06/25/2025 16:53:12 / Đăng bởi Trương Anh Tú / (0) Bình luận
(SHTT) - Thời gian gần đây. liên tiếp các vụ việc người nổi tiếng quảng cáo và bán các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả bị lật tẩy đã khiến lòng tin của người tiêu dùng bị xói mòn. Do đó, việc tăng cường các quy định quản lý người nổi tiếng trong hoạt động quảng cáo là vô cùng cấp thiết.
Những ngày cuối tháng 3/2025, thông tin Sở Y tế TP.HCM kiểm tra, thu giữ hàng loạt kẹo rau giảm cân quảng cáo tràn lan bởi các gương mặt nổi tiếng như Quang Linh, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên tiếp tục là một hồi chuông báo động cho câu chuyện người tiêu dùng Việt Nam đang bị dẫn dắt bởi niềm tin vào người nổi tiếng thay vì sự thật về sản phẩm. Điều đáng nói, những sản phẩm này không giấy phép, chứa thuốc sổ, được thổi phồng công dụng dưới chiêu trò “detox” giảm cân cấp tốc nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe rất lớn.
Vậy câu hỏi đặt ra là vai trò của các tổ chức xã hội, cụ thể như Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam VINASTAS ở đâu, khi quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại từ gốc? Và người nổi tiếng – KOL, KOC – rốt cuộc đang làm bạn hay vô tình trở thành công cụ tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành?
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2024 đã có bước tiến đáng kể khi lần đầu tiên quy định rõ ràng trách nhiệm của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo sản phẩm. Họ phải chịu trách nhiệm pháp lý giống doanh nghiệp, đồng nghĩa nếu sản phẩm sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, họ có thể phải bồi thường hoặc bị xử lý hình sự nếu hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm, người đã trực tiếp tham gia nhiều vụ kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật thì đã có nhưng cách áp dụng và khung xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe. Một buổi livestream có thể đem về hàng trăm triệu đồng, nhưng mức phạt cao nhất hiện tại chỉ vài triệu. Một con số quá nhỏ để làm các KOL/KOC thấy sợ, thậm chí nhiều người coi đó như “phí quảng cáo” khi lỡ bị bắt lỗi. Đây là kẽ hở lớn khiến thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng tiếp tục sinh sôi.
Ở góc độ tổ chức xã hội, VINASTAS là đơn vị đại diện quyền lợi người tiêu dùng ở cấp quốc gia, có mạng lưới tại hơn 50 tỉnh thành, nhưng theo khảo sát gần đây, chỉ khoảng 40% người tiêu dùng biết đến hoặc từng được hỗ trợ bởi VINASTAS. Trong nhiều vụ việc lớn, hội chỉ lên tiếng khi báo chí đã điều tra, mạng xã hội đã lan truyền, người tiêu dùng đã chịu thiệt hại.
Luật sư Mai Thảo chia sẻ rằng, vai trò của tổ chức xã hội là không thể thiếu, nhưng để thực sự phát huy đúng chức năng, cần hiện đại hóa cách vận hành. Các hội bảo vệ người tiêu dùng tại Hàn Quốc, Thái Lan đều có hệ thống tiếp nhận phản ánh online, phối hợp với mạng xã hội để gắn nhãn xác minh uy tín sản phẩm, tạo niềm tin vững chắc. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi, đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ với báo chí, cơ quan chức năng và các dịch vụ luật sư bảo vệ người tiêu dùng chuyên nghiệp như TAT Law Firm để xử lý vi phạm nhanh, hiệu quả, răn đe đủ mạnh.
Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm
Cũng theo Luật sư Mai Thảo, điều quan trọng là người tiêu dùng cần được khuyến khích chủ động tố cáo, khiếu nại khi phát hiện quảng cáo gian dối. Những vụ việc lớn thường được khui ra từ một vài phản ánh lẻ tẻ ban đầu, nhưng để đi đến cùng, đòi bồi thường thiệt hại đòi hỏi kiến thức pháp luật, sự kiên trì và chuyên môn sâu. Đây chính là lý do vì sao dịch vụ luật sư bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang trở thành xu thế tất yếu ở các đô thị lớn.
TAT Law Firm đã và đang hỗ trợ hàng chục vụ việc, từ kiện đòi bồi thường quảng cáo sai sự thật, đến đòi hoàn tiền mua hàng giả, thậm chí khởi kiện tập thể để tạo sức ép buộc doanh nghiệp vi phạm phải đền bù thiệt hại, xin lỗi công khai. Khi luật sư tham gia, các doanh nghiệp và KOL bắt buộc phải nhìn nhận rủi ro pháp lý rõ ràng, từ đó tự điều chỉnh hành vi quảng bá, không dám qua loa, lách luật hay cố tình giấu diếm nguồn gốc sản phẩm.
Dưới góc độ quản lý, Luật sư Mai Thảo đề xuất, đã đến lúc cần một “bảng chuẩn mực ứng xử” riêng dành cho KOL/KOC khi tham gia quảng cáo. Họ cần công khai rõ ràng mối quan hệ tài chính với nhãn hàng, minh bạch quy trình kiểm chứng sản phẩm, sẵn sàng cung cấp giấy tờ pháp lý nếu có tranh chấp. Cùng lúc, VINASTAS và các hội ngành cần được tăng cường nguồn lực, ứng dụng công nghệ, liên kết các sàn thương mại điện tử để tích hợp công cụ phản hồi trực tuyến ngay khi người tiêu dùng phát hiện gian lận. Một thị trường phát triển bền vững không thể chấp nhận những quảng cáo lập lờ đánh lừa người mua, càng không thể để người nổi tiếng biến ảnh hưởng của mình thành vỏ bọc che đậy cho hàng gian, hàng giả.
Nhìn rộng ra, hành lang pháp lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng chỉ có thể vận hành hiệu quả khi cộng thêm bàn tay của luật sư chuyên nghiệp. Một vụ việc được đòi quyền lợi tới cùng sẽ trở thành tiền lệ, răn đe doanh nghiệp và KOL thiếu ý thức. Một doanh nghiệp chân chính, tuân thủ quy định sẽ càng được tôn vinh, thị trường cũng trở nên trong sạch, cạnh tranh lành mạnh hơn. Đó chính là mục tiêu lâu dài của các dịch vụ luật sư bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà TAT Law Firm kiên định theo đuổi suốt nhiều năm qua.
Luật sư Mai Thảo nhấn mạnh, ảnh hưởng của người nổi tiếng là tài sản quý, nhưng càng có sức lan tỏa, trách nhiệm càng lớn. Niềm tin người tiêu dùng cần được bảo vệ bằng hành động pháp lý cụ thể chứ không chỉ bằng lời cam kết suông. Khi luật mạnh tay, xã hội đồng lòng và luật sư đồng hành, những kẽ hở để hàng giả, quảng cáo bẩn tồn tại sẽ dần khép lại. Đó cũng chính là cam kết mà TAT Law Firm mang tới cho mỗi khách hàng: bảo vệ danh dự, quyền lợi, sức khỏe và cả niềm tin đúng luật, đúng người, đúng việc.
Phạm Tài
10/08/2024 11:30:00
06/20/2025 14:08:00
06/20/2025 14:01:22
06/19/2025 09:18:13