dụng bao hàm hoặc thay thế cho các thuật ngữ “mua bán”, “chuyển nhượng”, “tặng cho quyền sở hữu tài sản”.
Ví dụ, A muốn bán cho B chiếc xe máy, thì A và B thường nói là tôi muốn uỷ quyền chiếc xe máy cho B. Vì vậy sau thời gian dài làm công tác trong ngành pháp lý, tiếp xúc với nhiều khách hàng ở các vùng miền khác nhau, tôi nhận thấy có sự nhầm lẫn giữa “uỷ quyền quản lý tài sản” và “mua bán, tặng cho, chuyển nhượng tài sản”. Do đó, trong thực tế, vì sự hiểu không đúng về nội hàm của từ uỷ quyền theo quy định pháp luật và uỷ quyền dùng trong đời sống hàng ngày hoặc cũng có thể các bên hiểu đúng nhưng muốn đơn giản thủ tục thực hiện, nên các bên thường lập Hợp đồng/giấy uỷ quyền để thực hiện việc chuyển nhượng, mua bán, tặng cho tài sản. Đặc biệt, đối với các loại tài sản mà pháp luật buộc phải đăng ký quyền sở hữu, thủ tục chuyển giao quyền sở hữu sẽ phức tạp hơn so với trường hợp chuyển giao các tài sản khác.
Tuy nhiên, cách làm này chỉ giải quyền được quyền chiếm hữu, sử dụng đối với tài sản mà quyền định đoạt đối với tài sản vẫn chưa hoàn toàn được chuyển giao. Ví dụ, A bán cho B chiếc xe máy đứng tên mình, tuy nhiên các bên thoả thuận để nhanh chóng về thủ tục, tránh phát sinh một số phí, lệ phí, các bên chỉ lập Hợp đồng uỷ quyền về việc B được toàn quyền chiếm hữu, sử dụng chiếc xe này trong thời hạn 20 năm. Theo thoả thuận, B thanh toán tiền mua xe cho A và A giao Giấy chứng nhận đăng ký xe (Cà vẹt) đứng tên mình cho B.
Như vậy, về mặt pháp lý B không phải là chủ sở hữu của chiếc xe máy này mặc dù B đã thanh toán đủ tiền theo Hợp đồng mua bán. Trường hợp này nói ngắn gọn là “xe không chính chủ”. Tuy nhiên, trong trường hợp B sử dụng xe này vi phạm pháp luật như dùng để phạm tội trộm cắp, cướp giật hay gây tai nạn… thì với tư cách là chủ sở hữu xe, A phải được triệu tập để lấy lời khai trong quá trình xét xử vụ án hình sự này và A phải có nghĩa vụ chứng minh các bên đã có việc mua bán để loại trừ trách nhiệm của mình. Như vậy, rủi ro đối với bên bán là A rất lớn.
Do đó, khi thực hiện các giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu như mua bán, tặng cho… các bên phải thực hiện theo các loại Hợp đồng tương ứng phù hợp với quy định của pháp luật. Tránh trường hợp dùng Hợp đồng uỷ quyền để thay thế, vừa không phản ánh đúng bản chất giao dịch vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Luật sư Trương Ngọc Liêu
TAT Law Firm
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50