11/04/2021 10:53:04 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
Thời gian gần đây, trên một số mạng xã hội xuất hiện tình trạng nhiều cá nhân sử dụng các tính năng của mạng xã hội như phát sóng trực tiếp (livestream) hoặc chia sẻ bài viết, thông tin, hình ảnh có nội dung vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức. Đặc biệt, những thông tin này lại thu hút rất đông số lượng người theo dõi, gây ảnh hưởng tới trật tự xã hội.
Những tin tức tràn lan xuất hiện và được báo mạng đưa tin là những việc như cô A, cô B “đẻ thuê”, “đẻ mướn”, “đẻ thuê cho đại gia”, cô C, cô D “làm gái”, “làm đĩ” …mặc dù đây đều là những thông tin phiến diện một chiều không được xác thực, chứng minh nhưng vẫn luôn là những từ khóa phổ biến và được nhiều người tìm kiếm, chia sẻ rộng rãi trên không gian mạng để sau đó hùa vào chửi bới, lăng mạ cá nhân đó. Vậy việc nói người khác “đẻ thuê”, “làm gái” như vậy có vi phạm các quy định của pháp luật?
Dưới lăng kính pháp luật, có thể khẳng định những hành vi nêu trên là hành vi vừa vi phạm về đạo đức, vừa vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự. Bởi quyền mỗi công dân đối với danh dự, nhân phẩm của mình được pháp luật bảo vệ trên hết từ đạo luật cao nhất là Hiến pháp cho đến các quy định pháp luật chuyên ngành. Do đó, bất kỳ hành vi nào nhằm xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm của người khác đều bị xem là vi phạm pháp luật.
Về góc độ hình sự, những hành vi chửi bới, bôi nhọ, lăng mạ, hạ nhục nhân phẩm và danh dự là một trong những hành vi khách quan của tội “Làm nhục người khác” được quy định tại Điều 155 về tội Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS).
Vậy tại sao nói, tố người khác “đẻ thuê” có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục? Bởi “Đẻ thuê” là từ được dùng để chỉ việc thuê một người phụ nữ để mang thai và sinh con thay cho người khác, sau đó trao lại đứa trẻ cho bên thuê để nhận về một khoản tiền hoặc một khoản lợi ích vật chất nhất định. Dưới góc độ sinh sản tự nhiên, đẻ thuê được thực hiện với hình thức quan hệ tình dục, giữa bên thuê với bên được thuê để có thai, rồi sinh con. Bên đẻ thuê sẽ nhận được tiền, tài sản hoặc những lợi ích vật chất từ bên thuê. Theo lẽ thông thường, khi tố người khác “đẻ thuê” thường là quy kết người đó đã có quan hệ tình dục (hay còn gọi là giao cấu) để nhận lại được lợi ích vật chất. Như vậy, việc giao cấu ngoài hôn nhân để đổi lấy lợi ích vật chất chính là hành vi của hoạt động mại dâm.
Khái niệm “mại dâm” quy định tại Pháp lệnh phòng, chống mại dâm số 10/2003/Pl-UBTVQH11 ban hành ngày 17/03/2002 thì mại dâm là “hành vi mua, bán dâm”, trong đó bán dâm là “hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác”. Như vây, hành vi nói người khác “đẻ thuê” là đồng nghĩa ám chỉ họ là “gái bán dâm” (Ngôn ngữ xã hội gọi là gái, gái điếm, gái đĩ, gái bao, phò…) cũng có hàm ý là hoạt động mại dâm.
Dưới góc độ văn hóa - xã hội, nền văn hoá phương Đông là nền văn hóa vốn coi trọng lễ giáo, thuần phong mỹ tục nên không còn gì nhục nhã hơn đối với một người phụ nữ khi bị vu oan làm gái bao, gái bán dâm, đẻ thuê, đẻ mướn để rồi người đời soi mói, mắng chửi ...Những từ ngữ trên, người ta chỉ dùng nó khi để sỉ nhục nhau, đối với bất cứ người phụ nữ nào, khi bị người khác dùng những từ ngữ này, sẽ đều cảm thấy nhục nhã, dù cho những thông tin đó là dối trá.
Như vậy, việc nói, vu, hay gán cho người khác là “đẻ thuê”, “gái bán dâm”, bằng bất kỳ hình thức nào, từ ngữ nào trước đám đông cũng tương tự như hành vi cắt tóc, lột quần áo, bắt quỳ gối…Những hành vi này đã xâm phạm nặng nề đối với danh dự, nhân phẩm, đạo đức và phẩm hạnh của người phụ nữ. được mặc nhiên xác định là hành vi làm nhục đối với người khác theo thông lệ áp dụng pháp luật, xã hội Việt Nam và là hành vi khách quan của cấu thành tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.
Vì vậy, Công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng không được “ngôn luận tự do”, bất cứ người nào phát ngôn hay phát tán thông tin về cá nhân, tổ chức nào đó một cách tùy tiện, vô lối, không có căn cứ, sai sự thật chỉ nhằm để thỏa mãn và mưu lợi cá nhân, xâm hại lợi ích công và chuẩn mực văn hóa cộng đồng đều cần phải xử lý nghiêm khắc.
__________________________
Thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ: TAT LAW FIRM
Tại Hà Nội: Số 1 Phố Nam Đồng, Đống Đa.
TPHCM: Phòng 106, Tòa nhà Cityview, 12 Mạc Đĩnh Chi, Q.1.
Hotline tư vấn:
0848.009.668 (Hà Nội), 0888009668 (TP.HCM)
Email: truonganhtulawfirm@gmail.com
10/08/2024 11:30:00
01/12/2022 10:46:00
07/12/2021 10:05:59
07/05/2021 14:50:50